Kịp thời giải quyết các công việc đột xuất
Trước thềm Hội nghị tổng kết công tác HĐND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương năm 2023 và triển khai kế hoạch công tác năm 2024 sẽ diễn ra vào ngày 25/3 tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã có dự thảo Báo cáo tổng kết về tình hình tổ chức, hoạt động của HĐND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024.
Theo dự thảo Báo cáo, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng trong năm 2023, nước ta đã thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ với những kết quả khá toàn diện, có nhiều dấu ấn nổi bật. Trong thành tựu chung đó, có vai trò quan trọng của các cơ quan dân cử, QH, UBTVQH, các cơ quan của QH, các cơ quan thuộc UBTVQH, HĐND các cấp đã tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động cả về công tác lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của quốc gia và của từng địa phương; tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế phát triển; thực hiện đột phá chiến lược, rà soát, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, khơi thông, giải phóng các nguồn lực và tạo động lực mới cho thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Thực tiễn hoạt động của HĐND năm 2023 đã khẳng định HĐND các tỉnh, TP đã luôn chủ động thực thi chương trình, kế hoạch nhiệm vụ toàn khóa trên địa bàn, luôn kịp thời giải quyết các nội dung phát sinh hoặc những công việc đột xuất trong điều kiện phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội còn gặp nhiều rào cản phải tháo gỡ hoặc triển khai thực hiện tốt các chủ trương mới của Trung ương.
Trên cơ sở ý kiến kết luận của lãnh đạo QH tại Hội nghị tổng kết năm 2022 và căn cứ vào nghị quyết của cấp ủy địa phương, Thường trực HĐND các tỉnh, TP đã cụ thể hóa chương trình công tác năm 2023 của Thường trực HĐND, các Ban, các Tổ đại biểu HĐND tỉnh, TP với nhiều điểm mới, chất lượng, hiệu quả, các chủ trương lớn của Đảng.
Thường trực HĐND tỉnh, TP thường xuyên tổ chức các cuộc họp giao ban để rà soát, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ theo thẩm quyền, kịp thời chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ chính trị thường xuyên và đột xuất theo kế hoạch gắn với nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh, TP.
Hầu hết các địa phương đã thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 của UBTVQH trong việc điều hòa, phân công, phối hợp thực hiện các chương trình giám sát chuyên đề, phù hợp với thực tiễn, định hướng chỉ đạo hoạt động giám sát, khảo sát có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực; chỉ đạo phát huy hiệu quả chức năng giám sát, với nhiều hình thức được thực hiện như chất vấn, giám sát chuyên đề, thành lập đoàn giám sát, giải trình tại phiên họp của Thường trực HĐND; tăng cường công tác khảo sát thực địa nhằm kiểm chứng tính xác thực; đánh giá toàn diện, đa chiều, nhận xét khách quan, cụ thể, rõ nội dung, trách nhiệm trong các Thông báo kết luận, đảm bảo về căn cứ pháp luật, đầy đủ về cơ sở thực tế, thẳng thắn, trách nhiệm và không né tránh những vấn đề còn tồn tại, hạn chế.
|
Chủ tịch Quốc hội chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu tại Hội nghị năm 2023. (Ảnh: Doãn Tấn) |
Công tác chuẩn bị kỳ họp với tinh thần chủ động từ sớm, từ xa, linh hoạt, đồng hành, trách nhiệm, đảm bảo dân chủ, nghiêm túc, hiệu quả, chấp hành nghiêm túc sự chỉ đạo của Đảng, quy định của pháp luật. Việc thẩm tra các dự thảo Nghị quyết được thực hiện nghiêm túc, bảo đảm tính khách quan, đa chiều, sâu sát (có địa phương đã phân công 2 đến 3 Ban cùng thẩm tra một văn bản); việc kiểm soát chất lượng Nghị quyết, đảm bảo quy trình, thủ tục, thẩm quyền, phù hợp với thực tiễn và nhu cầu phát triển của mỗi địa phương. Do đó, các văn bản trình HĐND ngày càng được nâng lên về chất lượng.
Hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý đơn khiếu nại, tố cáo của công dân của đại biểu HĐND ngày càng được tăng cường theo hướng thiết thực, sâu sát, quyết liệt, hiệu quả, với tinh thần “gần dân, hiểu dân, vì Nhân dân”, quan tâm tổ chức tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, ngành, giới, lắng nghe ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, tham khảo kinh nghiệm các địa phương, đồng thời tích cực làm việc với các đơn vị, cơ quan có liên quan để giải quyết từng vụ việc cụ thể đã góp phần nâng cao chất lượng trong quyết định của HĐND sát thực tiễn, kịp thời, đúng pháp luật, hợp lòng dân.
Công tác phối hợp hoạt động, giữ mối liên hệ công tác với QH, UBTVQH, các cơ quan của QH, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Đoàn ĐBQH, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp và các đoàn thể Nhân dân được tăng cường trên tất cả các mặt công tác. Nhiều phương thức hoạt động mới được HĐND triển khai thực hiện đã mang lại hiệu quả và tính tương tác cao, được cử tri quan tâm theo dõi và đánh giá cao như đẩy mạnh việc ứng dụng chuyển đổi số trong công tác; phối hợp với cơ quan thông tấn báo chí để phát thanh truyền hình trực tiếp các diễn đàn đối thoại với Nhân dân, doanh nghiệp.
