Tham dự hội thảo có đại diện UBND huyện Phú Lộc, lãnh đạo thị trấn, các xã cùng đại diện các đơn vị liên quan, đại diện Ban quản lý Vườn quốc gia Bạch Mã.
Tại hội thảo, ông Mai Quốc Bảo, Giám đốc công ty TNHH SX TM DV Lộc Mai đã giới thiệu mục đích chính của dự án là Bảo tồn và phát triển nguồn nguyên liệu cây vả và chế biến các sản phẩm từ quả vả gắn với việc bảo tồn đa dạng sinh học và tạo sinh kế bền vững cho người dân.
Mục tiêu tổng thể của dự án là thông qua việc phát triển vùng nguyên liệu cây vả và chế biến các sản phẩm từ quả vả hướng tới tạo sinh kế bền vững gắn với việc bảo tồn sinh học cho 235 hộ dân đang sinh sống trong vùng đệm vườn quốc gia Bạch Mã. Cụ thể, các hoạt động sẽ được triển khai trên địa bàn xã Lộc Trì, Lộc Bình, Xuân Lộc, Lộc Hòa và thị trấn Phú Lộc, huyện Phú Lộc, tỉnh TT- Huế từ tháng 4/2019 đến tháng 8/2020 với tổng kinh phí 2,25 tỉ đồng. Dự án do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ thông qua Dự án Trường Sơn Xanh.
Các sản phẩm được làm từ quả vả |
Ngoài ra dự án còn bảo tồn, phục tráng số lượng cây vả hiện có trong vườn hộ và tập huấn khai thác bền vững vả trong tự nhiên cho 75 hộ; Đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm từ quả vả; Thành lập các tổ hợp tác, tạo thêm nguồn thu nhập cho các hộ, làm giảm thiểu áp lực vào vườn quốc gia Bạch Mã, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học…
Ông Mai Quốc Bảo cho biết, thông qua các hoạt động, tiểu dự án này sẽ góp phần vào mục tiêu nâng cao sinh kế và an sinh xã hội cho cộng đồng dân cư sống tại vùng đệm vườn quốc gia Bạch Mã. Giảm nguy cơ săn bắt động vật hoang dã và khai thác trái phép tài nguyên rừng. Đồng thời hoạt động này đẩy mạnh việc bảo tồn nguồn gen của cây vả trong tự nhiên và góp phần duy trì đa dạng sinh học cho khu vực vùng đệm.
Dự án Trường Sơn Xanh do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ với tổng số vốn 24 triệu USD, khai thác từ năm 2016-2020. Đây là dự án trọng điểm về môi trường của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại khu vực Trung Trường Sơn. Dự án đang phối hợp chặ chẽ với chính quyền, khối tư nhân và cộng đồng tại Quảng Nam và Thừa Thiên Huế nhằm hỗ trợ hai tỉnh chuyển đổi sang sự phát triển thông minh với khí hậu, góp phần tăng cường quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học.