Dư luận đthực sự sốc trước tình trạng ô nhiễm môi trường ở khu vực Quán Toan (quận Hồng Bàng, Hải Phòng) khi xảy ra sự kiện hàng loạt giáo viên, học sinh trường THCS Quán Toan bị choáng, ngất phải nhập viện vì khí thải của một số nhà máy trên địa bàn. Đến nay nỗi ám ảnh của người dân nơi đây vẫn còn đó, trong khi một số biện pháp cải thiện môi trường vẫn chỉ là... trên giấy tờ.
Học sinh chuyển trường vì lo bị… ngất
Ông Trương Văn Hải - Chủ tịch Công đoàn trường THCS Quán Toan cho biết trong năm học 2009-2010, nhà trường đã phải tạm dừng giảng dạy đến 3 lần vì sức khỏe học sinh và cán bộ, giáo viên bị đe dọa.
Theo danh sách tổng hợp, trong thời gian đó, xấp xỉ 100 học sinh và giáo viên của trường phải nhập viện để theo dõi và điều trị vì hít phải khí độc do các nhà máy sản xuất thép ngay cạnh đó thải ra. Gần đây nhất, sáng ngày 15/5, trong cuộc họp phụ huynh tổng kết năm học, khói đen tiếp tục xả ra khiến các bậc phụ huynh vô cùng bức xúc và lo lắng. “Hệ quả” là một loạt đơn xin chuyển trường cho các học sinh đã được gửi đến Ban giám hiệu.
Khói xả từ Công ty TNHH ống thép VN Vinapipe.
Theo kết quả đợt quan trắc tiến hành ngày 4/3/2010, không khí tại khu vực trường học bị ô nhiễm ở mức độ nghiêm trọng, đặc biệt các chỉ số về khí dioxit lưu huỳnh (SO2), axit sufua (H2S) và các loại khí nitơ oxít (NOx) đều vượt quá quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường Việt Nam. Tại vị trí lấy mẫu ở hành lang phòng vi tính của trường, chỉ số NOx vượt 23,5 lần, chỉ số SO2 vượt 12,8 lần. Đây chính là nguyên nhân khiến các em học sinh, giáo viên choáng, ngất hàng loạt.
Trong khi đó, dự án trồng dải cây xanh phân cách giữa khu dân cư và các nhà máy dù đã được UBND TP.Hải Phòng phê chuẩn cách đây 2 năm song đến nay vẫn “giậm chân tại chỗ”, các ban ngành liên quan vẫn chỉ… hứa rồi để đấy.
Các nhà máy vẫn tiếp tục thải khí độc
Các căn bệnh đường hô hấp như: khó thở, viêm họng, ho khan kéo dài… do ô nhiễm không khí đã và đang trở thành nỗi lo lắng, bức xúc của nhiều phụ huynh, học sinh, thầy cô và 2.000 hộ gia đình trên địa bàn phường. Than thở với phóng viên PLVN, phụ huynh Hoàng Thị Hồng (ngụ tại đường 5/4, phường Quán Toan) cho biết: “Khoảng 2 năm gần đây, tôi luôn bị ho khan, con tôi là cháu Dương Minh Hoàng học tại trường tiểu học Quán Toan thì luôn bị viêm họng. Môi trường ở đây quá ô nhiễm. Tầm 5 đến 6 giờ tối, khói đen cứ thế xả ra. Nhà tôi gần mấy nhà máy thép lúc nào cũng phải đóng cửa”.
Ngay cả với các nhân viên y tế trên địa bàn, việc tìm được cách bảo vệ sức khỏe cho bản thân cũng là bài toán nan giải. Ông Ngô Xuân Hiếu, Trưởng khoa Cơ sở điều trị số 3 Bệnh viện Hồng Bàng (hay còn gọi là Cơ sở y tế phường Quán Toan) cho biết: “Khói khét của các nhà máy xả ra khi về đêm khiến tôi luôn thấy khó chịu. Gần đây chứng ho, hắt hơi và xổ mũi hành hạ tôi đến khổ”. Số lượng sổ khám bệnh tại cơ sở y tế này tăng vọt hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về một “trường học ung thư”, “phường ung thư” đang dần hiện hữu.
Theo nhận định của ông Lê Văn Thuận, Phó Chủ tịch UBND phường Quán Toan, trong số gần chục doanh nghiệp sản xuất thép trên địa bàn phường, Cty CP thép Việt – Nhật; Cty CP Cửu Long – Vinashin là hai đơn vị gây ô nhiễm nghiêm trọng nhất vì có lò luyện thép, nấu thép từ tất cả các kim loại phế thải. Ngoài ra, lò luyện thép của Cty TNHH Thương mại Tân Hương cạnh kề cũng là một “điểm nhức nhối”. Dù chưa có kết quả kiểm tra chính xác nhưng dân cư trong vùng không thể không lên tiếng. Chiều ngày 18/5, UBND phường Quán Toan đã tổ chức buổi “chất vấn” trực tiếp giữa người dân và Ban Giám đốc Cty TNHH Thương mại Tân Hương để giải đáp tất cả thắc mắc, khiếu nại liên quan đến vấn đề môi trường.
Cùng ngày, theo quan sát của phóng viên PLVN, khói đen “ngang nhiên” xả ra từ Cty sản xuất thép Úc SSE đến 18 giờ tối vẫn chưa dứt. Ngay cạnh là Cty TNHH Ống thép Việt Nam Vina Pipe, cứ 15 phút lại có một đợt khói khét “tấn” ra bầu không khí, phủ đen một góc nhà máy và vài phút sau mới tan hết. Như vậy, việc thẩm định mức độ xả thải của các doanh nghiệp khó nhưng không phải không thực hiện được. Thế nhưng, không hiểu sao cho đến thời điểm này, các cơ quan chức năng thành phố vẫn chưa “vạch mặt, chỉ tên” được doanh nghiệp nào xả khí độc hại?
Phương Thanh