Trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay, việc tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu có chọn lọc những giá trị tư tưởng lớn của triều vua Lê Thánh Tông để vận dụng trong thực tiễn cải cách pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp và xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là một hoạt động có ý nghĩa thiết thực đối với cả nước cũng như đối với từng địa phương.
Trình bày tham luận; Bàn về tư tưởng đức trị và pháp trị trong đạo trị quốc, an dân của Vua Lê Thánh Tông và bài học kinh nghiệm cho công việc quản trị quốc gia hiện nay. TS. Uông Chu Lưu, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định; Lịch sử diễn biến không ngừng, nhưng bài học về kết hợp pháp luật và đạo đức trong sự nghiệp trị quốc, an dân của Lê Thánh Tông vẫn còn có ý nghĩa to lớn đối với thời đại ngày nay. Ví dụ như, ý tưởng về một xã hội tốt đẹp, về một nền pháp luật công bằng, với một nền đạo đức chân chính của nhân dân lao động cũng là một trong những điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt quá trình Người đi tìm đường cứu nước trăn trở, đeo đuổi. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc qua các kỳ đều khẳng định vai trò của pháp luật và vai trò của đạo đức trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội.
Gần đây, Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã tiếp tục khẳng định: "Bảo đảm pháp luật vừa là công cụ để Nhà nước quản lý xã hội, vừa là công cụ để Nhân dân làm chủ, kiểm tra, giám sát quyền lực nhà nước. Quản lý đất nước theo pháp luật, đồng thời coi trọng xây dựng nền tảng đạo đức xã hội."...Phương hướng tiếp theo là cần xác định các giá trị đạo đức nào gắn kết với quá trình phát triển của xã hội, nhất là các giá trị đạo đức đóng vai trò động lực thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Thêm vào đó, cũng cần lưu ý rằng, công nghiệp hóa và hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế thị trường, mở cửa, hội nhập, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đòi hỏi phải có những chuẩn mực đạo đức mới. Các giá trị đạo đức được thừa nhận chung ở Việt Nam là đạo đức truyền thống của dân tộc và đạo đức của xã hội mới mà chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, toàn cầu hóa hiện nay, Việt Nam muốn phát triển xã hội theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì ngoài các chuẩn mực đạo đức chung nói trên phải phát triển các chuẩn mực đạo đức vốn được xem là động lực của công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Nhà nước phải coi các giá trị đạo đức là cơ sở tinh thần vững chắc cho hoạt động của mình từ hoạt động lập pháp, hành pháp, đến tư pháp. Pháp luật phải lấy các giá trị đạo đức tốt đẹp, lấy công bằng, nhân bản và hiệu quả làm cơ sở. Pháp luật phải tôn trọng, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Pháp luật cần tạo cơ hội như nhau cho mọi tài năng đều có thể được phát triển. Pháp luật phải tạo lập một tinh thần bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa các công dân vì các lý do về nguồn gốc xuất thân, tình trạng tài sản, giới tính, tạo ra những cơ hội bình đẳng thực sự cho mọi người dân theo đúng quy định của Hiến pháp “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội ” (Điều 16 Hiến pháp năm 2013).
Khái quát những thành tựu trong cải cách pháp luật và xây dựng bộ máy nhà nước dưới triều Vua Lê Thánh Tông. Ts. Phan Chí Hiếu, thứ trưởng Bộ Tư pháp trình bày: Triều đại Lê Thánh Tông đã tạo ra một bước tiến lớn về kỹ thuật lập pháp và pháp điển hóa. Điều này dễ nhận thấy trong lĩnh vực luật hình sự, đặc biệt là các quy định về hình phạt. Thời Lý - Trần đã tồn tại hệ thống hình phạt ngũ hình là xuy, trượng, đồ, lưu, tử. Điều 1 Bộ luật Hồng Đức tiếp tục công nhận các loại hình phạt này. Tuy nhiên, Bộ luật Hồng Đức đã đưa ra những quy định cụ thể hơn về các hình phạt và cá thể hóa thành những mức độ khác nhau tương ứng với mức độ nặng - nhẹ của hành vi.
Những cải cách pháp luật của triều vua Lê Thánh Tông đã đề cao tư tưởng “trọng pháp”. Trong gần 40 năm trị vì, Lê Thánh Tông đã đề ra những chính sách phát triển đất nước với tư tưởng “trọng pháp” khá rõ ràng. Ông khẳng định với quần thần: “pháp luật là phép công của nhà nước, ta và các ngươi đều phải tuân theo” và “đặt luật để trừ kẻ gian, sao dung được cho bọn coi thường pháp luật”...
