Người dân xếp hàng lấy nước ngọt tại điểm do Bộ TN&MT cung cấp |
10% tổng số xã trên cả nước thiếu nước ngọt
Ông Châu Trần Vĩnh, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN&MT) cho biết, trên cả nước hiện có 4.416 công trình cấp nước sinh hoạt (1.390 công trình cấp nước mặt và 2.967 công trình cấp nước ngầm).
Tổng lưu lượng khai thác theo thiết kế khoảng 10,9 triệu m3/ngày. Tổng lưu lượng khai thác thực tế đạt 8,3 triệu m3/ngày (đạt 76%). Trong đó, nguồn nước mặt chiếm 87% tổng lượng nước khai thác (ứng với 7,4 triệu m3/ngày).
Thống kê từ các tỉnh đến hết tháng 3/2020, cả nước hiện có 44/55 tỉnh có xã thiếu nước hoặc có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt; 11/55 tỉnh không xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Có khoảng 1.059 xã đang trong tình trạng thiếu nước và có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt trong thời gian tới (chiếm 10% tổng số xã trên cả nước).
Nguyên nhân chủ yếu là không có công trình lấy nước tập trung (các xã ở vùng núi phía Bắc, miền Trung - Tây Nguyên); nguồn nước bị nhiễm mặn tại các tỉnh ven biển và tình hình xâm nhập mặn trên diện rộng tại ĐBSCL.
Theo thống kê của Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, hiện nguồn nước tại các tỉnh miền núi Bắc Bộ, Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ đã đáp ứng khoảng 25% nhu cầu nước sinh hoạt của người dân tại các vùng.
Hiện Trung tâm đang phối hợp với Cục Quản lý tài nguyên nước tiếp tục bàn giao và đưa vào sử dụng các công trình tại một số tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và ĐBSCL.
Lắp đặt 5 trạm cấp nước ngọt ở ĐBSCL
Theo PGS.TS Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn (KTTV) quốc gia (Tổng cục KTTV), những ngày qua, ở khu vực ĐBSCL, xâm nhập mặn đang tăng trở lại. Đợt xâm nhập mặn này kéo dài đến ngày 15/4, đỉnh điểm sẽ vào các ngày 9-13/4. Do đó, tình trạng thiếu nước ngọt ở ĐBSCL ngày càng gay gắt hơn.
Ông Phan Chu Nam, Liên đoàn trưởng Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Nam cho biết, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia đã rà soát, xác định vùng ĐBSCL hiện nay có 79 cụm công trình có đủ điều kiện có thể lắp đặt, bơm cấp nước chống hạn trong trường hợp khẩn cấp và có thể đầu tư xây dựng thành các trạm cấp nước với tổng lưu lượng khai thác đạt 63.000m3/ngày và có khả năng cấp cho hơn một triệu người.
Trong tháng 4/2020, Trung tâm đã phối hợp lắp đặt 5 trạm cấp nước ngọt cho người dân khu vực thiếu nước ở ĐBSCL gồm 2 điểm ở Cà Mau, 2 điểm ở Bạc Liêu và 1 điểm ở Bến Tre để cấp nước kịp thời cho người dân.
Trong đó, điểm cung cấp nguồn nước ngọt miễn phí cho nhân dân chống hạn, mặn tại xã An Khánh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre là điểm đầu tiên được Trung tâm triển khai khai dẫn tạm thời cấp nước công suất 300m3/ngày (từ ngày 6/4) để cấp nước sinh hoạt khẩn cấp cho nhân dân trong thời gian hạn, mặn đang diễn ra rất nghiêm trọng trong mùa khô năm 2020.
Cục Quản lý tài nguyên nước cũng đã tiến hành lắp đặt hoàn chỉnh hệ thống khai dẫn có khả năng cung cấp với lưu lượng 400m3/ngày (điểm thứ 2) nhằm hỗ trợ khẩn cấp giải quyết nhu cầu cấp nước ăn uống sinh hoạt phục vụ chống hạn, xâm nhập mặn cho xã Vĩnh Hưng và một số xã lân cận thuộc huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu).
Theo kết quả khảo sát hiện tại vùng Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu tồn tại 7 tầng chứa nước, phân bố ở các độ sâu khác nhau từ 50- 400m. Nguồn nước lựa chọn để triển khai lắp đặt điểm cấp nước ở xã Vĩnh Hưng từ giếng khoan ở độ sâu từ 200m, có chất lượng nước tốt đảm bảo đủ điều kiện cấp cho ăn uống, sinh hoạt. Lưu lượng có khả năng khai thác của các giếng khoan hiện hữu đạt 1.160m3/ngày.
Cà Mau là địa phương thiệt thòi hơn so với các tỉnh thuộc khu vực ĐBSCL do không được cung cấp nguồn nước ngọt từ nguồn nước hệ thống sông Cửu Long. Theo số liệu quan trắc tại các khu vực nội đồng của các huyện Trần Văn Thời, U Minh thì mực nước thiếu hụt trên 60%.
Ngày 11/4, tại xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau, Đài KTTV khu vực Nam Bộ đã phối hợp với Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Nam tổ chức buổi lễ bàn giao công trình cung cấp nước sinh hoạt miễn phí cho nhân dân tỉnh Cà Mau. Công trình nước sạch thứ 3 này có công suất 400 đến 500m3/ngày.