Hoạt động hướng dẫn du lịch: Xây dựng đội ngũ “cầu nối” chắc từ “tâm”

(PLO) - Hướng dẫn viên (HDV) du lịch có vai trò không thể thiếu trong hoạt động du lịch. Họ là “cầu nối” đưa du khách đến với các giá trị văn hóa, lịch sử của các danh lam, thắng cảnh và đưa hình ảnh, giá trị Việt Nam đến với thế giới thông qua hoạt động du lịch. 
Chất lượng HDV du lịch quyết định sự thu hút của nền du lịch (ảnh minh họa)
Chất lượng HDV du lịch quyết định sự thu hút của nền du lịch (ảnh minh họa)

Vì thế, với Luật Du lịch vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 3 được kỳ vọng sẽ đưa chất lượng HDV du lịch về đúng với yêu cầu là “là một nghề, đòi hỏi cao cả về kiến thức và kỹ năng, nghiệp vụ”.

Du lịch “mất điểm” vì HDV

Theo các chuyên gia, HDV du lịch là “đại sứ văn hoá” cho một quốc gia nên phải có kiến thức rất rộng về các lĩnh vực lịch sử, địa lý, văn hoá, kiến trúc, chính trị, đời sống. Đặc biệt họ phải có khả năng ngoại ngữ, biểu cảm, tác phong chuẩn mực… Nhưng thực tế hoạt động du lịch thời gian qua đã nổi lên không ít những vấn đề làm “rầu lòng” du khách, cả trong và ngoài nước, mà bắt nguồn từ chính chất lượng của các HDV.

Chất vấn Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện tại tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV, ĐB Bùi Quốc Phòng (Thái Bình) đã nêu thực tế, vừa qua có việc một số HDV du lịch là người nước ngoài hoạt động công khai trong các khu du lịch của nước ta, hướng dẫn du khách có nội dung phản cảm và không đúng với thuần phong, mỹ tục, xuyên tạc lịch sử dân tộc. 

Hay “một bài học gần đây nhất là việc HDV du lịch Trung Quốc mang bản đồ Việt Nam không có Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam phát cho khách du lịch. Sự việc xảy ra tại Đà Nẵng trong thời gian vừa qua đã minh chứng cho việc cần thiết phải thắt chặt các điều kiện, tiêu chuẩn để cấp thẻ HDV du lịch” - ĐB Trần Tất Thế (Hà Nam) phát biểu tại Hội trường khi tham gia ý kiến vào dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) với mong muốn có những quy định chặt chẽ, yêu cầu cao hơn để chất lượng HDV du lịch không trở thành “điểm trừ” rất nặng của ngành du lịch nước nhà.

Không những thế, còn có hiện tượng HDV du lịch “chui” mà chính Bộ trưởng Bộ VHTT&DL phải thừa nhận khi ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) chất vấn ông về tình trạng này. Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, có thể nói rằng thời gian vừa qua ngành du lịch có những tiến bộ, nhưng có nhiều hạn chế, tồn tại, đặc biệt đối với các HDV du lịch và một số HDV du lịch “chui”. Có nghĩa là HDV du lịch không được cấp thẻ nhưng vẫn hành nghề HDV du lịch.

Theo Bộ trưởng, HDV du lịch “chui” chủ yếu hoạt động vào những mùa du lịch, khi thiếu hụt HDV cục bộ do lượng khách du lịch của một số nước tăng đột biến, nhất là những khách đến từ các quốc gia không sử dụng tiếng Trung Quốc, Anh, Pháp… Hiện nay cả nước có 18.960 HDV du lịch, trong đó có hơn 11.000 là HDV quốc tế và gần 8.000 HDV nội địa là quá ít so với trên 10 triệu lượt khách quốc tế và 62 triệu lượt khách nội địa mỗi năm.

Ai cũng có thể là HDV?