Bên cạnh những kết quả đạt được trong năm 2023 vẫn còn một số khó khăn, hạn chế, như chưa khắc phục được việc chậm gửi một số tài liệu phục vụ kỳ họp; một số văn bản chưa bảo đảm chất lượng, còn phải điều chỉnh nội dung nhiều lần hoặc phải rút ra khỏi chương trình kỳ họp; chất lượng tham mưu nội dung của một số nghị quyết chưa cao. Công tác giám sát trên một số lĩnh vực có lúc, có nơi chưa bảo đảm thời gian theo chương trình, kế hoạch đã đề ra hoặc các nội dung phát sinh giữa hai kỳ họp chưa đảm bảo về thời gian, quy trình, thủ tục quy định, thiếu thông tin, thiếu hồ sơ. Việc tổng hợp trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri ở một số địa phương còn chậm, trả lời còn chung chung, lòng vòng, chưa có lộ trình giải quyết dứt điểm kiến nghị của cử tri; chưa tổ chức được tiếp xúc cử tri theo chuyên đề…
Nỗ lực cao hơn, trách nhiệm lớn hơn
Trên cơ sở thành tựu và bài học kinh nghiệm từ đầu nhiệm kỳ đến nay, UBTVQH đề nghị HĐND các tỉnh, TP cần nỗ lực cao hơn nữa, trách nhiệm lớn hơn, hành động quyết liệt hơn nữa, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, chủ động thích ứng, linh hoạt, tích cực đổi mới, sáng tạo để từng bước nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của HĐND, tạo đột phá hơn nữa để các địa phương phát triển nhanh và bền vững, chuẩn bị tốt cho chuẩn bị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV và đại hội đảng bộ các cấp; bầu cử đại biểu QH khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031.
|
Các đại biểu dự Hội nghị năm 2023. (Ảnh: Doãn Tấn) |
Theo đó, tiếp tục quán triệt sâu sắc, chấp hành nghiêm túc, thể chế hóa đồng bộ, giám sát quyết liệt, thực hiện hiệu quả, thực chất Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, 06 Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh 6 vùng đến năm 2030 và tầm nhìn 2045, các nghị quyết của QH, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội, Nghị quyết Đại hội đảng bộ các tỉnh, TP và các quy định của pháp luật đảm bảo đồng bộ và tổ chức thực hiện hiệu quả. Phát huy tinh thần trách nhiệm, vai trò trung tâm của đại biểu HĐND trên tất cả các mặt công tác để đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND, Thường trực HĐND, Ban HĐND, Tổ đại biểu HĐND. Tăng cường giám sát, khảo sát và kiểm soát quyền lực nhà nước ở địa phương, kịp thời chấn chỉnh, nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong việc chấp hành nghị quyết của HĐND; tăng cường công tác thông tin, truyền thông chính sách, tạo đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin trong Nhân dân…
Về một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Thường trực HĐND các tỉnh, TP cần tập trung chỉ đạo toàn diện, đồng bộ, hiệu quả các chủ trương, chỉ đạo của Trung ương và tỉnh ủy, thành ủy, phát huy tinh thần giám sát hiệu quả, quyết sách kịp thời, bứt phá phát triển, góp phần xứng đáng xây dựng và phát triển chung của đất nước, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2024, trong đó lưu ý tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, chính sách, nhất là đối với các tỉnh, TP đang thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù theo các Nghị quyết của QH. Thực hiện tốt công tác giám sát, đảm bảo các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước phát huy hiệu lực, hiệu quả trên thực tiễn.
Đồng thời, thực hiện tốt công tác phối hợp với các cơ quan, đơn vị ở Trung ương và địa phương để thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, nghị quyết của Tỉnh ủy, Thành ủy, HĐND, các chương trình công tác, nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh, TP và những vấn đề báo chí, dư luận phản ánh. Tổ chức thực hiện có hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND, tăng cường công tác khảo sát; tổ chức tốt các phiên giải trình của Thường trực HĐND, các Ban của HĐND. Thực hiện tốt công tác tiếp công dân; tiếp xúc cử tri; tiếp nhận, xử lý, theo dõi việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân theo quy định, nhất là các vụ việc cấp bách, tồn đọng chưa được giải quyết dứt điểm…
Tính đến ngày 10/3/2024, cơ cấu tổ chức của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND ở một số tỉnh, TP trực thuộc Trung ương có sự thay đổi. Trong số 61 Chủ tịch HĐND các tỉnh, TP có 19 Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, 18 Bí thư tỉnh, thành ủy, 34 Phó Bí thư tỉnh, thành ủy, 10 Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh, thành ủy. Hiện nay, cả nước có 54 Phó Chủ tịch HĐND là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh, Thành ủy và 58 Phó Chủ tịch HĐND là Tỉnh ủy viên, Thành ủy viên.
HĐND một số tỉnh, TP đã miễn nhiệm 2 Chủ tịch HĐND và 8 Phó Chủ tịch HĐND do đã chuyển công tác, miễn nhiệm 1 Phó Chủ tịch HĐND do xử lý kỷ luật và bãi nhiệm 1 Chủ tịch HĐND, khởi tố, bắt tạm giam 2 Chủ tịch HĐND và 1 Phó Chủ tịch HĐND. Một số tỉnh, TP hiện chưa kiện toàn Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch HĐND theo luật định.