Hoàn thiện khung pháp lý để đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tổng cục Thuế đang rà soát để báo cáo Bộ Tài chính trình cấp có thẩm quyền sửa các quy định tại Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) và các văn bản hướng dẫn về đối tượng chịu thuế, không chịu thuế, thuế suất và các điều kiện về hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa xuất khẩu.
Nhiều DN xuất khẩu gỗ khó khăn trong hoàn thuế. (Ảnh minh họa)
Nhiều DN xuất khẩu gỗ khó khăn trong hoàn thuế. (Ảnh minh họa)

80% hồ sơ được hoàn thuế trước trong 6 ngày làm việc

Thông tin về tình hình hoàn thuế GTGT cho các doanh nghiệp (DN), Bộ Tài chính cho biết, các hồ sơ đề nghị hoàn thuế mà cơ quan thuế (CQT) tiếp nhận được phân loại thành 2 trường hợp hoàn thuế trước và kiểm tra trước hoàn thuế sau theo quy định của pháp luật quản lý thuế, trong đó gần 80% hồ sơ được CQT giải quyết hoàn thuế trước trong thời hạn 6 ngày làm việc kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ đề nghị hoàn thuế của người nộp thuế (NNT).

Trong năm 2022, CQT cả nước đã ban hành 20.774 quyết định hoàn thuế GTGT với tổng số tiền thuế được hoàn là 150.709 tỷ đồng. Trong 7 tháng đầu năm 2023 (tính đến hết ngày 27/7/2023), CQT cả nước số đã ban hành 9.800 quyết định hoàn thuế GTGT, tương ứng số thuế đã hoàn 70.356 tỷ đồng.

Qua công tác rà soát các hồ sơ thuộc diện kiểm tra trước hoàn thuế sau (hồ sơ hoàn thuế lần đầu, hồ sơ của NNT trong thời hạn 2 năm kể từ thời điểm bị xử lý về hành vi trốn thuế; Hồ sơ rủi ro cao theo phân loại quản lý rủi ro...), CQT phát hiện một số hồ sơ đề nghị hoàn thuế có đầu vào đề nghị hoàn là các hóa đơn GTGT hàng hóa, dịch vụ mua của các DN có rủi ro cao về thuế và hóa đơn. Do vậy, CQT cần thực hiện các biện pháp kiểm tra, xác minh, đối chiếu để xác định số thuế GTGT đủ điều kiện hoàn thuế, kiểm soát chặt chẽ tránh gian lận, thất thoát ngân sách nhà nước (NSNN).

Đối với số thuế đã có kết quả kiểm tra, xác minh, CQT kịp thời giải quyết hoàn thuế cho NNT theo quy định tại Điều 34 Thông tư 80/2021/TT-BTC ngày 29/9/2021 của Bộ Tài chính, không chờ xác minh toàn bộ mới giải quyết hoàn cho người nộp thuế.

Rà soát thủ tục, sửa đổi quy định bảo đảm chặt chẽ

Để đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế GTGT, Bộ Tài chính cho biết, Tổng cục Thuế đang rà soát để báo cáo Bộ Tài chính trình cấp có thẩm quyền sửa các quy định tại Luật Thuế GTGT và các văn bản hướng dẫn về đối tượng chịu thuế, không chịu thuế, thuế suất và các điều kiện về hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa xuất khẩu. Rà soát quy định về thủ tục hoàn thuế tại Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn gồm: hồ sơ hoàn thuế, phân loại hồ sơ hoàn thuế, kiểm tra hồ sơ hoàn thuế, thời hạn giải quyết hồ sơ hoàn thuế, thanh tra, kiểm tra sau hoàn thuế; tham khảo kinh nghiệm quốc tế về hoàn thuế GTGT để bảo đảm các quy định về đối tượng, điều kiện, hồ sơ, thủ tục hoàn thuế GTGT được thống nhất, chặt chẽ, giúp việc hoàn thuế GTGT được kịp thời; đồng thời, tránh tạo kẽ hở cho các đối tượng lợi dụng chính sách để trục lợi, gian lận tiền thuế.

Cùng với đó, tiếp tục kiến nghị cơ quan chức năng liên quan đến đăng ký kinh doanh có quy định chặt chẽ về đối chiếu nhân thân, xác thực nhân thân khi thành lập DN; sau khi cấp phép thành lập DN có chế độ hậu kiểm các điều kiện mà DN đăng ký (để kiểm soát việc các cá nhân, nhóm cá nhân thành lập các DN nhằm mục đích mua bán hóa đơn GTGT để trục lợi, gian lận tiền thuế).

Đề xuất với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chính sách, quy định pháp luật để nâng mức xử phạt (hành chính/hình sự) đối với các hành vi mua bán trái phép hóa đơn bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.

Tổng cục Thuế cũng đang triển khai toàn diện, nâng cấp tối đa ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giải quyết hoàn thuế theo Quy trình hoàn thuế mới ban hành theo Quyết định 679/QĐ-TCT ngày 31/5/2023 để tự động thực hiện các công việc, hỗ trợ CQT các cấp trong công tác giải quyết hồ sơ hoàn thuế kịp thời, đúng quy định, kiểm soát hoàn thuế chặt chẽ.

Đồng thời áp dụng, triển khai trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích dữ liệu lớn (Big Data) trong chuỗi mua bán của các DN, từ đó phát hiện các dấu hiệu gian lận trong việc kê khai, nộp thuế của các DN trung gian trong chuỗi mua bán; phát hiện các dấu hiệu bất thường về giá trị hàng hóa giao dịch mua bán; phát hiện chuỗi mua bán lòng vòng của các DN…

Bộ Tài chính cũng lưu ý các DN cần nâng cao ý thức chấp hành nghiêm chỉnh các chính sách pháp luật về thuế, hóa đơn, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với NSNN, nói không với các hành vi sử dụng không hợp pháp hóa đơn hoặc sử dụng hóa đơn không hợp pháp trong trong việc đề nghị hoàn thuế GTGT.

Đọc thêm