Thống kê của Tổng cục Du lịch cho thấy, mỗi năm cả nước có khoảng 50.000 sinh viên du lịch ra trường (60% là hệ đại học); nhưng chỉ 5% của hệ đại học, 30% hệ cao đẳng, trung cấp ra trường làm việc gắn với ngành học. Phần lớn sinh viên tốt nghiệp vào làm cho các doanh nghiệp (DN) đều phải đào tạo lại. Trong khi đó, để được làm HDV du lịch lại… dễ hơn đi chợ bởi các tiêu chuẩn cấp thẻ hành nghề được nới rộng đến mức “tạo cơ hội cho cả những lao động không qua đào tạo chính quy” tham gia làm HDV du lịch như nhận xét của lãnh đạo một doanh nghiệp kinh doanh lữ hành.

Để được cấp thẻ HDV, ứng viên chỉ cần phù hợp một trong các điều kiện: Đối với học viên tốt nghiệp ĐH ngành Du lịch phải có Chứng chỉ nghiệp vụ hướng dẫn du lịch 1 tháng; Đối với học viên tốt nghiệp TH, CĐ ngành Du lịch hoặc ĐH khối Kinh tế, Khoa học xã hội phải có Chứng chỉ nghiệp vụ hướng dẫn du lịch 2 tháng; Đối với học viên tốt nghiệp TH, CĐ hoặc ĐH khối Khoa học tự nhiên, Khoa học kỹ thuật – công nghiệp phải có Chứng chỉ nghiệp vụ hướng dẫn du lịch 3 tháng. Ngoài ra, để được cấp thẻ HDV quốc tế, ứng viên còn phải có 1 trong các chứng chỉ ngoại ngữ theo quy định. Chứng chỉ nghiệp vụ hướng dẫn du lịch được quy định là Chứng chỉ do Trường Trung cấp Công nghệ Hà Nội cấp, được Tổng cục Du lịch Việt Nam công nhận để cấp thẻ HDV du lịch.

Như vậy, quy định hiện hành về cấp bằng HDV du lịch chỉ yêu cầu người có nhu cầu tham gia một khóa đào tạo ngắn hạn. Còn với bất kỳ ai đã có bằng cử nhân (ĐH hay CĐ) thì đều có thể đươc cấp thẻ và mặc nhiên làm HDV du lịch dù chưa từng được đào tạo nghề HDV du lịch. Nhờ đó, số lượng HDV du lịch tăng rất nhanh nhưng chất lượng thì “tụt dần đều” do rất nhiều HDV du lịch không đạt đến được “ngưỡng” chất lượng.

Tiêu chuẩn đi kèm “siết” quản lý

Bộ trưởng Bộ VHTT&DL cũng thừa nhận thực tế: “Hiện nay chúng ta quản lý lữ hành chưa tốt, HDV du lịch của chúng ta chưa tốt và từ đó dẫn đến câu chuyện có tour giá rẻ hay tour 0 đồng”. Vì vậy, với các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện của các HDV du lịch trong Luật Du lịch 2017 này, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện giải thích: “Việc này không phải hạ thấp tiêu chuẩn, thực ra các tiêu chuẩn thì chúng tôi cũng đã nghiên cứu rất kỹ và phải tăng cường hơn công tác quản lý đối với các HDV du lịch”.

Theo Điều 59 Luật Du lịch vừa được Quốc hội thông qua, điều kiện cấp thẻ HDV du lịch nội địa bao gồm: Có quốc tịch Việt Nam, thường trú tại Việt Nam; Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; Không mắc bệnh truyền nhiễm, không sử dụng chất ma túy;  Tốt nghiệp trung cấp chuyên ngành hướng dẫn du lịch trở lên; trường hợp tốt nghiệp trung cấp chuyên ngành khác trở lên phải có chứng chỉ nghiệp vụ hướng dẫn du lịch nội địa.

Điều kiện cấp thẻ HDV du lịch quốc tế bao gồm các điều kiện cấp thẻ HDV du lịch nội địa; Tốt nghiệp CĐ chuyên ngành hướng dẫn du lịch trở lên; Trường hợp tốt nghiệp CĐ chuyên ngành khác trở lên phải có chứng chỉ nghiệp vụ hướng dẫn du lịch quốc tế; Sử dụng thành thạo ngoại ngữ đăng ký hành nghề.

Điều kiện cấp thẻ HDV du lịch tại điểm bao gồm các điều kiện cấp thẻ HDV du lịch nội địa; Đạt yêu cầu kiểm tra nghiệp vụ hướng dẫn du lịch tại điểm do cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh tổ chức.

