Hóa giải thách thức để người lao động làm việc trên nền tảng số yên tâm làm việc

(PLVN) - Đó là khuyến cáo được đề cập tới trong báo cáo “Triển vọng Việc làm và Xã hội năm 2021” mới nhất của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) vừa đưa ra. 
Hóa giải thách thức để người lao động làm việc trên nền tảng số yên tâm làm việc

Theo Báo cáo được xây dựng trên cơ sở kết quả khảo sát và phỏng vấn 12.000 lao động và đại diện của 85 doanh nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau trên toàn thế giới, thì số lượng các nền tảng lao động số trên toàn thế giới đã tăng gấp 5 lần trong thập kỷ vừa qua và tạo ra những cơ hội việc làm mới cho cả phụ nữ, người khuyết tật, thanh niên và những người yếu thế trong những thị trường lao động truyền thống.

Các nền tảng cũng cho phép doanh nghiệp tiếp cận với một lực lượng lao động linh hoạt có kỹ năng khác nhau với quân số lớn, đồng thời mở rộng cơ sở khách hàng của họ.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển này thì người lao động làm việc trên nền tảng số cũng phải đối diện với thách thức là điều kiện làm việc, tính thường xuyên của công việc và thu nhập, không được tiếp cận chế độ an sinh xã hội, không có quyền tự do hiệp hội và thương lượng tập thể.

Thời gian làm việc thường có thể kéo dài và không dự báo trước được. Hơn một nửa số lao động nền tảng chỉ có thu nhập chưa đến 2 đô la Mỹ một giờ. Thêm vào đó, có sự chênh lệch tiền lương theo giới đáng kể ở một số nền tảng. Báo cáo cho biết thêm, đại dịch COVID-19 khiến cho những vấn đề như vậy bộc lộ rõ rệt hơn.

Nhiều chính phủ, đại diện của doanh nghiệp và người lao động, bao gồm cả công đoàn, đã bắt đầu xử lý một số vấn đề này nhưng cách họ xử lý lại rất khác nhau. Điều này khiến cho tất cả các bên đều cảm thấy bất an. 

Ông Guy Ryder - Tổng Giám đốc ILO - cho rằng, thực tế này kêu gọi đối thoại chính sách toàn cầu và hợp tác trong điều tiết chính sách giữa các nền tảng lao động kỹ thuật số, giữa người lao động và các chính phủ để về lâu dài có thể tạo nên một cách tiếp cận hiệu quả và nhất quán hơn, hướng tới một số các mục tiêu nhằm đảm bảo các vấn đề như: vị thế việc làm của người lao động được phân loại chính xác và phù hợp với hệ thống phân loại quốc gia; đảm bảo tính minh bạch và độ đáng tin cậy của thuật toán đối với người lao động và doanh nghiệp; người lao động nền tảng tự làm có thể được hưởng quyền thương lượng tập thể; mọi lao động, bao gồm cả lao động nền tảng, được tiếp cận đầy đủ phúc lợi an sinh xã hội thông qua việc mở rộng và điều chỉnh khuôn khổ chính sách và pháp lý khi cần thiết; lao động nền tảng có thể tiếp cận với tòa trọng tài nơi họ làm việc nếu muốn. 

“Các nền tảng lao động kỹ thuật số đang mở ra những cơ hội trước đây chưa từng có, đặc biệt là cơ hội cho phụ nữ, thanh niên, người khuyết tật và các nhóm yếu thế ở mọi khu vực trên toàn thế giới. Chúng ta cần đón nhận điều này. Những thách thức mới do những nền tảng số tạo ra thì có thể được giải quyết thông qua đối thoại chính sách toàn cầu để người lao động, người sử dụng lao động và các chính phủ có thể hưởng lợi đầy đủ và công bằng từ những tiến bộ này. Mọi người lao động dù có vị thế việc làm nào đi nữa, đều cần được thực thi các quyền cơ bản của mình trong lao động” - Tổng Giám đốc ILO ông Guy Ryder nhấn mạnh. 

Đọc thêm