Hội thi Quan họ Bắc Ninh: Gìn giữ câu dân ca mùa trẩy hội

(PLVN) - “Ai về Kinh Bắc quê em/ Mà nghe quan họ, mà xem làng nghề”. Về với Bắc Ninh, một phần của xứ Kinh Bắc, ai ai cũng đều phải say đắm trước làn điệu dân ca Quan họ thiết tha mà đằm thắm.

Hội thi Quan họ Bắc Ninh: Gìn giữ câu dân ca mùa trẩy hội “Ai về Kinh Bắc quê em Mà nghe quan họ, mà xem làng nghề”. Về với Bắc Ninh, một phần của xứ Kinh Bắc, ai ai cũng đều phải say đắm trước làn điệu dân ca Quan họ thiết tha mà đằm thắm. Những câu hát dân ca được truyền lại qua từng thế hệ con người nơi đây, qua bao nhiêu năm tháng vẫn gìn giữ được nét đẹp dịu dàng vốn có. Hàng năm, cứ mỗi dịp Xuân sang thì tại từng làng Quan họ cổ đều rộn ràng không khí lễ hội với những khúc hát, những câu dân ca đã làm nên chất trữ tình rất riêng của những con người nơi ấy. Từ khi trở thành di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Câu hát Quan họ đã không chỉ ngân nga dưới mái đình, sau lũy tre xanh mà đã vươn tầm ra với thế giới bao la, rộng lớn. Bước ngoặt ấy đã đem đến cho câu dân ca Quan họ làn gió mới, cho con người Quan họ một hành trình mới, hành trình của nuôi dưỡng, truyền dạy, bảo tồn, phát triển và hòa nhập với những nền văn hóa phương xa. Người ta hát Quan họ nhiều nhất là vào mùa lễ hội, ngoài những lễ hội tại các làng truyền thống, giờ đây có một lễ hội đương đại đã mang đến cho câu dân ca Quan họ một sắc màu mới, những âm thanh mới. Hội thi hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh là một lễ hội thi Hát dân ca Quan họ đương đại thường được tổ chức vào ngày mùng 10 tháng Giêng và kéo dài trong 3 ngày. Hội thi mang đúng tinh thần của một cuộc cạnh tranh, được tổ chức nhằm thúc đẩy, gìn giữ, phát huy văn hóa Quan họ, tạo không gian giao lưu rộng mở nơi mà các liền anh, liền chị sẽ khẳng định giọng hát của mình, nối tiếp, phát huy giọng hát của quê hương Là một hội thi đương đại, cho nên câu Quan họ được các liền anh, liền chị thể hiện với những sắc thái vô cùng mới mẻ. Trong hội thi, Dân ca Quan họ được thể hiện ở cả hình thức truyền thống và hình thức mới với 2 phần thi là thi hát đối đáp và thi hát có nhạc đệm. Nhận định về hai hình thức so tài của hội thi, ông Ngô Văn Sàng - nghệ nhân Quan họ của làng Viêm Xá (hay còn gọi là Làng Diềm) đã có những nhận định: “Thi Dân ca Quan họ sau này, gần đây nhà nước có mở, cứ vào ngày mùng 10 tháng Giêng đến 13 tháng Giêng, là thi hát Quan họ cổ tại trung tâm văn hóa tỉnh bắc ninh. Quan họ sân khấu đến giờ mới có, để phù hợp với đường lối phát triển văn hóa của Nhà nước. Còn dân ca Quan họ cổ, người ta hát không có nhạc”. Hội thi hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh được đã được chính quyền Bắc Ninh lên kế hoạch tổ chức nhằm thúc đẩy câu ca Quan họ địa phương bắt kịp với quá trình hội nhập, vươn tầm quốc tế. Hội thi hàng năm đã thu hút hàng trăm nghệ sĩ, hàng trăm các liền anh, liền chị đến từ các làng Quan họ truyền thống, đến từ các câu lạc bộ Quan họ trên toàn tỉnh. Phần thi hát có nhạc đệm của hội thi thể hiện tinh thần đổi mới, sáng tạo, đem những màu sắc tươi mới vào trong từng lời ca. Nhưng phần hấp dẫn nhất của hội thi là phần thi hát đối đáp, được chia ra thành 2 nội dung là hát đối đáp 50 câu và 150 câu. Đây mới là phần thi thể hiện rõ nhất những nét tinh túy, những tình cảm sâu sắc của con người Quan họ. Nếu có ai yêu mến, hoặc muốn được thưởng thức những giọng ca đậm chất Quan họ, được lắng nghe câu dân ca Quan họ cổ thì chắc chắn không thể bỏ lỡ phần thi này. Là một hội thi cấp tỉnh, rất khó để cho các liền anh, các liền chị giành giải một cách dễ dàng. Tìm gặp nhạc sĩ Lê Thị Ngọc Lương, một trong những nhạc sĩ trẻ tiêu biểu của quê hương Quan họ, lắng nghe chia sẻ của cô mới thấy được những khó khăn trên hành trình chạm đến đỉnh vinh quang của những liền anh, liền chị “Nếu như nội dung 50 câu phải thuộc đủ 50 câu, gắp thăm, gắp được bài nào chơi bài đấy. Gắp được câu đối thì bên kia phải ra, nếu không ra câu đối được thì là thua. Có những người thi 7-8 năm mới được giải khuyến khích, và thường thường nếu có được giải cao, có người thi tới mười tám năm mới được giải nhất. Năm nào cũng thi như thế.” Hội thi hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh được tổ chức này 10 đến 13 tháng Giêng, những ngày đầu năm, gần với thời điểm tổ chức hội làng của những làng Quan họ truyền thống. Điều đó khiến cho không khí lễ hội đầu Xuân của quê hương Quan họ càng thêm phần nhộn nhịp. Từ hội làng cho đến hội thi toàn tỉnh, nơi đâu trên mảnh đất ấy cũng có thể bắt gặp giọng ca của những con người Quan họ mến khách, trọng tình. Tất cả tạo nên một không khí mùa Xuân rộn ràng, đằm thắm cho quê hương Bắc Ninh. Này đây những anh Hai với tấm áo the khăn xếp, những chị Ba với đôi má lúm đồng tiền tủm tỉm và đôi mắt bồ câu long lanh, những miếng trầu têm cánh phượng, những câu hát giao duyên, mời gọi những người khách phương xa, những bạn bè lại chơi, mời lại để lắng nghe cái tình gửi trong từng giai điệu, từng khúc ca ngày Xuân về. Chính bởi sự tươi tắn của cảnh vật ngày Xuân, sự hiếu khách của con người Quan họ mà nhạc sĩ Ngọc Lương đã cho ra đời một ca khúc Quan họ đương đại “Trẩy Hội Xuân”, một ca khúc gợi cho mỗi người Quan họ niềm hân hoan, mong chờ về những ngày hội Xuân tấp nập nhưng vẫn nhẹ nhàng, thiết tha và đầy duyên dáng. Trong không khí rộng ràng hân hoan mừng năm mới, kính chúc quý vị thính giả có một năm mới hạnh phúc, mạnh khỏe, an khang, thịnh vượng. Và sau đây, kính mời quý vị cùng lắng nghe một đoạn ca khúc “Trẩy Hội Xuân” do nhạc sĩ Ngọc Lương sáng tác, để cùng thấm thía vẻ đẹp của con người, của lễ hội mỗi mùa Xuân trên quê hương Kinh Bắc. Nhạc: “Trẩy Hội Xuân” (Sáng tác Ngọc Lương)

-Gia Long-

Đọc thêm