Trước đó, góp ý vào quy định này, có ĐBQH đề nghị nâng điều kiện cấp thẻ của HDV du lịch quốc tế  từ CĐ lên ĐH chuyên ngành du lịch. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, HDV du lịch là một nghề, đòi hỏi cao cả về kiến thức và kỹ năng, nghiệp vụ. Hiện nay, với chức năng đào tạo nghề nghiệp, hệ thống các trường CĐ về du lịch có đủ khả năng đáp ứng yêu cầu của HDV du lịch quốc tế. Hơn nữa, việc quy định điều kiện về trình độ của HDV du lịch quốc tế như vậy là phù hợp với chiến lược phân luồng đào tạo của nước ta hiện nay, đáp ứng nhu cầu về số lượng cũng như chất lượng HDV trong thời gian tới. 

Ông Trần Tất Thế (Phó Trưởng ban Phong trào cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hà Nam)

“Chúng ta không thể vì mục tiêu có bao nhiêu HDV du lịch để đảm bảo phát triển du lịch mà đưa ra các điều kiện, tiêu chuẩn dễ dãi để rồi chúng ta phải gánh chịu hậu quả, thậm chí rất nặng nề do những HDV du lịch kém hiểu biết mang lại. Thực tế, các công ty lữ hành nước ngoài tổ chức các tour du lịch vào Việt Nam đi kèm theo các du khách, các HDV du lịch người nước ngoài, họ hướng dẫn du khách vào mua hàng hóa tại cửa hàng mà chủ cửa hàng là người nước họ, hàng hóa của người nước họ, khuyến mại tour du lịch với giá 0 đồng như sự việc xảy ra tại Quảng Ninh vừa qua. Chúng ta vừa không quản lý được hoạt động của khách du lịch vừa không thu được thuế. Vậy, bài học cần được nghiên cứu nghiêm túc, rút kinh nghiệm để quản lý tốt hơn đội ngũ HDV du lịch”. 

Bà Tôn Ngọc Hạnh (Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước)

 “HDV du lịch phải có điều kiện đủ để trở thành người HDV chân chính, chuyên nghiệp trong công việc, đáp ứng các điều kiện quy định về đạo đức nghề nghiệp, tuân thủ pháp luật, có năng lực, có tâm, có lòng yêu nước có tinh thần dân tộc, tránh bị lôi kéo, xuyên tạc lịch sử đất nước, con người Việt Nam vì người HDV du lịch là người chịu trách nhiệm tuyên truyền lịch sử đất nước, con người Việt Nam đến với du khách, đặc biệt là du khách quốc tế”.

Ông Nguyễn Bá Sơn (Chánh Thanh tra TP Đà Nẵng): 

“Tôi quan sát thấy lâu nay những câu chuyện lùm xùm trong việc HDV du lịch  ở nhiều địa phương trong thời gian vừa rồi có một câu chuyện trong công tác quản lý, đó là chúng ta không thể quản lý một cách chặt chẽ được theo cách như thời gian vừa qua trong mối quan hệ giữa người sử dụng lao động là doanh nghiệp làm du lịch với các HDV ký hợp đồng. Bởi lẽ quan hệ này được quy định hết sức lỏng lẻo, mà bản thân trong các hợp đồng để sử dụng HDV đó dường như có một yếu tố cố gắng ký làm sao để thoát trách nhiệm của mình khi có sự cố xảy ra. 

Vì vậy, phải quản lý chặt chẽ hơn về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm trong mối quan hệ giữa người sử dụng lao động là doanh nghiệp làm du lịch và HDV du lịch, làm sao để HDV du lịch vừa hành nghề của mình, nhưng đồng thời cũng phải làm được một công việc, đó là đại sứ của du lịch, đó là con người mang văn hóa, truyền thống, đạo lý của người Việt Nam đến với du khách để giữ chân du khách lại, chứ không dừng lại chỉ là câu chuyện dẫn dắt đi, giới thiệu khách mà thời gian vừa rồi, có những hoạt động của HDV đã làm tổn hại đến danh dự quốc gia”.