Hỗ trợ nhà ở cho người có công, người nghèo: Phát huy vai trò dẫn dắt của Nhà nước

(PLVN) - Ngày 22/5, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã họp nghe báo cáo về các chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, người nghèo khu vực nông thôn và người nghèo vùng lũ lụt.
Bàn giao nhà cho người nghèo, khó khăn về nhà ở tại bản Văng Môn, xã Tam Hợp, huyện Tương Dương, Nghệ An. (Ảnh: Thành Duy)
Bàn giao nhà cho người nghèo, khó khăn về nhà ở tại bản Văng Môn, xã Tam Hợp, huyện Tương Dương, Nghệ An. (Ảnh: Thành Duy)

Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2013 - 2019 cả nước đã hoàn thành hỗ trợ cho hơn 339 nghìn hộ người có công có nhu cầu xây dựng, sửa chữa nhà ở, đạt hơn 96%; giai đoạn 2015 - 2020 hỗ trợ hơn 117 nghìn hộ nghèo, đạt 50%; giai đoạn 2014 - 2021 hỗ trợ hơn 19 nghìn hộ nghèo vùng lũ lụt có nhu cầu xây dựng, sửa chữa nhà ở, đạt 80%.

Bên cạnh những kết quả đạt được, các ý kiến tại cuộc họp cho rằng, cần đánh giá tổng thể, toàn diện về hiệu quả của tất cả các chính sách, chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công, người nghèo, người dân ở vùng sâu, vùng khó khăn, miền núi, hải đảo… đã được triển khai bằng nguồn lực của Nhà nước, xã hội và cả vốn viện trợ phát triển…

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng, đúng đắn, nhân văn của các chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, người nghèo khu vực nông thôn và người nghèo vùng lũ lụt. Những chính sách này đã thể hiện bản chất ưu việt của chế độ, nhận được sự ủng hộ, quan tâm to lớn cũng như sự ghi nhận, đánh giá cao của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp Nhân dân và toàn xã hội.

Việc tổng kết, đánh giá hiệu quả của 3 chính sách này phải đặt trong mối quan hệ, liên kết với các chương trình, cơ chế, chính sách khác. Tương tự, kết quả hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, người nghèo khu vực nông thôn và người nghèo vùng lũ lụt không nằm ngoài mục tiêu tổng thể về hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội nói riêng, việc thực hiện các chính sách xã hội để phát triển nhà ở nói chung. Đồng thời, cần làm rõ vị trí, vai trò, trách nhiệm của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức, đoàn thể chính trị xã hội, cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân… trong việc huy động, đóng góp, sử dụng các nguồn lực dành cho hỗ trợ nhà ở xã hội.

Cùng với việc đánh giá đầy đủ những gì đã làm được, tiếp tục phát huy, Phó Thủ tướng chỉ rõ một số bất cập, hạn chế về cơ chế, chính sách hỗ trợ nhà ở như thiếu tính tổng thể, thống nhất do “thiết kế” ở nhiều thời kỳ; sự khác nhau về cơ chế sử dụng các nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước, quỹ của các tổ chức chính trị - xã hội, đóng góp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân; chưa rõ vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan (Nhà nước, xã hội, đối tượng được hỗ trợ)…

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng khẩn trương phối hợp với các Bộ liên quan hoàn thiện báo cáo tổng kết; đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ nhà ở mới. Các chính sách phải làm rõ phạm vi, các nhóm đối tượng được hỗ trợ, cơ chế hỗ trợ cho từng nhóm như người có công, người nghèo ở địa bàn khó khăn, người nghèo... Mức hỗ trợ được xác định dựa trên đặc trưng, đặc điểm kinh tế - xã hội của các vùng, miền như vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, vùng lũ lụt hay nông thôn ở đồng bằng, đô thị...

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, các chính sách phải khẳng định vai trò dẫn dắt của Nhà nước trong hỗ trợ nhà ở cho người có công, người nghèo, người còn khó khăn. Mục tiêu cuối cùng là bảo đảm mọi người dân được sống trong môi trường an toàn, thụ hưởng các thành quả của sự phát triển, không để ai bỏ lại phía sau.

Đọc thêm