Hội Luật gia châu Á - Thái Bình Dương ra tuyên bố về vấn đề biển Đông

(PLO) - Tại Hội nghị Ban chấp hành thường niên của Hội Luật gia châu Á - Thái Bình Dương (COLAP), các đại biểu kêu gọi các nước liên quan tiếp tục tìm kiếm các giải pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp tại biển Đông.
Hình ảnh tại Hội nghị

Trong 2 ngày 3 và 4/8, Hội Luật gia châu Á - Thái Bình Dương (COLAP) tổ chức Hội nghị Ban chấp hành thường niên tại Bali, Indonesia. 

Trên 200 đại biểu đến từ các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương (Banglades, Indonesia, Ấn Độ, Nepal, Philippines, Việt Nam, Hàn Quốc, Triều Tiên…) và khách mời từ một số nước khác ngoài khu vực như Mỹ, Pháp, Italia... đã tham dự.

Ngoài việc bàn thảo các vấn đề về tổ chức và hoạt động của Hiệp hội, Hội nghị đã dành một ngày để tổ chức hội thảo bên lề về chủ đề “Khu vực hòa bình Tây Thái Bình Dương”, trong đó thảo luận nhiều vấn đề quan trọng của khu vực, đặc biệt là vấn đề Biển Đông - một vấn đề mà COLAP luôn theo dõi và quan tâm kể từ khi thành lập (2016) đến nay.

Tại Hội nghị, các đại biểu thể hiện sự quan ngại sâu sắc đối với các hoạt động xây dựng đảo nhân tạo và quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông, đặc biệt là hành động triển khai vũ khí và khí tài quân sự hạng nặng tại quần đảo Hoàng Sa và một số đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa, gây ra căng thẳng, đe dọa hòa bình và an ninh khu vực.

Các đai biểu dự Hội nghị.

Các đại biểu cho rằng các bên liên quan cần tuân thủ pháp luật quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS).

Đa số các đại biểu tại hội nghị cũng cho rằng phán quyết của Tòa trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước quốc tế về Luật Biển là một cơ sở quan trọng và có giá trị ràng buộc pháp lý đối với các bên liên quan trực tiếp là Trung Quốc và Philippines. 

Các đại biểu kêu gọi các nước liên quan tiếp tục tìm kiếm các giải pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp tại Biển Đông.

Cuối hội nghị, COLAP đã ra Tuyên bố về vấn đề Biển Đông như sau:

1. Cần thực hiện phi quân sự tại Biển Đông,

2. Cần lập tức chấm dứt các hoạt động làm gia tăng căng thẳng và nguy cơ xung đột tại Biển Đông,

3. Tìm kiếm các giải pháp quyết tranh chấp một cách hòa bình tại Biển Đông, bao gồm cả việc soạn thảo và thông qua Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông,

4. Tôn trọng và tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài trong vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc về Biển Đông,

5. Công nhận các quyền tự do hàng hải của các nước theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển.

Đọc thêm