Học thêm tràn lan - người lớn muốn trẻ thành “siêu nhân”?

(PLVN) - Những ngày gần đây, câu chuyện học thêm tràn lan lại được làm “nóng” lên khi có ý kiến cho rằng, tại sao ngành y làm thêm được mà giáo viên lại không? Và dù dạy thêm đã bị cấm từ lâu, nhưng ngay từ tuổi mẫu giáo, các lớp học thêm tiền lớp 1 đã hối hả tổ chức. Năm nay, khi chương trình SGK lớp 1 mới, nhiều phụ huynh cho rằng trẻ lại càng không thể không học thêm.
Học thêm vì chính trẻ, hay bởi “giấc mơ” của người lớn? (Ảnh minh họa)
Học thêm vì chính trẻ, hay bởi “giấc mơ” của người lớn? (Ảnh minh họa)

“Cấm” nhưng mỗi nơi một kiểu

Theo Quyết định 2499 ban hành ngày 26/8/2019 của Bộ trưởng Bộ GDĐT, cả nước sẽ ngừng cấp phép dạy thêm, không có bất kỳ tổ chức, cá nhân nào được phép tổ chức dạy thêm, học thêm (DTHT) ngoài nhà trường. Quyết định này công bố hết hiệu lực các Điều 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13 và 14 của Thông tư 17 ban hành ngày 16/5/2012 của Bộ trưởng Bộ GDĐT ban hành quy định về DTHT. 

Như vậy, trừ giáo viên cấp tiểu học, quy định không cấm các giáo viên khác dạy thêm tại những nơi có đăng ký hoạt động dạy thêm. Ngoài ra, theo Điều 4 Thông tư 17, đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập, không được tổ chức DTHT ngoài nhà trường; không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa, khi chưa được sự cho phép của Thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó.

Và trong văn bản của Bộ GD-ĐT khi trả lời cử tri về vấn đề này cũng thừa nhận: “Công tác quản lý DTHT còn gặp rất nhiều khó khăn, nguyên nhân do trong luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư, không có nội dung về DTHT. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thông tư quy định về DTHT không được quy định các điều kiện về hoạt động, nên không có căn cứ để cấp phép mới cho hoạt động DTHT cũng như xử lý khi có sai phạm trong thời gian qua”.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, việc đưa ra các hình thức phạt nghiêm để hạn chế tiêu cực trong nhà trường là điều rất nên làm. Giáo viên phải tự chịu trách nhiệm về việc làm sai trước pháp luật.

Còn nếu để nhà trường xử lý giáo viên vi phạm sẽ trở thành đôi co giữa hai bên, làm mất đi tính giáo dục. Học sinh có nhu cầu học thêm, giáo viên có nhu cầu dạy thêm thì đến trung tâm. Nhà trường chỉ nên phụ đạo học sinh yếu kém hay bồi dưỡng các em giỏi nhưng không được phép thu tiền.

Trên thực tế, lâu nay Bộ GD-ĐT đã có quy định cụ thể về việc cấm dạy thêm, học thêm không phép. Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục do Bộ GD-ĐT xây dựng lấy ý kiến góp ý năm 2018 từng nhận được nhiều ý kiến trái chiều về mức xử phạt hành chính cao hay thấp, thỏa đáng hay chưa trong trường hợp xử phạt giáo viên ép học sinh học thêm … 

“Đừng để trẻ bơ vơ trên con đường làm người”

Một ngày của học sinh lớp 1 ở thành phố thường từ sáng đến tối đều ở trường nếu học bán trú. Với học sinh không bán trú, có nhiều trường hợp buổi trưa học xong thì thầy cô đưa học sinh về nhà mình ăn uống, nghỉ ngơi. Chiều học thêm, tối cha mẹ đón học sinh tại nhà thầy cô. 

Có ý kiến cho rằng, nếu tăng lương giáo viên 20 triệu/tháng, có lẽ không giáo viên nào dạy thêm. Nhưng đó là bởi nhà trường không cho phép, học sinh được học đầy đủ trong giờ chính khóa rồi, không có nhu cầu học thêm nữa. Giáo viên công lập dạy thêm có thu nhập cao, chủ yếu dạy học sinh chính khóa. 

Nguyên nhân tạo nhu cầu ảo về học thêm, chính là chương trình giáo dục của chúng ta quá nặng; thi cử hàn lâm, xã hội quá chú trọng bằng cấp. Muốn có thực tài, có năng lực, có phẩm chất là phải tự học, tự học mới sáng tạo, học thêm chỉ học thuộc, học tủ, học vẹt. Hiện đi học thêm, cô dạy các dạng bài mẫu, đến giờ kiểm tra, học sinh chỉ cần thay số phù hợp câu hỏi, cuối cùng các em đạt điểm cao, cả cô, phụ huynh ai cũng vui mừng.

Không thể phủ nhận, có những phụ huynh mong con cái mình chăm học, học giỏi để nâng cao tri thức. Song bên cạnh đó, có không ít giấc mơ “con người ta”, phụ huynh ép trẻ học chỉ bởi phải giỏi như thiên hạ, phải học trường danh giá dù quá sức con mình. “Bằng mọi giá” con phải được vào trường chuyên, lớp chọn hay những đại học top đầu. 

Bởi thế, trẻ học ở lớp do nhà trường tổ chức, đến nhà thầy hoặc gia đình tự mở lớp rồi thuê thầy về dạy học, trung tâm dạy thêm với nhiều giáo viên giỏi. Chưa kể, các giáo viên cũng tìm đủ các chiêu trò để “ép” học sinh đến lớp học thêm với hai lý do: áp lực thành tích và thu nhập hàng tháng. Nếu số lượng học sinh giỏi trong lớp quá thấp, cô giáo không có cơ hội thành “chiến sĩ thi đua”, kéo tụt thành tích “tiên tiến xuất sắc” của nhà trường.

Ở góc độ khác, TS. Lê Thống Nhất cho rằng, nếu một thầy giáo dạy giỏi mà học sinh có nhu cầu học để phát triển tri thức, học sinh có thể nộp tiền để xin học. Bằng sức lao động, bằng trí tuệ giáo viên có thể kiếm được 50-80 triệu/tháng là chuyện bình thường.

Và dạy thêm đáng bị lên án khi nó bị biến tướng, không muốn học vẫn phải học: “Tôi từng biết một giáo viên chủ nhiệm lớp 1 có 60 em. Cô chia lớp ra thành 2 nhóm mỗi nhóm 30 em. Mỗi tuần học thêm cô 2 buổi, mỗi buổi 150 nghìn đồng. Tính ra mỗi tháng giáo viên đó nhẹ nhàng thu về 72 triệu. Ngay như tôi đã từng phải viết đơn để con tôi được đi học thêm. Trước đây, cháu chỉ đạt 6-7 điểm nhưng sau một tháng học thêm điểm số có thể lên 8-9. Tôi nghĩ đây không phải vì sự tiến bộ của học sinh mà là giáo viên đã dùng điểm số để đẩy học sinh vào con đường học thêm”.

Cùng với đó, Ths. Nguyễn Quốc Vương cho rằng, hiện nay chỉ có số ít giáo viên dạy thêm vì sự tiến bộ của học sinh. Còn phần lớn giáo viên dạy thêm vì sinh kế của chính mình. Bởi nếu muốn trợ giúp học sinh thì có nhiều hình thức khác nhau chứ không nhất thiết phải dạy thêm.

Và dưới góc nhìn của PGS. TS Toán Chu Cẩm Thơ thì hình ảnh ở cổng trường mỗi buổi sớm những đứa trẻ vội vã phi vào lớp với gói xôi, ổ bánh mì vẫn lủng lẳng treo ở quai túi hay cầm trên tay không hiếm nữa. Rồi trong lớp học, chúng ngáp. Rồi ở nhà, chúng ăn uống, làm việc không giờ giấc… Đứa trẻ không lớn lên thành người bằng lời răn dạy sách vở mà là từ hành động của người lớn mỗi ngày.

Trước tiên ở gia đình, sau đó mới đến nhà trường, đến xã hội. Vì thế, nếu phụ huynh thực hiện những hành vi thể hiện sự thiếu phối hợp với nhà trường thì chắc chắn con của chúng ta sẽ thành cái máy học, dù có được thành tích, thì vẫn cứ bơ vơ trên con đường thành người.

Có thể nói, dạy thêm, học thêm không xấu! Thế nhưng, học thêm là để tiến bộ, để giỏi hơn, chứ không phải chỉ đối phó với các kỳ thi, các thầy cô trên lớp. Hãy để trẻ được sống đúng với giấc mơ của chính mình, không phải bởi kỳ vọng của cha mẹ, thầy cô.  

Cần kiểm duyệt chương trình dạy thêm, học thêm

Hiện Bộ GD-ĐT đang soạn thảo Thông tư quy định hoạt động DTHT đảm bảo phù hợp với Luật Đầu tư và quy định tại Luật Giáo dục 2019. Dự kiến sắp tới chương trình DTHT cũng phải được kiểm duyệt. Cùng với đó là đề xuất đưa dịch vụ dạy thêm, học thêm văn hóa theo chương trình giáo dục phổ thông vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện của Bộ GD-ĐT để dễ quản lý. 

Thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên môn Toán, Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội cho rằng, hiện nay do không có các quy định chung cho loại hình hoạt động này nên mỗi địa phương lại đưa ra một quy định riêng để quản lý, thậm chí có nơi còn xem giáo viên dạy thêm như “tội phạm”.

Theo các chuyên gia giáo dục, việc dạy thêm chỉ cấm ở cấp tiểu học nhưng do không có sự đồng nhất, nghiêm minh nên việc dạy thêm ở tiểu học thuộc các trường ở khu vực thành phố vẫn phổ biến.

Đối với các cấp học khác thì việc dạy thêm, học thêm chỉ cần đảm bảo một số điều kiện là có thể mở lớp, không bị cấm như khối tiểu học. Vì vậy, nếu đưa dịch vụ dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, rõ ràng cần có cơ chế quản lý và giám sát xử phạt rõ ràng, minh bạch và có thể kiểm chứng được.

Đọc thêm