Học sinh các quốc gia chào mừng năm học mới

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Khai giảng là cột mốc đáng nhớ của một năm học, tạo nguồn cảm hứng cho các em học sinh, sinh viên. Nhiều quốc gia trên thế giới cũng bắt đầu năm học mới trong khoảng thời gian tương tự Việt Nam nhưng lại có những nét đặc trưng riêng biệt.
Hoạt động biểu diễn trong ngày tựu trường tại Belarus. (Ảnh: Reuters)
Hoạt động biểu diễn trong ngày tựu trường tại Belarus. (Ảnh: Reuters)

Nhiều quốc gia khai giảng vào tháng 9

Nhiều quốc gia trên thế giới cũng mặc định bắt đầu năm học mới cho học sinh, sinh viên vào khoảng cuối tháng 8, đầu tháng 9. Tuy nhiên, để giải thích cho điều này lại bắt nguồn từ các nguyên nhân khác nhau. Đơn cử, tại Mỹ, từ xa xưa, các gia đình Mỹ sống chủ yếu bằng nông nghiệp. Việc trồng trọt thường chỉ được thực hiện vào các mùa xuân, hè và thu, do đó các gia đình cần những đứa trẻ ở nhà để giúp đỡ chăn nuôi gia súc và các công việc đồng áng khác trong mùa bận rộn. Vì vậy, việc học của trẻ em diễn ra trong những tháng lạnh hơn khi không thể gieo trồng hay thu hoạch gì. Theo đó, trường học tại các khu vực khác nhau cũng sẽ bắt đầu năm học mới dựa trên nhu cầu của cộng đồng. Ví dụ, các trường học ở những khu vực có nhiều vụ mùa thu sẽ được nghỉ vào tháng 9 và tháng 10.

Đến nay, mặc dù đời sống xã hội nước Mỹ đã có nhiều thay đổi so với trước đây, nhưng truyền thống khai giảng năm học vào khoảng thời điểm mùa thu vẫn được lưu giữ ở hầu hết các tiểu bang. Ngày khai giảng cụ thể được quy định bởi chính quyền mỗi bang, nhà trường sẽ thông báo ngày chính thức bắt đầu năm học mới. Các trường học ở Mỹ thường không tổ chức một ngày lễ khai giảng riêng biệt mà dành ngày đầu tiên đến trường để học sinh tham gia vào các hoạt động ngoại khóa và làm quen với giáo viên, bạn bè mới. Tại một số trường cấp 3, học sinh mới nhập học sẽ tới trường sớm 1 - 2 ngày để tham gia vào các buổi hướng nghiệp, làm quen với trường lớp, các quy tắc và bạn bè, thầy cô. Học sinh cuối cấp có thể được tiếp đón bằng một bữa sáng ngon lành trong ngày đầu tiên trở lại trường.

Nhiều quốc gia trên thế giới cũng tổ chức khai giảng vào tháng 9. Đơn cử, ở Canada, ngày khai giảng thường rơi vào Thứ Tư, Thứ Năm, hoặc Thứ Sáu trong tuần đầu tiên của tháng 9 và thường là sau Ngày Lao động. Tại Vương quốc Anh và xứ Wales, ngày khai giảng với các trường công lập thay đổi theo quyết định của chính quyền địa phương nhưng gần như luôn rơi vào tuần đầu tiên của tháng 9, hoặc thỉnh thoảng là tuần thứ 2. Học sinh Hy Lạp thường khai giảng vào ngày 11/9 hoặc Thứ Hai đầu tiên sau ngày 11/9 nếu ngày này rơi vào Thứ Bảy hoặc Chủ nhật. Belarus, Pháp, Ba Lan, Hà Lan thường tổ chức khai giảng vào ngày 1/9 hoặc Thứ Hai sau ngày 1/9 nếu ngày này rơi vào Thứ Sáu, Thứ Bảy hoặc Chủ nhật. Trong đó, có một điểm đặc biệt tại đất nước Hà Lan là phụ huynh thường sử dụng xe bakfietsen (một loại xe đạp có cốp đằng trước) để đưa trẻ tới trường bởi xe này thân thiện với môi trường và không chiếm nhiều diện tích khi đậu xe.

Phụ huynh Hà Lan ưa chuộng chiếc xe bakfietsen để chở con đến trường. (Ảnh: Getty)

Phụ huynh Hà Lan ưa chuộng chiếc xe bakfietsen để chở con đến trường. (Ảnh: Getty)

Mặt khác, không phải quốc gia nào cũng có ngày khai trường. Pháp là một ví dụ. Các trường học Pháp thường không tổ chức lễ khai giảng mà chỉ tập hợp học sinh trong hội trường để giới thiệu giáo viên, sau đó hướng dẫn học sinh vào lớp học như những ngày bình thường. Đáng nói, trước đó một ngày, giáo viên đến trường để chuẩn bị cho buổi lên lớp đầu tiên. Họ sẽ đưa ra nhiều hoạt động vui vẻ vào ngày đầu đi học để tạo tâm lý thoải mái cho học sinh. Ngoài ra, tại Kuwait, ngày đầu tiên đi học là một thói quen bình thường đối với học sinh, không có một ngày lễ khai giảng đặc biệt nào, mà chỉ giống như hầu hết những ngày khác. Hoạt động đánh dấu ngày tựu trường là việc các gia đình chuẩn bị sách vở và mua đồng phục cho học sinh.

