Nhiều ý kiến các chuyên gia giáo dục cũng cho rằng, nếu tình trạng nghỉ học kéo dài, Bộ GD-ĐT có thể tính đến việc dừng thi THPT quốc gia năm nay, cho phép các trường xét tốt nghiệp THPT…
Đề xuất cho học sinh lớp 12 xét tốt nghiệp
Trong thư, thầy Nguyễn Xuân Khang bày tỏ Việt Nam đã bước sang giai đoạn 2 phòng, chống dịch bệnh Covid-19, phức tạp hơn và quyết liệt hơn. Đến ngày 15/3, tất cả các địa phương đều phải tiếp tục cho học sinh từ mầm non đến THCS nghỉ học, trong đó có những nơi đã cho học sinh đi học được một thời gian cũng phải thay đổi và tiếp tục đóng cửa trường. Gần 30 tỉnh, thành phố vẫn chưa thể cho học sinh THPT đến trường.
Bộ GD-ĐT đã hai lần điều chỉnh thời điểm kết thúc năm học và thời gian tổ chức kỳ thi THPT quốc gia. Các trường đã phải dạy và học online hoặc qua truyền hình... Tuy nhiên, không phải địa phương, nhà trường, giáo viên, học sinh nào cũng có đủ điều kiện để dạy và học từ xa có hiệu quả.
Thầy Khang nhắc tới chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối với Bộ GD-ĐT là “Giảm nhẹ chương trình, rút ngắn thời gian học nhưng phải bảo đảm chất lượng học tập”. Trước đó, Thủ tướng cũng nói: “Chống dịch như chống giặc, chấp nhận thiệt hại kinh tế để bảo vệ sức khỏe nhân dân”...
Thầy Khang cho biết, sau khi lắng nghe nguyện vọng của nhiều giáo viên, học sinh và phụ huynh, thầy đề nghị 2 nội dung: Một là, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT xem xét và quyết định chỉ thi các môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ, bỏ các bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội, nội dung đề thi năm nay cũng cần có những điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế.
Năm nay, khi chưa xảy ra dịch bệnh, Bộ GD-ĐT chủ trương không công bố đề minh họa kỳ thi THPT quốc gia. Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh phức tạp khiến học sinh phải nghỉ học kéo dài, theo thầy Khang, Bộ cần cân nhắc, xây dựng và sớm ban hành đề minh họa các môn thi, giúp học sinh và các nhà trường có kênh tham khảo chính thức để ôn tập và yên tâm về định hướng ra đề trong năm học “đặc biệt” này.
Trả lời báo chí cuối giờ chiều ngày 17/3, PGS.TS Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT cho biết: Bộ GD-ĐT sẽ giảm tải chương trình cho phù hợp với việc dạy và học hiện nay.
Đồng thời Bộ sẽ sớm cung cấp đề thi minh họa kì thi THPT quốc gia, phù hợp với chương trình giảm tải. Bộ sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến của dịch và chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống Covid -19 để có những điều chỉnh phù hợp, thầy cô, phụ huynh và học sinh yên tâm.
Hai là, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2020 - 2021 của Hà Nội, thầy Khang đề nghị Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung xem xét, sửa quyết định về kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2020 - 2021. Theo đó, chỉ thi các môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ; bỏ môn thi thứ tư, là một trong các môn Lý, Hoá, Sinh, Sử, Địa, Giáo dục công dân (được chọn ngẫu nhiên vào cuối tháng 3).
“Tôi đề xuất giảm bớt một số môn thi trong các kỳ thi nói trên, trước hết là nhằm giảm áp lực cho giáo viên và học sinh cuối cấp, giúp người dân thêm tin tưởng, yên tâm, đồng lòng chống dịch bệnh Covid-19. Đồng thời giảm được đáng kể quy mô tổ chức các kỳ thi đó của Bộ và thành phố.
Trước đó, là người đưa ra ý tưởng có thể xét tốt nghiệp THPT cho năm học 2019-2020, Từ cuối tháng 2/2020, ông Đỗ Hoàng Sơn, chuyên gia của Liên minh Giáo dục STEM, thành viên hội đồng giám khảo
Cuộc thi Khoa học Kỹ thuật quốc gia (ISEF) cho biết: Ông đưa ra ý kiến trên dựa vào những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên thế giới và tại Việt Nam bởi đến nay chưa ai có thể biết chính xác thời gian an toàn để học sinh quay trở lại trường học, chúng ta cần có phương án chủ động nếu phải “kháng chiến lâu dài” với dịch bệnh.
Chính vì thế, ông Sơn đề xuất Bộ GD-ĐT cần chủ động xây dựng phương án, trình xin ý kiến Chính phủ, Quốc hội, Bộ Chính trị cho học sinh lớp 12 năm nay xét tốt nghiệp THPT theo kết quả của 5 học kỳ đã qua.
Bộ trưởng GD-ĐT chỉ cần ủy quyền cho hiệu trưởng các trường tổ chức thực hiện dưới sự giám sát của Sở GD-ĐT. Trường đại học có thể tuyển sinh theo học bạ và phỏng vấn, kiểm tra… để tuyển sinh theo nhiều đợt khác nhau.
Theo ông Sơn: “Nếu sang tháng 4 học sinh vẫn tiếp tục nghỉ học thì đối với lớp 12 kiến thức sẽ bị “dồn toa”, sẽ “kịch khung” và ảnh hưởng tới kế hoạch năm học sau. Hơn nữa, việc này còn gây tâm lý lo lắng, áp lực cho học sinh, phụ huynh, giáo viên.
Việc xét tốt nghiệp theo kết quả các kỳ học không chỉ thích ứng với dịch bệnh mà còn phù hợp với khoa học giáo dục và xu hướng đánh giá kết quả qua cả quá trình chứ không phải chỉ 1 kỳ thi. Chúng ta cũng sẽ tiết kiệm được một khoản không nhỏ kinh phí tổ chức thi chung để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh”.
Thi hay không thi, bản chất là gì?
Theo TS Nguyễn Ngọc Sơn, Luật Giáo dục năm 2015 và Luật Giáo dục sửa đổi bổ sung năm 2019 quy định rất rõ đối với chương trình THPT, dự thi đạt yêu cầu thì được cấp bằng tốt nghiệp. Tuy nhiên, ông Sơn cho rằng trong tình hình hiện nay phải xác định nội dung trước thủ tục sau.
Về mặt nội dung nếu “phải thi” và tổ chức thi có thể sẽ “vỡ trận”, kéo theo hệ lụy sang năm khác. Trong tình hình xấu hơn có thể thi trực tuyến, từng địa phương, từng trường tổ chức. Và trong trường hợp đặc biệt, nếu xét tốt nghiệp thủ tục cũng rất đơn giản, đó là tạm thời ngừng hiệu lực Điều 34 Luật Giáo dục sửa đổi…
Về phía các trường ĐH, nhiều ý kiến cũng cho rằng, theo Luật Giáo dục Đại học, các trường được tự chủ trong tuyển sinh. Từ trước tới nay, trong quá trình tự chủ, các trường sử dụng kết quả thi THPT quốc gia là kênh tham chiếu đa số vì đó là kênh có sẵn, kết quả uy tín, tiết kiệm chi phí cho trường. Nhưng nếu bây giờ không tổ chức cuộc thi đó thì các trường vẫn có thể tuyển sinh riêng, Bộ GD-ĐT giám sát các trường đại học xét tuyển sao cho minh bạch, khách quan.
Đồng quan điểm, Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội bày tỏ: Cá nhân tôi cho rằng không phải vì dịch Covid-19 mà học sinh phải nghỉ học thời gian dài, Bộ GD-ĐT phải 2 lần thay đổi thời gian kết thúc năm học mà nên bỏ kỳ thi quốc gia. Bởi mục tiêu kỳ thi là để công nhận tốt nghiệp cho học sinh sau 12 năm học phổ thông thì như vậy có cần thiết?
Đặc biệt khi mà Luật Giáo dục Đại học sửa đổi đã trao quyền tự chủ cho phép các trường đại học được tổ chức nhiều phương thức tuyển sinh nhằm chọn ra số lượng thí sinh phù hợp với tiêu chí của từng trường.
Bởi thực tế, học Toán - Lý - Hóa của Đại học Bách khoa nó khác với Sư phạm, Thương mại, Tổng hợp. Mỗi trường đại học có yêu cầu đầu vào khác nhau, cách thức đào tạo khác nhau. Vì thế, họ có thể chủ động để ra các đề thi hoặc có phương thức tuyển sinh phù hợp.
Bên cạnh đó, việc đề nghị bỏ môn thi thứ 4, kì thi lớp 10 ở Hà Nội cũng nhận được sự đồng thuận của đa số phụ huynh: “Con mình thi vào lớp 10 năm ngoái, nhưng mình cũng ủng hộ bỏ môn thi thứ 4 không những năm nay mà cả các năm khác nữa. Thi chuyển cấp áp lực cho các con vô cùng, phụ huynh cũng đau tim lắm.
Con em mới lớp 3, nhưng em ủng hộ bỏ môn thi thứ 4 vào lớp 10 với cả hiện tại và tương lai vì nó quá vất vả cho các con. Hơn nữa, cái tâm lý thấp thỏm chờ đợi báo môn thứ tư làm các con thêm căng thẳng. Xu hướng là giảm tải gánh nặng mà lại cho các con gánh nặng hơn thì tội các con quá”…
Bộ cần sớm có hình thức kiểm tra, đánh giá phù hợp
Dịch Covid-19 chắc chắn ảnh hưởng rất nhiều đến việc dạy và học của cả hệ thống giáo dục từ đại học, trường nghề đến bậc phổ thông. Chúng ta phải chấp nhận điều này. Để khắc phục, Bộ GD- ĐT cũng đã chỉ đạo các địa phương, nhà trường giúp học sinh trong thời gian nghỉ vẫn tiếp tục duy trì việc học, thói quen, nền nếp học cũ, để sẵn sàng khi đi học lại, thầy cô có thể dạy đẩy nhanh tiến độ.
Nhưng nếu nói việc học này có đảm bảo chất lượng không thì khẳng định là rất khó đảm bảo. Bộ cũng đã có chỉ đạo tinh giản bớt nội dung kiến thức cho học sinh để đáp ứng cho thời gian học còn lại. Thực tế, việc học trực tuyến, hay học trên truyền hình cũng không thể đảm bảo tất cả học sinh đều được học theo phương pháp này, đặc biệt là những em ở khu vực vùng sâu, vùng xa, phương tiện hạn chế.
Đây là vấn đề lớn cần quan tâm, chúng ta vẫn chưa có sự đồng bộ giữa nông thôn và thành thị, giữa những khu vực đồng bằng và miền núi. Những giải pháp đưa ra hiện nay vẫn chỉ tập trung vào khu vực thành thị, còn các em ở khu vực miền núi cũng đang gặp rất nhiều khó khăn.
Hiện nay Bộ đang lùi đến tháng 8 đã là kịch kim, để đảm bảo mùng 5/9 khai giảng, do đó không thể lùi thêm nữa. Trong Luật cũng đã quy định rõ về kỳ thi THPT quốc gia, do đó phải xác định rõ hình thức kiểm tra, đánh giá sao cho phù hợp…
(Thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn-Hà Nội).