Nhà nước pháp quyền là giá trị tiến bộ của nhân loại
Nhà nước pháp quyền (NNPQ) là giá trị tiến bộ của nhân loại, có tác dụng tích cực trong xây dựng thế giới hòa bình, hữu nghị, phát triển và bảo vệ quyền con người. Tại Việt Nam, khái niệm NNPQ chính thức được đề cập tại Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (tháng 1/1994) và không ngừng được vun đắp, bổ sung, hoàn thiện, đưa vào Nghị quyết của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước. Việc xây dựng NNPQ ở Việt Nam đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo được nhiều thành tựu trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế, là Nhà nước XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.
Trong đó, Nhà nước xây dựng được bộ máy nhà nước với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn rõ ràng, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; pháp luật trở thành công cụ hữu hiệu và tạo thành hành lang pháp lý cho các hoạt động của cơ quan nhà nước cũng như điều chỉnh các mối quan hệ trong xã hội vận động theo một trật tự nhất định; quyền con người, quyền công dân được Nhà nước bảo đảm thực hiện theo quy định của pháp luật, các hoạt động của Nhà nước đều quan tâm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân...
Quán triệt các chủ trương, đường lối về xây dựng NNPQ Việt Nam XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra đã chú trọng thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp và đạt được kết quả chủ yếu sau:
Thứ nhất, xây dựng tổ chức, bộ máy, đội ngũ cơ quan thanh tra để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trong công tác thanh tra, tiếp công dân (TCD), giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC), phòng, chống tham nhũng (PCTN). Cụ thể: Các cơ quan thanh tra được tổ chức theo cấp hành chính và ngành, lĩnh vực, theo nguyên tắc quản lý đến đâu thì có hoạt động thanh tra đến đó.
Trong đó: Thanh tra theo cấp hành chính gồm Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh, Thanh tra huyện; Thanh tra theo ngành, lĩnh vực gồm Thanh tra Bộ, Thanh tra tổng cục, cục, Thanh tra sở; cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan thanh tra không ngừng được củng cố, kiện toàn được đào tạo chuyên môn, bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra, lý luận chính trị và quản lý nhà nước, cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.
Thứ hai, xây dựng, không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật về thanh tra, TCD, giải quyết KNTC, PCTN, bao gồm: Luật Thanh tra, Luật TCD, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật PCTN và các Nghị định, Nghị quyết, Thông tư hướng dẫn thi hành. Trong đó, pháp luật về thanh tra đã xác định rõ tổ chức và hoạt động thanh tra, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan thanh tra trong thực hiện quyền thanh tra, phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật; pháp luật về TCD, KNTC đã xây dựng được cơ chế dân chủ, lấy người dân làm trung tâm, bảo đảm quyền hiến định của công dân thông qua việc ban hành đầy đủ các quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục trong TCD, xử lý đơn thư, giải quyết KNTC của công dân; pháp luật về PCTN đã đề ra các giải pháp quan trọng trong việc phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng. Có thể nói, hệ thống pháp luật về thanh tra, TCD, KNTC, PCTN đã tạo đầy đủ cơ sở pháp lý vững chắc cho việc thực hiện các mục tiêu trong xây dựng NNPQ XHCN ở nước ta hiện nay.
Thứ ba, tổ chức thực hiện chức năng quản lý nhà nước và triển khai các hoạt động thanh tra, TCD, giải quyết KNTC, PCTN, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cụ thể:
Trong công tác thanh tra, Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thanh tra và hoạt động thanh tra nhằm phát hiện hạn chế, bất cập trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền có giải pháp, biện pháp khắc phục; phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật; giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định của pháp luật; phát huy nhân tố tích cực; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Trong công tác TCD, giải quyết KNTC, Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra thực hiện chức năng quản lý nhà nước về TCD, giải quyết KNTC; tổ chức thực hiện công tác TCD, tiến hành kiểm tra, xác minh, kết luận và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định giải quyết KNTC, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật nhằm bảo vệ lợi ích của Nhà nước, tổ chức xã hội và quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Trong công tác PCTN, Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác PCTN; triển khai các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, phòng ngừa, phát hiện, xử lý kịp thời, đúng pháp luật các hành vi tham nhũng, góp phần vào công cuộc đấu tranh PCTN, tiêu cực, xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh.
Thanh tra Chính phủ tiếp tục tham mưu giúp Chính phủ triển khai chương trình công tác năm 2024 của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực. Ngành Thanh tra tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn các cấp, các ngành thực hiện quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác PCTN, tiêu cực, trong đó, kiểm tra công khai, minh bạch tại 2.854 cơ quan, tổ chức, đơn vị, phát hiện 228 đơn vị vi phạm; kết luận 15 trường hợp người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, đã xử lý kỷ luật 22 người; tổ chức kê khai tài sản, thu nhập cho 282.826 người; xác minh việc kê khai tài sản, thu nhập của 2.518 người; xử lý kỷ luật 4 người do kê khai tài sản, thu nhập không trung thực; phát hiện 19 vụ việc, 29 người có dấu hiệu tham nhũng...
Ngoài ra, thông qua thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra đã phát hiện những bất cập, yếu kém trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực để kiến nghị chấn chỉnh, khắc phục, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; phát hiện những cơ chế, chính sách, pháp luật còn sơ hở, bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo, không còn phù hợp để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền có biện pháp hủy bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, góp phần xây dựng NNPQ và hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Củng cố bộ máy cơ quan thanh tra đủ sức đảm đương nhiệm vụ
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện còn có những hạn chế nhất định, đó là:
Thứ nhất, tiến độ xây dựng, hoàn thiện chính sách vẫn còn chậm, thực tế vẫn còn một số quy định còn bất cập, chưa phù hợp với thực tế, thiếu tính khả thi.
Thứ hai, việc xây dựng cơ quan thanh tra được tổ chức chưa đủ lực lượng nên ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả hoạt động.
|
TS.Trần Đăng Vinh. (Ảnh: Hương Giang) |
Thứ ba, kết quả hoạt động của cơ quan thanh tra có lúc, có nơi chưa đáp ứng được yêu cầu, năng lực phòng ngừa, phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực còn hạn chế; việc giải quyết KNTC của công dân trong một số trường hợp còn chậm, để công dân phải chờ đợi lâu, thậm chí có trường hợp còn sai sót làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; việc phát hiện tham nhũng, tiêu cực kết quả còn mức độ, số vụ việc chuyển cơ quan điều tra xử lý còn thấp; việc phát hiện cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật còn sơ hở để kiến nghị hoàn thiện chưa được nhiều.
Về nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, trước hết, cần phải quan tâm xây dựng, củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy cơ quan thanh tra, đủ sức để đảm đương nhiệm vụ trong công tác thanh tra, TCD, xử lý đơn thư, giải quyết KNTC, PCTN, tiêu cực.
Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về thanh tra, TCD, KNTC, PCTN, tiêu cực; thường xuyên rà soát, hệ thống hóa, pháp điển hóa, kịp thời tổng kết thực tiễn, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn và định hướng xây dựng NNPQ trong từng giai đoạn.
Thứ ba, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao trình độ, năng lực của cán bộ, công chức và hiểu biết pháp luật của tổ chức, cá nhân; xây dựng ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của mọi người, trước hết là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Thứ tư, đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước và thực hiện các nhiệm vụ trong hoạt động thanh tra, TCD, giải quyết KNTC, PCTN, tiêu cực, trong đó, chú trọng phòng ngừa, phát hiện, xử lý kịp thời, đúng pháp luật các hành vi vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần xây dựng và hoàn thiện NNPQ XHCN trong sạch vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì Nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước.