Hơi thở cuộc sống vào trong nghị trường

(PLO) - Từ 13/6 đến 15/6, theo chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV sẽ đi vào những ngày cuối của nghị sự với phần chất vấn của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH). Mỗi năm có 2 kỳ họp, mỗi kỳ họp cử tri cả nước quan tâm theo dõi phần “nghị sự” này. Tương tự, các kỳ họp HĐND địa phương, cử tri địa phương cũng đặc biệt quan tâm nội dung chất vấn và trả lời chất vấn của cơ quan có trách nhiệm. Đó là sự quan tâm chính đáng.

Tại kỳ họp này của QH, về thời gian chất vấn và trả lời chất vấn, kế hoạch trước đây là 2,5 ngày. Nhưng rất nhiều ĐB và cử tri yêu cầu tăng thời gian chất vấn, Ủy ban Thường vụ QH đã thống nhất tăng thời gian chất vấn và trả lời chất vấn lên 3 ngày. 3 ngày vẫn quá ít, tất nhiên, hiện tại không thể bố trí thêm bởi QH còn thực hiện nhiều chương trình khác của kỳ họp. 

Tại phiên khai mạc, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân long trọng đề nghị ĐBQH tăng tính thảo luận góp phần cho thành công của kỳ họp, đáp ứng nguyện vọng của cử tri và người dân. Thế mới biết, cử tri quan tâm, lãnh đạo QH đều biết. Theo dõi ngày đầu thảo luận thấy buồn, vui lẫn lộn. 

Cử tri cả nước đang quan tâm vấn đề gì? Theo báo cáo, có 48 đoàn ĐBQH gửi văn bản xin ý kiến đề xuất về nhóm vấn đề chất vấn tại Kỳ họp thứ 3.

Trong đó, nhiều ĐBQH muốn chất vấn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về 4 nhóm vấn đề như: về chủ trương di dời các trường đại học, bệnh viện ra khỏi nội thành (Hà Nội,TPHCM) để giải quyết ùn tắc giao thông; cơ chế chính sách tài chính - ngân sách đặc thù cho TPHCM; tăng trưởng tín dụng, tái cơ cấu; điều tiết kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế; giải pháp tăng sản lượng sản xuất, xuất nhập khẩu, hướng xử lý các dự án “nghìn tỷ” đắp chiếu và việc xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan; nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ thấp, giải pháp khắc phục;

Làm rõ việc xử lý 12 đại án tham nhũng và giải pháp thu hồi tài sản bị thất thoát; công tác chỉ đạo, điều hành, thực hiện kỷ cương, trật tự trong quản lý, điều hành tránh tình trạng “trên nói dưới không nghe”, đẩy việc lên cấp trên, trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu; Cùng với đó là giải pháp sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước khắc phục tình trạng cồng kềnh, chồng chéo... Đây là những vấn đề lớn của đất nước. 

Công bằng mà nói, hoạt động chất vấn tại QH đã mang được hơi thở cuộc sống vào trong nghị trường, góp phần định hướng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của nước ta trong năm năm qua. Đáng tiếc, nhiều chất vấn, trả lời chất vấn của “thủ lĩnh” ngành chưa đúng tầm, đáp ứng kỳ vọng của cử tri. Vấn đề nâng cao kinh nghiệm cuộc sống, bản lĩnh dám nói thật, nói thẳng và mang tính xây dựng, đúng tầm, đạt tầm của ĐBQH và trả lời cho thấu đáo, giải quyết triệt để lời hứa với cử tri vẫn là “khâu yếu” của diễn đàn QH.

Hy vọng, những ngày tới các ĐBQH biết mình đang là đại biểu của dân để nói đúng tiếng nói của dân và các Bộ trưởng, Thủ tướng trả lời chất vấn đáp ứng nguyện vọng của ĐBQH cũng như cử tri cả nước. 

Đọc thêm