Nếu xây dựng Đảng là nhiệm vụ “then chốt” thì công tác cán bộ là khâu “then chốt của then chốt”. Tuy nhiên, trong thời gian dài vừa qua, công tác cán bộ đang đặt ra nhiều vấn đề - từ tuyển chọn đến bổ nhiệm, giám sát- dẫn đến tình trạng thoái hóa biến chất của không ít cán bộ có chức quyền.
Công việc rất khó và rất quan trọng
Trước khi Hội nghị Trung ương 7 khoá XII diễn ra, từ đầu năm đến nay đã có nhiều hội nghị, hội thảo nhằm phát huy dân chủ, lắng nghe ý kiến để góp ý cho dự thảo Đề án trình Hội nghị lần này.
Chỉ ra những hạn chế trong công tác cán bộ, tại hội nghị tham gia ý kiến dự thảo Đề án diễn ra vào cuối tháng 1/2018, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính - Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng Đề án - cho rằng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, chồng chéo, nhiều tầng nấc, hoạt động kém hiệu quả. Cơ chế kiểm soát quyền lực và tình trạng chạy chức, chạy quyền vẫn là điều trăn trở, băn khoăn, lo lắng của cấp ủy Đảng. “Bởi vậy, nếu không có cuộc cách mạng đổi mới chính mình thì không thể xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh”, ông Chính nêu rõ, đồng thời nhấn mạnh: việc xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược là việc rất khó và rất quan trọng.
Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, tình hình đã có nhiều thay đổi, thực tiễn đã và đang đặt ra yêu cầu cấp thiết phải xây dựng được đội ngũ cán bộ đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ để nhanh chóng phát triển đất nước, tránh nguy cơ tụt hậu xa hơn so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
“Việc xây dựng đội ngũ cán bộ chiến lược, chủ chốt ở các cấp là vấn đề trọng tâm với hai đột phá, gồm: đánh giá, bổ nhiệm, tuyển dụng nhân tài và kiểm soát, thay thế cán bộ”, ông Chính cho hay.
Để có một đội ngũ lãnh đạo cấp chiến lược ngang tầm nhiệm vụ, nhiều ý kiến cho rằng người được lựa chọn phải là những người có tâm, có tầm, phải là những người thật sự trong sạch, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. “Người lãnh đạo, quản lý trong điều kiện mới vừa là chủ thể có những phẩm chất phù hợp với xã hội hiện đại, vừa có đủ năng lực để lãnh đạo, quản lý, thực hiện các nhiệm vụ cách mạng hiện nay… Họ luôn phải chủ động trong công việc, bên cạnh khả năng làm việc sáng tạo, độc lập, là việc duy trì kỷ luật và hợp tác, chia sẻ trong thực thi nhiệm vụ”, PGS.TS Vũ Văn Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản nêu quan điểm.
Không chỉ vậy, một số ý kiến cho rằng, người cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược phải đặt lợi ích của Đảng, của nhân dân lên trên lợi ích cá nhân; tuyệt đối nói không với tham ô, tham nhũng; càng không được vụ lợi theo kiểu “một người làm quan cả họ được nhờ”.
Tuy nhiên, câu hỏi day dứt luôn được đặt ra, đã có không ít cán bộ đáp ứng được phần lớn những tiêu chí trên, nhưng cuối cùng lại không không giữ được phẩm chất đạo đức trước cám dỗ của những vật chất tầm thường, để rồi dẫn đến bị kỷ luật, cách chức, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nguyên nhân thì có rất nhiều, có thể do công tác giáo dục, đào tạo bồi dưỡng chưa đến nơi đến chốn, cũng có thể liên quan công tác sử dụng, đánh giá, thưởng phạt, giám sát kiểm tra chưa nghiêm minh, còn nể nang, né tránh, giấu khuyết điểm… Bên cạnh đó, cũng phải nói rằng, chính sách đối với cán bộ thời gian qua còn nhiều bất cập, hạn chế như trả lương theo phương pháp cào bằng.
Đổi mới bắt đầu từ đâu?
Khắc phục tình trạng trên là cả một quá trình, trong đó việc quan trọng cần phải làm ngay là đổi mới quá trình tuyển chọn, đánh giá cán bộ. “Việc đánh giá cán bộ cấp chiến lược sẽ gắn với kết quả hoàn thành nhiệm vụ của lĩnh vực, ngành, địa phương và so sánh với các chức danh tương đương. Đánh giá để bổ nhiệm và bầu cử phải trực tiếp khảo sát, gặp gỡ, trao đổi đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan và tiếp nhận ý kiến phản ánh, đóng góp của cán bộ, đảng viên và nhân dân để nắm rõ cán bộ. Ban soạn thảo Đề án cũng đề xuất, việc bầu cử, bổ nhiệm cán bộ được thực hiện theo hướng mở rộng dân chủ, có số dư, cạnh tranh lành mạnh ở tất cả các chức danh.
Ứng viên phải trình bày chương trình hành động, cam kết chịu trách nhiệm, bầu cử kết hợp với thi tuyển”, ông Phạm Quang Hưng - Vụ trưởng Vụ IV, Ban Tổ chức Trung ương cho biết.
Đặc biệt, Ban soạn thảo Đề án cũng đề xuất xây dựng chiến lược quốc gia về nhân tài theo hướng không phân biệt đảng viên hay người ngoài Đảng; đưa ra cơ chế phát hiện, quy hoạch, đào tạo, bố trí cán bộ trẻ có bản lĩnh, năng lực nổi trội và triển vọng phát triển vào các vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả vượt cấp; thực hiện nhất quán việc bố trí bí thư cấp uỷ cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương.
Cùng với đó, để góp phần đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược trong tình hình mới, qua đó sử dụng cán bộ đúng năng lực, sở trường, một số chuyên gia đề xuất bổ sung tiêu chí đánh giá quá trình công tác. Khi đánh giá cần gắn với cơ chế “đánh giá hai chiều”: cấp trên đánh giá cấp dưới, cấp dưới góp ý đánh giá cấp trên.
“Đây là một kênh thông tin quan trọng góp phần nhận xét, đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược khách quan và khắc phục phần nào tình trạng nể nang trong phê bình góp ý xây dựng, phân loại cán bộ. Điều quan trọng nhất của việc lấy được nhận xét, đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý theo cơ chế “hai chiều” là tạo được động lực để mỗi cán bộ cấp chiến lược phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao tốt hơn”, ông Nguyễn Thế Trung, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương nói.
Ngoài việc siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong công tác cán bộ, cũng cần tạo môi trường làm việc thuận lợi cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp phát huy được hết khả năng và trí lực của mình. Bởi khi có được môi trường làm việc tích cực, khoa học và chủ động thì đây sẽ là động lực để khuyến khích và thu hút người có năng lực, trình độ thực sự cho công việc.