Mỹ là vùng dịch lớn nhất thế giới với 554.226 ca nhiễm Covid-19, tăng 29.323 trường hợp so với hôm qua, trong đó 21.994 người chết.
Số người chết ở New York đã chậm lại, với 758 người chết trong tiểu bang, giảm so với từ 783 ngày hôm trước.
Các quan chức y tế công cộng cao cấp đã đẩy lùi sự háo hức của Tổng thống Donald Trump mở lại đất nước một cách nhanh chóng, khi một nhân vật cấp cao của Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo rằng Covid-19 sẽ trở thành một loại virus rình rập loài người trong một thời gian dài. Chuyên gia y tế cảnh báo số người chết tại Mỹ có thể tăng lên 200.000 vào mùa hè nếu các biện pháp hạn chế đi lại và cách biệt cộng đồng được gỡ bỏ sau 30 ngày.
Tây Ban Nha ghi nhận thêm 3.804 ca nhiễm và 603 người chết, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 166.831 và 17.209. Số người chết hàng ngày của Tây Ban Nha đã tăng sau khi giảm trong ba ngày liên tiếp, với 619 trường hợp tử vong mới được xác nhận trong 24 giờ qua so với 510 ngày trước đó.
Là vùng dịch lớn nhất châu Âu và lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ, Chính phủ Tây Ban Nha đã ra lệnh kéo dài lệnh phong tỏa toàn quốc tới ngày 25/4 và có thể gia hạn dù tình hình dịch bệnh có nhiều tín hiệu tích cực.
Ý phát hiện 4.092 ca nhiễm mới, nâng số ca nhiễm toàn quốc lên 156.363, trong đó 19.899 người chết, tăng 431 ca. Số người chết ở Ý đã tiếp tục chậm lại, báo cáo đã có 430 người chết vào Chủ nhật - mức tăng hàng ngày thấp nhất kể từ ngày 19/3.
Ý đã ra lệnh cho 149 người di cư trên một con tàu cứu hộ phải được cách ly và kiểm tra Covid-19 trước khi họ có thể rời đi.
Chính phủ nước này đã gia hạn phong tỏa đến 3/5, nhưng cho phép một số loại cửa hàng mở lại vào tuần tới, như hiệu sách, tiệm văn phòng phẩm và cửa hàng bán quần áo trẻ em.
Pháp là vùng dịch lớn thứ 4 thế giới với 132.591 người nhiễm bệnh và 14.393 người chết, tăng lần lượt 2.937 và 561 ca so với hôm trước. Pháp phong tỏa toàn quốc từ ngày 17/3, dự kiến kéo dài đến 15/4, nhưng có thể sẽ gia hạn phong tỏa vì biện pháp này đang cho thấy tính hiệu quả trong kiềm chế dịch.
Đức báo cáo thêm 2.402 ca nhiễm, nâng tổng số người nhiễm Covid-19 lên 127.854, trong đó 3.022 người chết. Chính phủ Đức đã đóng cửa hầu hết cửa hàng, trường học và cấm tụ tập quá hai người ít nhất đến 19/4.
Anh là vùng dịch lớn thứ năm châu Âu với 84.279 người nhiễm. Số ca tử vong trong 24 giờ qua tăng thêm 737, nâng số người chết vì Covid-19 lên 10.612. Chính phủ Anh đang phải đối mặt với những chỉ trích, đặc biệt là việc không đảm bảo đủ các thiết bị và xét nghiệm bảo vệ cá nhân cho hệ thống y tế và nhân viên chăm sóc khi số người chết trong nước đã vượt qua 10.000. Điều này đúng theo một cảnh báo rằng Vương quốc Anh có thể trải qua số tử vong do Covid-19 cao nhất châu Âu.
Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 12/4 xuất viện ở London và sẽ tiếp tục điều trị Covid-19 tại nhà nghỉ dưỡng ở vùng ngoại ô Chequers. Trong video đăng trên Twitter sau khi rời bệnh viện, ông gửi lời cảm ơn tới Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) Anh vì đã "cứu mạng mình".
Tại châu Á, Iran vẫn là vùng dịch lớn thứ hai sau Trung Quốc, với 71.686 ca nhiễm và 4.474 người chết.
Còn tại Đông Nam Á, Malaysia đã báo cáo 153 trường hợp được xác nhận mới về Covid-19, nâng tổng số lên 4.683, vẫn cao nhất ở Đông Nam Á. Malaysia đã thêm ba trường hợp tử vong do virus này để nâng tổng số lên 76.
Bộ Y tế Philippines đã báo cáo số ca tử vong kỷ lục trong một ngày, sau khi họ bắt đầu xét nghiệm hàng loạt, dự kiến sẽ dẫn đến sự gia tăng số lượng nhiễm trùng được xác nhận. Theo đó, Philippines xác nhận thêm 50 trường hợp tử vong do Covid-19, đưa tổng số người đã chết lên tới 297 người. Philippines cũng ghi nhận 220 trường hợp mới, nâng tổng số lên 4.648.
Indonesia có tổng số 4.241 ca nhiễm, nhưng là nước có số người chết cao nhất khu vực với 373 trường hợp, tăng 46 ca so với hôm trước. Singapore tăng thêm 233 ca nhiễm, nâng tổng số lên 2.532, nhưng không có thêm ca tử vong nào trong ngày hôm qua. Thái Lan đã báo cáo 33 trường hợp nhiễm mới, nâng tổng số trường hợp mắc bệnh lên 2.551 ca, trong đó có 38 người tử vong.