Hoàn thiện hệ thống pháp luật về hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện

(PLVN) - Cần tăng cường quản lý Nhà nước, giám sát về tài chính hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện theo đúng quy định của pháp luật nhằm ngăn chặn các hoạt động rửa tiền, trốn thuế. Đây là nhiệm vụ, giải pháp được Bộ Nội vụ đưa ra tại Hội nghị toàn quốc về công tác quản lý Nhà nước về hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, do Bộ Nội vụ tổ chức vào hôm qua, 7/10.
Các đại biểu thực hiện nghi thức Lễ ra mắt Trang thông tin điện tử, cơ sở dữ liệu về hội, quỹ.
Các đại biểu thực hiện nghi thức Lễ ra mắt Trang thông tin điện tử, cơ sở dữ liệu về hội, quỹ.

Còn thiếu chế tài xử lý

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng khẳng định, thời gian qua, cùng với sự quan tâm, lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, các hội, quỹ đã liên tục phát triển đa dạng về quy mô và hình thức. Nhìn chung, các hội, quỹ hoạt động cơ bản đều tuân thủ pháp luật và điều lệ, phát huy được vai trò tập hợp, đoàn kết và bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên; tích cực tham gia xây dựng chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia cung ứng các dịch vụ, thực hiện hoạt động từ thiện, nhân đạo, khắc phục hậu quả thiên tai, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, đóng góp thiết thực, hiệu quả vào quá trình xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt trong thời gian diễn ra dịch bệnh COVID-19 vừa qua. Tuy nhiên, các hội, quỹ còn chưa chú trọng nhiều đến việc đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, cá biệt còn có một số hội, quỹ mất đoàn kết trong nội bộ.

Báo cáo tại Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Tổ chức phi chính phủ (Bộ Nội vụ) Thang Thị Hạnh cho biết, trong thời gian vừa qua, Đảng và Nhà nước đã kịp thời đề ra các chủ trương và ban hành các văn bản nhằm đảm bảo công tác quản lý Nhà nước về hội, quỹ, tạo điều kiện cho các hội, quỹ hoạt động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền triển khai tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, pháp luật cho hội, quỹ và tầng lớp nhân dân, hội viên, quần chúng biết và thực hiện; đã quan tâm, hướng dẫn, tạo điều kiện hỗ trợ về cơ sở vật chất, tài chính cho các hội tổ chức và hoạt động theo đúng quy định của pháp luật; tạo điều kiện cho các hội, quỹ phát huy tinh thần chủ động, hoạt động có hiệu quả, đáp ứng được nguyện vọng ngày càng đa dạng, phong phú của nhân dân.

Tuy nhiên, tổ chức và hoạt động của một số hội có xu hướng vụ lợi hóa, không tuân thủ nguyên tắc “không vì mục đích lợi nhuận”. Việc thể chế hóa chủ trương của Đảng về hội quần chúng còn chưa kịp thời. Sau 12 năm thực hiện Nghị định số 45/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội, đến nay đã phát sinh nhiều bất cập về cơ chế, chính sách đối với các hội được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ. Còn thiếu các chế tài xử lý khi các hội vi phạm pháp luật và điều lệ trong quá trình hoạt động. Có quỹ hoạt chưa đảm bảo sự công khai, minh bạch về tài chính trong quá trình vận động, tiếp nhận tài trợ; có quỹ mâu thuẫn trong nội bộ, cá biệt còn lợi dụng tổ chức, hoạt động của quỹ nhằm mục đích có tính chất tư lợi…

Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra

Bộ Nội vụ cho rằng, cần tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với hội và quỹ xã hội, quỹ từ thiện. Nghiêm túc quán triệt thực hiện chủ trương của Đảng về hội, quỹ; ngăn ngừa dấu hiệu “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, thoát ly sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước trong tổ chức, hoạt động của hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện; thể chế hóa chủ trương về hội quần chúng, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về hội giải quyết các vướng mắc và đảm bảo thống nhất, đồng bộ.

Cùng với đó, hoàn thiện hệ thống pháp luật về hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện: khẩn trương tham mưu ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 45/2010/NĐ-CP; rà soát việc thực hiện Nghị định số 93/2019/NĐ-CP tham mưu sửa đổi một số quy định pháp luật đã phát sinh khó khăn, vướng mắc. Tăng cường quản lý Nhà nước, giám sát về tài chính hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện; ngăn chặn sự lợi dụng, can thiệp, chi phối của các thế lực thù địch, khủng bố. Việc tiếp nhận viện trợ nước ngoài theo đúng quy định của pháp luật, phòng ngừa, ngăn chặn việc lợi dụng tài trợ để tác động, nhằm mục đích xâm hại an ninh quốc gia, trật tự an toàn của xã hội. Quản lý chặt chẽ hoạt động hợp tác quốc tế, việc liên kết, tham gia thành viên các tổ chức quốc tế.

Đồng thời, cần tăng cường, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động của hội và quỹ xã hội, quỹ từ thiện; xử lý vi phạm (nếu có) và đề xuất, kiến nghị giải thể đối với hội, thu hồi giấy phép hoạt động đối với quỹ. Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước; thực hiện tốt chế độ thông tin báo cáo. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý Nhà nước về hội và quỹ xã hội, quỹ từ thiện...

Trong khuôn khổ Hội nghị, Bộ Nội vụ đã tổ chức Lễ ra mắt Trang thông tin điện tử, cơ sở dữ liệu về hội, quỹ và chính thức đi vào hoạt động trên môi trường mạng Internet từ ngày 7/10/2022.

Theo báo cáo tại Hội nghị, tính đến tháng 12/2021 cả nước có 93.425 hội, gồm 571 hội (trong đó có 28 hội có tính chất đặc thù) hoạt động phạm vi cả nước hoặc liên tỉnh và 92.854 hội hoạt động phạm vi địa phương. Cả nước có 2.950 quỹ gồm 85 quỹ có phạm vi hoạt động toàn quốc hoặc liên tỉnh và 2.865 quỹ hoạt động trong phạm vi địa phương.

Theo Bộ Nội vụ, nhu cầu thành lập hội, quỹ trong thời gian qua và sắp tới ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, nước ta đứng trước nhiều vấn đề mới, có cả những thuận lợi, thời cơ đan xen với những khó khăn, thách thức; hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước còn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Hoạt động của một số hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện đã bộc lộ không ít yếu tố phức tạp, nhạy cảm liên quan đến an ninh chính trị, rửa tiền… Do đó cần thiết tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng hoạt động của hội, quỹ trong giai đoạn hiện nay.

Đọc thêm