Hội thảo khoa học về nhiều hệ giá trị cốt lõi của xã hội Việt Nam trong thời kỳ mới

(PLVN) - Ngày 8/11, tại Bắc Ninh, Tỉnh ủy Bắc Ninh phối hợp cùng Ban Tuyên giáo Trung ương và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo Khoa học với chủ đề: “Triển khai thực hiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới gắn với thực tiễn Vùng đồng bằng sông Hồng” 

Hội thảo khoa học "Triển khai thực hiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới" có mục tiêu làm rõ và cụ thể hóa các hệ giá trị cốt lõi, phù hợp với Nghị quyết Đại hội Đảng XIII và chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Hội thảo do Tỉnh ủy Bắc Ninh, Ban Tuyên giáo Trung ương và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đồng tổ chức,.

Hội thảo có sự tham dự của đồng chí Đinh Thị Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; đồng chí Nguyễn Hương Giang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Bắc Ninh, cùng đại diện các tỉnh và chuyên gia văn hóa.

Quang cảnh buổi Hội Thảo

Hội thảo tập trung làm rõ nội dung và vai trò của các hệ giá trị quốc gia, văn hóa, gia đình, và chuẩn mực con người Việt Nam theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của Vùng đồng bằng sông Hồng.

Hội thảo nhấn mạnh vai trò chiến lược của Vùng đồng bằng sông Hồng trong lịch sử và kinh tế, với sự đóng góp lớn lao vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước từ thời Đông Sơn đến nay.

Hội thảo quy tụ nhiều tham luận, với 28 báo cáo từ các chuyên gia, cán bộ, nhà nghiên cứu tập trung làm sáng tỏ nhiệm vụ triển khai hệ giá trị văn hóa, gia đình, và chuẩn mực con người Việt Nam trong bối cảnh hiện đại, gắn với thực tiễn Đồng bằng sông Hồng.

Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Đinh Thị Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, khẳng định: Hệ giá trị quốc gia, văn hóa, gia đình, và chuẩn mực con người Việt Nam cần được triển khai đồng bộ, phù hợp thực tiễn vùng, nhằm phát huy tối đa các lợi thế vượt trội của Đồng bằng sông Hồng và góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc; Sự phát triển bền vững của các giá trị gia đình "ấm no, hạnh phúc, tiến bộ" và giá trị văn hóa "dân tộc, dân chủ, nhân văn" sẽ giúp củng cố nền tảng tinh thần vững mạnh cho đất nước.

PGS. TS Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, nhận định: khu vực Đồng bằng sông Hồng không chỉ là một trung tâm kinh tế mà còn là một kho tàng di sản văn hóa phong phú và đa dạng, góp phần quan trọng trong việc tạo dựng bản sắc văn hóa quốc gia nhờ tài nguyên thiên nhiên phong phú, vị trí địa lý thuận lợi và nền văn hóa lịch sử giàu truyền thống.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã đưa ra các phương hướng cụ thể nhằm gìn giữ và phát huy các hệ giá trị này, trong đó nhấn mạnh vai trò của giáo dục và truyền thông trong việc xây dựng con người Việt Nam với các phẩm chất tốt đẹp, phù hợp với thời kỳ mới.

Bên cạnh đó, các đại biểu nêu rõ tầm quan trọng của văn hóa và con người như mục tiêu và động lực phát triển xã hội. Tỉnh Hải Dương chia sẻ cách địa phương đang cụ thể hóa các giá trị văn hóa truyền thống, như lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết và trách nhiệm xã hội, nhằm đạt được các mục tiêu phát triển toàn diện. Văn hóa Việt Nam, với những giá trị gốc rễ như lòng yêu nước, ý chí tự cường và tinh thần cộng đồng, được xem là cốt lõi cần gìn giữ trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Đọc thêm