Hoạt động của Quốc hội ngày càng đi vào chiều sâu

(PLVN) - Hôm qua (18/12), tiếp tục nội dung của phiên họp thứ 40, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến tổng kết Kỳ họp 8 và chương trình Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu tại phiên họp.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu tại phiên họp.

Trình bày dự thảo báo cáo tổng kết Kỳ họp thứ 8, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định, sau 28 ngày làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, trí tuệ, đổi mới, lắng nghe và cầu thị, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã kết thúc tốt đẹp.

“Kết quả kỳ họp tiếp tục khẳng định hoạt động của Quốc hội ngày càng đi vào chiều sâu, đoàn kết, dân chủ, gần dân, sát với thực tiễn. Đồng thời, thể hiện sự chủ động, thận trọng, sát sao trong lãnh đạo, chỉ đạo cũng như trong công tác phối hợp chuẩn bị, tiến hành kỳ họp của cả hệ thống chính trị, được cử tri và nhân dân đánh giá cao”, ông Phúc nhấn mạnh.

Còn những hạn chế cần rút kinh nghiệm

Tuy nhiên cũng theo Tổng Thư ký Quốc hội, bên cạnh kết quả đạt được, việc tổ chức Kỳ họp thứ 8 vẫn còn một số hạn chế cần tiếp tục được lưu ý rút kinh nghiệm. Đó là một số nội dung trình Quốc hội có chất lượng chuẩn bị chưa cao, chậm gửi hồ sơ tài liệu. Chính phủ đề nghị bổ sung gấp nhiều nội dung quan trọng, trong đó có nội dung đã được lưu ý từ rất sớm, gây khó khăn cho công tác chuẩn bị, tiến hành kỳ họp.

Đáng lưu ý, vẫn còn tình trạng nội dung được trình bày, thảo luận công khai tại hội trường, nhưng tài liệu lại đóng dấu “mật”, gây khó khăn, lúng túng trong sử dụng thông tin của đại biểu Quốc hội cũng như cơ quan thông tấn báo chí.

Trong chất vấn và trả lời chất vấn, một số chất vấn còn dài dòng, chưa rõ ý; việc thảo luận, tranh luận có lúc chưa hiệu quả. Một số phần trả lời của Bộ trưởng, Trưởng ngành còn chung chung, chưa đúng trọng tâm. Trong khi, việc giải quyết đối với một số vụ việc khiếu nại, tố cáo chưa triệt để, nên tình trạng khiếu kiện đông người trong thời gian diễn ra kỳ họp vẫn còn phức tạp.

Từ đó, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị, trong thời gian tới, các cơ quan liên quan cần chủ động, nghiêm túc hơn trong công tác chuẩn bị các nội dung của Kỳ họp thứ 9 để khắc phục cho được tình trạng chậm gửi hồ sơ, tài liệu kỳ họp. Nâng cao chất lượng chuẩn bị các dự án luật, bảo đảm kỹ thuật lập pháp trước khi trình Quốc hội.

Báo cáo thẩm tra cần thể hiện rõ hơn chính kiến của cơ quan thẩm tra với lý lẽ, lập luận thuyết phục để phục vụ Quốc hội xem xét, quyết định. Cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp tục tích cực chủ động phối hợp để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao hơn nữa chất lượng tiếp thu, giải trình, hoàn chỉnh Dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội thông qua.

Đặc biệt, Quốc hội cần tăng cường công tác giám sát, trong đó tập trung các vấn đề nổi cộm, được cử tri và nhân dân quan tâm. Chú trọng hơn công tác giám sát việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát, việc thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành sau chất vấn.

Có giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; xử lý nghiêm những trường hợp lợi dụng khiếu nại, tố cáo để tụ tập đông người, gây rối làm mất trật tự xã hội, nhất là trong thời gian diễn ra kỳ họp Quốc hội.

Nâng cao chất lượng thảo luận

Cho rằng cần có đổi mới trong quá trình thảo luận liên quan đến vấn đề kinh tế - xã hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị bỏ hoặc giảm bớt việc thảo luận kinh tế - xã hội, những vấn đề bổ sung tại kỳ họp trong tháng 5.

“Chỉ gửi báo cáo cho các Đại biểu Quốc hội, không thảo luận hoặc nếu thảo luận chỉ thảo luận vấn đề mới và thảo luận vấn đề tổ chức thực hiện trong thời gian qua có vấn đề gì không. Chỉ dành nửa ngày hoặc một ngày cho quyết toán ngân sách nhà nước. Như thế ta rút gọn được và không trùng lắp”, ông Phùng Quốc Hiển nói.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, những vấn đề Đại biểu nêu tại kỳ họp tháng 5 hầu như nêu lại những vấn đề của kỳ họp tháng 10 năm trước. Bởi kỳ họp tháng 10 đã chỉ ra cơ bản các vấn đề như tồn tại, yếu kém, ưu điểm, khuyết điểm, nguyên nhân. Đến kỳ họp tháng 5 năm sau, các Đại biểu lại thảo luận vấn đề kinh tế - xã hội của báo cáo bổ sung.

Trong khi đó, báo cáo bổ sung không có gì mới. “Cho nên, nếu cứ diễn thế này mãi thì tôi thấy thực sự hình thức”, ông Hiển nói và cho rằng, kỳ họp tháng 5 nên là kỳ xây dựng luật, còn kỳ họp cuối năm chủ yếu dành cho kinh tế - xã hội, ngân sách, chỉ xem xét những vấn đề cần xử lý ngay về kinh tế - xã hội.

Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng cần tăng cường chất lượng hội thảo giải trình ở tất cả các cơ quan của Quốc hội. “Quốc hội cần thảo luận những nội dung có ý kiến khác nhau thảo luận về kinh tế - xã hội và nên có trọng tâm, trọng điểm chứ không làm bài sẵn, phát biểu như cũ mà nên gợi ý thảo luận thẳng vào nội dung gì cho ngắn gọn. Các ý kiến lặp đi lặp lại, đánh giá như nhau thì cũng phải tính”, Phó Chủ tịch Tòng Thị Phóng nói.

Nhiều bộ trưởng trả lời quá nhanh

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu bày tỏ băn khoăn việc duy trì “sĩ số đại biểu” tại các phiên họp tổ và tại hội trường tại Kỳ họp vừa qua - dù đã được Tổng Thư ký Quốc hội nhắc nhở nhưng không những không được cải thiện mà còn “trì trệ” hơn.

Liên quan đến phiên chất vấn và trả lời chất vấn, ông Giàu cho rằng, trong phần trả lời chất vấn, nhiều bộ trưởng hoạt bát nhưng trả lời nhanh như “tên lửa” khiến người dân nhiều địa phương không thể nào hiểu được. “Bộ trưởng trả lời chất vấn không chỉ cho Quốc hội mà còn cho cử tri cả nước. Có những thông tin dân rất cần nhưng một số vùng miền không nghe được với tốc độ như thế”, ông Giàu đánh giá.

Về vấn đề này, Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, việc đại biểu vắng họp là thực tế và Văn phòng Quốc hội cũng nắm được. Tuy nhiên, Văn phòng Quốc hội chỉ có thể tham mưu cho Chủ tịch Quốc hội có văn bản nhắc nhở các trưởng đoàn chứ không có chế tài.

Đối với vấn đề chất vấn, ông Phúc cho rằng, người miền Bắc nói thì người miền Nam khó nghe và ngược lại. Biên bản gỡ băng của Văn phòng Quốc hội rất đầy đủ nên vấn đề nào chưa rõ các đại biểu có thể nghe gỡ băng.

Đọc thêm