Trường học phải là nơi học sinh muốn đến cả ngày
Thực tế, nhiều phụ huynh lo ngại con em họ sẽ bị quá tải vì học cả ngày ở trường; một số trường lo cơ sở vật chất chưa đủ cho học sinh học cả 2 buổi; giáo viên trăn trở về khối lượng công việc gia tăng... Là một nhà giáo dục và cũng là một chuyên gia tâm lý, quan điểm của ông ra sao về vấn đề này?
- Tôi hoàn toàn ủng hộ việc tổ chức học 2 buổi/ngày, đặc biệt ở bậc THCS và THPT. Chủ trương này cũng rất phù hợp với tinh thần nhân văn của Thông tư 29, giảm áp lực học thêm, góp phần tiết kiệm chi phí học thêm của các gia đình, trong khi học sinh vẫn được nhà trường quản lý học tập, tránh tham gia những lớp học không bảo đảm chất lượng. Đây cũng là một điều kiện thuận lợi để tăng cường chất lượng giáo dục công lập, giúp học sinh có thêm thời gian tương tác với giáo viên và bạn bè trong một môi trường giáo dục được kiểm soát, hướng tới phát triển toàn diện, cả về kiến thức, kỹ năng và phẩm chất.
Tuy nhiên, điều quan trọng là buổi học thứ hai không được tổ chức theo hướng nhồi nhét kiến thức hay trở thành một hình thức “học thêm trá hình”. Đó phải là không gian để phát huy năng lực cá nhân, xây dựng năng lực tự học, phát triển kỹ năng sống, đặc biệt là để các em được tham gia vào các hoạt động trải nghiệm, sáng tạo và gắn kết với nhà trường. Nếu buổi chiều vẫn chỉ là tiếp nối của bài giảng sáng, học sinh vẫn phải mang bài tập về nhà, vẫn học thêm ngoài giờ thì rõ ràng chủ trương này chưa thành công. Trường học phải trở thành nơi học sinh muốn đến, chứ không phải là nơi bị ép phải đến.
Học hai buổi/ngày theo chủ trương phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông 2018. Nghĩa là buổi chiều học sinh được học các môn văn thể mỹ chứ không phải là tiếp tục học văn hóa?
- Chúng ta không nên hiểu học 2 buổi/ngày là “bôi” chương trình hiện tại ra cả ngày hay biến nhà trường thành nơi “trông trẻ”. Theo tôi, buổi học thứ hai cần được thiết kế để học sinh phát triển kỹ năng công dân thế kỷ 21 như: tư duy phản biện, quản lý tài chính cá nhân, giáo dục giới tính, phòng, chống bạo lực học đường, kỹ năng tham vấn tâm lý… Trước đây, nhiều trường từng kêu thiếu thời gian, thiếu kinh phí để triển khai các hoạt động này. Nhưng giờ nếu đã có chủ trương học 2 buổi thì đây chính là cơ hội để làm đúng - làm đủ những gì chương trình giáo dục phổ thông mới đã định hướng.
Điều quan trọng là Bộ GD&ĐT cần sớm có hướng dẫn cụ thể, linh hoạt theo điều kiện từng địa phương. Từ tổ chức ăn bán trú đến thời khóa biểu, tổ chức lại các hoạt động giáo dục trong ngày bảo đảm cân đối giữa hoạt động tư duy và hoạt động cơ thể; thời gian làm việc và thời gian nghỉ ngơi hợp lý, theo nhu cầu phát triển của độ tuổi.
|
Buổi học thứ hai phải là không gian để xây dựng năng lực tự học, phát triển kỹ năng sống, và để học sinh được tham gia vào các hoạt động trải nghiệm. (Ảnh minh họa: THCS Phú Xuyên) |
Lo ngại việc các trường vẫn theo “cuộc đua” thành tích
Chuyển sang học cả ngày, rõ ràng giáo viên sẽ phải làm việc nhiều hơn. Vậy theo ông, cần có chính sách gì để thầy cô không phân tâm?
- Theo tôi, khi chuyển sang dạy học 2 buổi/ngày, Bộ phải bảo đảm quyền lợi của giáo viên (thu nhập, chế độ, đãi ngộ) sẽ tăng lên tương ứng cùng khối lượng công việc. Đây là một mắt xích then chốt. Nếu không bảo đảm được chế độ, chính sách cho giáo viên thì rất khó triển khai chủ trương học 2 buổi một cách hiệu quả và bền vững.
Tăng thời lượng làm việc thì thu nhập cũng phải tăng tương ứng. Khi giáo viên có đời sống ổn định, họ mới yên tâm toàn tâm, toàn ý giảng dạy, đầu tư cho tiết học, tổ chức tốt các hoạt động trải nghiệm.
Hiện nay, việc này chưa được thống nhất và lợi ích của giáo viên còn chưa rõ ràng. Một bộ phận giáo viên chọn cách “làm đủ để đạt chỉ tiêu”, không mặn mà đổi mới vì “làm nhiều cũng vậy”. Bộ cần thấu hiểu và hành động từ góc nhìn của nhà trường và người thầy, chứ không thể chỉ quản lý từ trên xuống theo kiểu hành chính.
Bộ GD&ĐT cần tiếp tục lắng nghe ý kiến từ cơ sở để có các điều chỉnh kịp thời, tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ các trường, giáo viên, phụ huynh.
Trong bối cảnh ngành Giáo dục mong muốn giảm học thêm, nhưng phụ huynh vẫn cho con đi học thêm vì lo con không đủ năng lực vào trường tốt. Làm sao để gỡ “nút thắt” này, thưa ông?
- Trách nhiệm của ngành Giáo dục là phải bảo đảm mọi trường công đều tốt, chứ không chỉ có vài “trường điểm” để rồi phụ huynh chen lấn, lo lót, tìm mọi cách cho con “học ngày, học đêm” để được vào đó. Trong một hệ thống giáo dục công lập, không nên tồn tại sự phân biệt rõ ràng như hiện nay.
Thực tế, chính nhiều trường cũng đang tham gia vào “cuộc đua” thành tích, quảng bá tuyển sinh theo hướng khoe điểm, khoe tỷ lệ đỗ… làm gia tăng áp lực lên học sinh và phụ huynh. Nếu không giải quyết được “bài toán” công bằng trong hệ thống, việc giảm học thêm chỉ là lý thuyết.
Theo tôi, chủ trương học 2 buổi/ngày, nếu triển khai đồng bộ và đúng hướng, hoàn toàn có thể góp phần giảm học thêm. Khi đó, học sinh được học tập - trải nghiệm đầy đủ trong trường, được giáo viên hỗ trợ kịp thời, phụ huynh cũng yên tâm hơn, tiết kiệm được chi phí học thêm ở ngoài.
Xin nhấn mạnh quan điểm của tôi là chủ trương học 2 buổi/ngày là cần thiết, nhưng phải được triển khai bài bản, có lộ trình và phù hợp với điều kiện thực tiễn. Bộ GD&ĐT cần tiếp tục lắng nghe ý kiến từ cơ sở để có các điều chỉnh kịp thời, tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ các trường, giáo viên, phụ huynh trong quá trình chuyển đổi. Khi tất cả các bên đều có sự đồng thuận, giáo dục mới thực sự chuyển mình theo hướng tích cực và nhân văn.
Xin cảm ơn ông!