Hòa khí ngày xuân

Dân tộc ta vốn hiếu khách, xin đừng để du khách phiền lòng khi đến với một địa chỉ văn hóa, lễ hội ở một địa phương nào đó. Hãy giữ lấy hòa khí ngày xuân, đó cũng là di sản văn hóa tinh thần vô giá.

Một tục lệ đẹp, có thể nói là một cách ứng xử rất văn hóa của dân tộc ta là trong ba ngày Tết người ta kiêng nói to, mắng mỏ, chửi bới..., nếu ai trót phạm vào tục lệ kiêng cữ này bị coi là mất “dông” cả năm (nghĩa là bị cái “dớp” ấy đeo đẳng, hay gặp những chuyện khó chịu).

Ngày Tết, ăn nói khoan hòa, dành cho nhau sự nhẹ nhàng với những lời chúc tụng tốt lành, quả là một nét văn hóa đẹp, rất đáng giữ gìn. Mà sự ứng xử này không chỉ dành cho khách, người ngoài mà trước hết phải thực thi trong gia đình, không có chuyện đánh chó, chửi mèo, mắng mỏ con cháu hoặc đá thúng, đụng nia gì cả. Âu đó cũng là cách giáo dục truyền thống, khôi phục và “tạo đà” cho việc ứng xử văn hóa trở thành thói quen thường nhật. Cách ứng xử mang lại sự hài lòng cho mọi người đó gọi là hòa khí ngày xuân.

Tiếc rằng, trong cuộc sống xô bồ hiện tại, người ta lại dễ quên chuyện phải giữ hòa khí, thế là những hệ lụy không mong muốn cứ tiếp diễn theo kiểu “Cái sảy nảy cái ung” và khó có độ dừng. Nhất là một khi đã cho vào người dăm ba chén rượu, mặt đỏ phừng phừng, giọng đã to, tiếng lại méo, không tết nào mà lại không xảy ra các vụ xô xát trong đám nhậu mừng xuân, nhỏ thì cãi nhau, to thì đâm chém, thậm chí án mạng.

Ngày xuân, lễ hội nhiều, đi tìm cái vui tươi đầu năm hóa ra gặp toàn chuyện bực mình vì bị chèo kéo, chặt chém, lừa đảo vô tội vạ. Có điều lạ là ngay ở chốn cửa Phật lại khối kẻ buôn thần bán thánh, những hành vi trái tai gai mắt “ăn theo lễ hội” cứ ngang nhiên diễn ra năm này qua năm khác mà chẳng có phương pháp hữu hiệu nào để loại bỏ. Còn đâu những thuần phong mỹ tục nếu chính quyền không ra sức giữ gìn, bảo vệ và phát huy.

Cho đến tận bây giờ chưa một chính quyền địa phương nào nhận trách nhiệm về sự phá hoại thuần phong mỹ tục đó, "khoán trắng" cho người dân tự hành xử với nhau, dẫn tới những hành vi phản văn hóa có đất lộng hành.

Đang dịp du xuân, mỗi người, mỗi gia đình tìm niềm vui khi đất nước vào xuân. Đây cũng là một sinh hoạt mang tính cộng đồng. Dân tộc ta vốn hiếu khách, xin đừng để du khách phiền lòng khi đến với một địa chỉ văn hóa, lễ hội ở một địa phương nào đó. Hãy giữ lấy hòa khí ngày xuân, đó cũng là di sản văn hóa tinh thần vô giá.

Nhị Ngọc

Đọc thêm