Tại Indonesia, kết bạn được xem là một yếu tố vô cùng quan trọng trong ngày đầu tiên đi học tại Indonesia. Ở một số vùng của quốc gia này, ngày đầu tiên được coi là định hướng để học sinh làm quen với nhau. Các trường học ở Indonesia thường chia trẻ thành các nhóm trong ngày đầu tiên đi học. Qua đó, trẻ được thực hiện các hoạt động giúp tạo điều kiện cho việc kết bạn. Đồng thời, học sinh được tạo cơ hội để hiểu rõ hơn về bạn học của mình trước khi bắt đầu năm học mới.

Những món quà đặc biệt vào ngày khai giảng

Trên thế giới, không ít quốc gia tổ chức khai giảng như ngày hội đến trường. Tiêu biểu là Ả Rập Saudi, mệnh danh là một trong những quốc gia có lễ khai giảng kéo dài nhất thế giới. Bắt đầu vào cuối tháng 8 hàng năm, lễ tựu trường của trẻ em Ả Rập được kéo dài tới 3 ngày liên tiếp. Trong những ngày này, các em học sinh sẽ có thời gian để làm quen với trường lớp, thầy cô và bạn bè mới. Học sinh được hoàn toàn sử dụng thời gian lên lớp để tham gia các hoạt động ngoại khóa, đón nhận những thông tin bổ ích về trường học cũng như nhận những chia sẻ từ khóa trên. Giáo viên sẽ chuẩn bị sẵn bánh và hoa cho học sinh của mình.

Ở một số quốc gia khác, những món quà đặc biệt vào dịp đầu năm học là một nghi thức không thể thiếu. Tại Brazil, mặc dù đi học trở lại có thể rất tốn kém với nhiều gia đình nhưng việc chuẩn bị những món quà là vở, bút, sách mới vẫn được các phụ huynh quan tâm sắm sửa cho trẻ vào ngày đến trường. Do nhu cầu tăng cao vào dịp gần khai giảng, giá đồ dùng học tập thường có thể tăng từ 4 - 5 lần so với bình thường.

Tại Kazakhstan, ngày đầu tiên đi học có thể là một ngày lễ kỷ niệm của cả gia đình. Vào năm 7 tuổi, trẻ em ở Kazakhstan bắt đầu hành trình giáo dục của mình với một ngày được gọi là “Tyl Ashar”, hay “Khởi đầu vào giáo dục”. Để chào mừng dịp này, các phụ huynh tổ chức một buổi lễ và nấu một bữa tiệc thịnh soạn với thịt cừu, các món ăn khác và đồ tráng miệng ngọt ngào, mời người thân, bạn bè tụ tập để chúc mừng trẻ vào lớp 1.

Trẻ em Đức bắt đầu vào lớp 1 được tặng một vật hình nón khổng lồ. (Ảnh: Getty)

Trẻ em Đức bắt đầu vào lớp 1 được tặng một vật hình nón khổng lồ. (Ảnh: Getty)

Ở Đức, trẻ em bắt đầu vào lớp 1 được tặng một vật hình nón khổng lồ chứa đầy kẹo và đồ dùng học tập. Theo DW News, truyền thống này không chỉ để cổ vũ trẻ em mà còn đánh dấu bước chuyển tiếp từ chương trình tiền tiểu học vào quá trình học kéo dài 12 hoặc 13 năm trong trường. Bởi vì không có trường mầm non hoặc mẫu giáo, trẻ em bước vào lớp 1 được xem là cột mốc rất quan trọng.

Còn tại Nhật Bản, hầu hết học sinh bước vào năm học mới đều nhận được một chiếc ba lô, hay còn gọi là “randoseru”, như một món quà trong ngày đầu tiên đi học. “Randoseru”, một loại ba lô có mặt cứng được làm bằng da khâu chắc chắn hoặc vật liệu tổng hợp giống như da, được học sinh tiểu học sử dụng phổ biến nhất ở Nhật Bản. Bên cạnh món quà là ba lô, nhiều phụ huynh có thể tặng cho con một chiếc bàn học mới trong nhà, với hy vọng giúp chúng đạt được thành công trong học tập, trong một không gian riêng. Ngày đầu tiên đến trường đánh dấu một giai đoạn mới của cuộc đời trẻ. Tuy nhiên, ngày đầu tiên đi học tại Nhật Bản được xác định là ngày 1/4. Trong những năm qua, đã có nhiều luồng ý kiến đề xuất Chính phủ nước này đổi ngày tựu trường sang tháng 9 để hoà nhập với xu hướng chung của thế giới.

Một năm học mới thường được đánh dấu bằng lễ khai giảng. Đây cũng là dịp mọi trẻ em trên thế giới háo hức đón nhận nhất trong cả năm học. Mặc dù thời gian, nghi thức tổ chức có thể khác nhau nhưng truyền thống của bất kỳ quốc gia nào trên thế giới cũng đều ghi nhận ngày khai giảng năm học mới là dấu mốc quan trọng của mỗi học sinh trên chặng đường học vấn, cũng như với các thầy cô, phụ huynh và cả cộng đồng. Sau nhiều tháng nghỉ hè, thầy trò lại gặp gỡ, bắt đầu hành trình mới dưới mái trường. Ngày khai trường là sự mở đầu và có tác dụng tạo hứng khởi cho cả thầy và trò suốt một năm học. Bởi vậy, những hoạt động trong ngày này đều mang màu sắc vui tươi, thoải mái với đầy đủ ý nghĩa và cảm xúc.

Đọc thêm