Một trong những tham luận tại hội nghị nêu bật tính thời sự hiện nay là ”Quy định về tội phạm và hình phạt trong Quốc triều hình luật từ góc nhìn đương đại” của Ts. Nguyễn Sơn, phó Chánh án tòa án nhân dân tối cao. Quốc triều hình luật được xây dựng với kỹ thuật lập pháp khá cao, về cơ cấu có các điều các chương và giữa chúng đã có sự hài hòa, thống nhất nhất định. Các điều luật trong bộ luật này được xây dựng bằng cách mô tả các hành vi cụ thể và tương ứng với nó là các hình phạt, ngoài ra trong vấn đề phân loại tội phạm đã có sự cụ thể hóa trách nhiệm hình sự của cá nhân người phạm tội. Quốc triều hình sự đã bao gồm khá đầy đủ các nhóm tội phạm có tính chất truyền thống.
Có thể nói Quốc triều hình luật là công trình pháp điển hóa đồ sộ trong lịch sử lập pháp Việt Nam, các quy phạm pháp luật trong bộ luật được thể hiện rõ ràng cụ thể, không cần phải hướng dẫn khi áp dụng. Một đặc trưng nữa của bộ luật này là:”Tuy ra đời cách đây hơn 500 năm nhưng gần như tất cả các tội danh được coi là cơ bản theo luật hình sự hiện đại đều được quy định trong Quốc triều hình luật”. Ngoài ra, có những vấn đề cho đến tận ngày nay chúng ta cần phải tiếp tục nghiên cứu như: chịu hình phạt thay; nguyên tác chuộc tội bằng tiền...
Tại hội thảo, trình bày về” Kinh nghiệm đào tạo, bồi dưỡng của Vua Lê Thánh Tông và những bài học đối với công tác giáo dục, đào tạo trong giai đoạn hiện nay”. NGƯT.PGS.TS. Nguyễn Mạnh An, Hiệu trưởng trường Đại học Hồng Đức nhấn mạnh; Từ kinh nghiệm đào tạo bồi dưỡng hiền tài của Lê Thánh Tông là phải thực sự coi giáo dục, khoa học là quốc sách hàng đầu, xây dựng thành công một xã hội học tập. Đây là chìa khóa đưa đất nước vươn tới giầu mạnh. Phải thực sự coi ”hiền tài là nguyên khí quốc gia” có cơ chế chính sách đồng bộ trong đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng hiền tài đồng thời phải nâng cao chất lượng, khắc phục những hạn chế của giáo dục đào tạo và tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, gìn giữ phát huy nền văn hóa dân tộc.
Nhìn lại chất lượng giáo dục hiện nay, có lúc có nơi còn xem nhẹ việc giáo dục văn hóa, truyền thống dân tộc, giáo dục đạo đức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân cho người học. Tình trạng thế hệ trẻ học sinh, sinh viên không thích tìm hiểu, ít hiểu biết lịch sử văn hóa, truyền thống cội nguồn dân tộc, chạy theo lối sống thực dụng...đang là thực tế đáng báo động. Trong chương trình giáo dục phổ thông, các môn khoa học xã hội như Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân...đang bị xem nhẹ, thậm chí có lúc bị đẩy xuống môn học phụ...
Phát biểu bế mạc hội thảo TS. Lê Thành Long - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư khẳng định: Khẳng định các tham luận và các ý kiến tham gia đóng góp đều có giá trị thực tiễn cao, các tham luận đều được chuẩn bị công phu, đi vào chi tiết và sát với thực tế. Các nội dung trong hội thảo lần này phần lớn là sự chuyển tải tư tưởng của Vua Lê Thánh Tông dây là sự tiếp nối trong dòng chảy tư tưởng, dòng chảy văn hóa có sự chắt lọc tinh hoa các giá trị phổ quát vượt thời gian.
Tư tưởng trọng dân, đức trị pháp trị với yếu tố con người là quan trọng nhất, thiết lập một hệ thống pháp luật đồng bộ từ pháp luật nội dung tới pháp luật tố tụng, trong bộ máy đó phải vẫn hành rõ ràng nhưng thường xuyên kiểm tra giám sát. Ngoài những hệ tư tưởng liên quan đền pháp luật Bộ trưởng đề nghị các đơn vị xây dựng pháp luật đào sâu hơn về tư tưởng nhân bản dành cho các đối tượng yếu thế, các tư tưởng về bình đẳng.
Bộ trưởng đề nghị các đơn vị chức năng của Bộ tư pháp sau hội thảo tổng hợp thành báo cáo chi tiết để gửi đến Thủ tướng chính phủ và các cơ quan xây dựng pháp luật. Đề nghị các nhà khoa học đóng góp thêm ý kiến để hoàn thiện cho việc xuất bản kỷ yếu, đồng thời đề nghị các cơ quan truyền thông báo chí thông tin rộng rãi về kết quả của hội thảo lần này. Bộ trưởng đề nghị trường Đại Học luật và các cơ sở đào tạo của Bộ Tư pháp nghiên cứu để tăng thời lượng đào tạo những giá trị tư tưởng của Bộ luật Hồng Đức và các tư tưởng điển hình dưới thời Vua Lê Thánh Tông...