Kỳ thi ĐGNL được tổ chức ở 25 tỉnh/thành gồm, Trung và Nam Trung Bộ: Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận; Tây Nguyên: Đắk Lắk và Lâm Đồng; Đông Nam Bộ: TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước và Tây Ninh; Tây Nam Bộ: Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang, Cần Thơ, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau.
![]() |
Nhiều thí sinh đã có mặt từ sớm tại điểm thi. |
Ngay từ sáng sớm, nhiều thí sinh đã có mặt tại điểm thi Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQG-HCM cơ sở Linh Trung; Trường ĐH Bách khoa; Trường ĐH Ngoại thương Cơ sở II tại TP HCM; Trường ĐH Công nghệ thông tin... Không khí không kém phần căng thẳng trước khi các thí sinh bước vào phòng thi tại các cụm thi. Trường hợp đặc biệt, thí sinh Phạm Vũ Lâm Tấn (Lâm Đồng) quên CCCD được hỗ trợ mang tới trong thời gian ngắn.
![]() |
![]() |
Thí sinh Nguyễn Minh Bằng, Trường PTTH Bình Chiểu, TP Thủ Đức, chia sẻ rất hồi hộp khi tham gia kỳ thi vì chương trình mới và Bằng ôn chưa thật sự chắc chắn. Tuy nhiên Bằng sẽ cố gắng hết sức để đạt kết quả cao.
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền (sinh năm 1968, ngụ Bình Dương) dậy từ sáng sớm để chở con gái đến điểm thi. Bà Hiền nói: “Năm nay lượng thí sinh đông, đề thi lại có sự đổi mới nên tôi cũng khá lo. Tuy nhiên, tôi động viên rằng hiện tại các con có nhiều cơ hội dự tuyển vào các trường đại học và đây chỉ là cơ hội đầu tiên. Mong con không quá căng thẳng và xem đây là một cơ hội để tích lũy kinh nghiệm cho những đợt thi sau”.
![]() |
Phụ huynh và người thân ngồi chờ các thí sinh. |
Sinh viên Lý Ngọc Thắm, Trường ĐH Khoa học tự nhiên cho biết, đây là lần đầu Thắm tham gia công tác tình nguyện, hỗ trợ thí sinh. Ngọc Thắm từng dự thi Đánh giá Năng lực nên thấu hiểu cảm xúc của thí sinh. Cô mong muốn hỗ trợ để thí sinh bước vào phòng thi với tâm lý thoải mái nhất.
Đại diện lãnh đạo ĐHQG-HCM cho biết, năm 2025 đánh dấu sự thay đổi quan trọng của giáo dục Việt Nam, với việc chương trình giáo dục phổ thông 2018 (GDPT 2018) được áp dụng cho tất cả các bậc học. Lứa học sinh đầu tiên của chương trình GDPT 2018 bắt đầu tốt nghiệp THPT và tham gia tuyển sinh ĐH.
![]() |
Các tình nguyện viên nhiệt tình hướng dẫn các thí sinh. |
Chương trình GDPT 2018 được chính thức ban hành ngày 26/12/2018 theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT và được điều chỉnh vào tháng 8/2022 với Thông tư số 13/2022/TT-BGDĐT. Chương trình GDPT 2018 đảm bảo phát triển phẩm chất và năng lực học sinh thông qua nội dung giáo dục hiện đại, chú trọng thực hành và vận dụng kiến thức vào thực tế.
Trên lí thuyết, có tổng cộng 126 tổ hợp môn học có thể được học sinh lựa chọn. Trong thực tế, phương án chọn tổ hợp môn học của học sinh THPT là rất đa dạng. Số liệu thống kê về chọn môn học tại TP HCM cho thấy các môn Vật lí, Hóa học, Tin học có khoảng 55% đến 70% học sinh lựa chọn; các môn Sinh học, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật có khoảng 40% đến 50% học sinh lựa chọn, môn Công nghệ có khoảng 25% học sinh lựa chọn, các môn Âm nhạc, Mĩ thuật có ít học sinh lựa chọn hơn với khoảng 2% đến 3%.
![]() |
Các thí sinh đang xem sơ đồ phòng thi. |
Từ năm 2022, ĐHQG-HCM đã xây dựng và đánh giá các phương án điều chỉnh cấu trúc đề thi ĐGNL để áp dụng từ năm 2025. Việc điều chỉnh phải bảo đảm tuân thủ hai nguyên tắc: (1) đánh giá chính xác năng lực học đại học của thí sinh; (2) bảo đảm công bằng và tạo cơ hội bình đẳng trong tiếp cận giáo dục đại học cho tất cả thí sinh nhất là khi sự chọn lựa các môn học của các em là rất đa dạng.
Về tổng thể, đề thi ĐGNL ĐHQG-HCM từ năm 2025 vẫn bao gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm khách quan đã lựa chọn, thời gian làm bài là 150 phút, thực hiện thi trên giấy. Kết quả thi được xác định bằng phương pháp trắc nghiệm hiện đại theo lí thuyết ứng đáp câu hỏi (Item Response Theory - IRT). Điểm của từng câu hỏi có trọng số khác nhau tùy thuộc vào độ khó của câu hỏi. Điểm thi được quy đổi theo từng phần. Điểm số tối đa của bài thi là 1.200 điểm, trong đó điểm tối đa từng thành phần của bài thi được thể hiện trên phiếu điểm gồm: Tiếng Việt là 300 điểm, Tiếng Anh là 300 điểm; Toán học là 300 điểm và Tư duy khoa học là 300 điểm.
![]() |
Hồi hộp bước vào phòng thi. |
Cấu trúc và nội dung đề thi ĐGNL ĐHQG-HCM cho năm 2025 có nhiều nét tương đồng với các đề thi chuẩn hóa quốc tế như Scholastic Assessment Test (SAT) của Hoa Kỳ, Psychometric Entrance Test (PET) của Israel và General Aptitude Test (GAT) của Thái Lan, nhằm đánh giá năng lực tổng quát của học sinh theo chuẩn quốc tế, giúp đảm bảo tính công bằng, tạo cơ hội bình đẳng trong tiếp cận giáo dục đại học cho tất cả thí sinh.
![]() |
Giờ phút tập trung để thể hiện năng lực và kiến thức sau 12 năm đèn sách của các thí sinh. |
![]() |
Kết quả thi ĐGNL ĐHQG-HCM là căn cứ đáng tin cậy để đánh giá năng lực cơ bản để học đại học của thí sinh. Các kiến thức, kỹ năng, năng lực chuyên biệt ứng với các chương trình đào tạo ở những lĩnh vực cụ thể có thể được đánh giá thông qua các tiêu chí bổ sung như kết quả học tập THPT, kết quả thi THPT, kết quả các bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt, thành tích hoạt động khoa học, văn hóa, xã hội của thí sinh.
Từ năm 2025, ĐH Quốc gia TP HCM chỉ cấp giấy chứng nhận kết quả thi dạng điện tử, không cấp dạng bản giấy. Thí sinh có thể tải giấy này từ tài khoản cá nhân và sử dụng để đăng ký xét tuyển.
Năm 2025, hơn 100 trường ĐH và CĐ đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP HCM để xét tuyển. Trước đó, năm 2024 kỳ thi đã giúp ĐH Quốc gia TP HCM tuyển được hơn 9.200 sinh viên, chiếm hơn 38% tổng chỉ tiêu tuyển sinh toàn hệ thống.