Hơn 2000 người khắc phục sự cổ giông lốc đốn đổ hàng ngàn cây xanh

(PLO) - Sau cơn giông lốc chưa từng có trong lịch sử Hà Nội xảy ra chiều 13/6 khiến hàng ngàn cây xanh bị đổ, Hà Nội đã huy động lực lượng hơn 2000 người khắc phục sự cố. 
Nhiều cây cổ thụ bị lật gốc, gãy đổ trong cơn giông mạnh như bão tại Hà Nội xảy ra chiều qua 13.6 - Ảnh: Ngọc Thắng
Theo báo cáo của các cơ quan chức năng Hà Nội, cơn giông lốc đã khiến 2 người tử vong do bị cây đổ đè vào. Hai vụ cây đổ đè chết người đều xảy ra ở quận Hai Bà Trưng, trong đó 1 người chết tại chỗ, 1 người chết trên đường đi cấp cứu, 
5 người khác bị thương do rơi mái tôn, rơi biển báo xây dựng và cây đổ ở các quận Hoàng Mai, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm. Cơn giông lốc còn khiến 140 căn nhà bị tốc mái, nhiều ô tô, xe máy, trạm điện, cột điện, đường dây bị hư hại…
Theo thống kê của Sở Xây dựng, trận mưa giông đã làm hơn 1.290 cây xanh bị đổ, trong đó hơn 800 cây thuộc 12 quận và hơn 400 cây ở các huyện ngoại thành.
Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho hay, trong hơn 800 cây xanh bị đổ ở khu vực các quận nội thành có 34 cây xà cừ cổ thụ bị bật gốc, gãy, là những cây có đường kính lớn từ 50-150cm, còn lại chủ yếu là muồng, phượng, bằng lăng tím. 6 cây đa cổ thụ ở khu vực Võ Thị Sáu, Trần Xuân Soạn, Giải Phóng, Tam Trinh cũng bị gió lốc quật đổ.
Sau cơn giông, Hà Nội đã huy động 2.000 người trắng đêm tham gia công tác cứu hộ, khắc phục hậu quả. Trong đó có 500 chiến sĩ sư đoàn 301 – Bộ Tư lệnh Thủ đô, 100 chiến sĩ cảnh sát phòng cháy chữa cháy, cảnh sát giao thông...
Đại diện Tổng Công ty Điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội) cho biết, dông lốc khiến xảy ra 108 vụ sự cố trên hệ thống lưới điện, gây mất điện trên hầu hết các địa bàn quận, huyện. Sáng nay cơ bản đã khắc phục xong, một số sự cố nhỏ sẽ khắc phục nốt trong hôm nay.
Đến sáng nay, giao thông cơ bản đã thông thoáng trở lại, số cây đổ tiếp tục được kiểm đếm, phân loại và xử lý theo quy trình.
Tại cuộc họp hôm nay, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo  đã biểu dương các lực lượng đã khẩn trương khắc phục hậu quả trong mưa dông, đêm tối, hiện trường nguy hiểm. Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng lưu ý vẫn còn nhiều sự cố cần nhanh chóng khắc phục. Đó là đảm bảo an toàn giao thông, khắc phục sự cố mất điện, khôi phục thông tin liên lạc, đảm bảo an ninh trật tự, rà soát cắt tỉa những cây nghiêng đổ vào công sở, nhà dân.
Ông yêu cầu lãnh đạo các quận, huyện có thiệt hại phải trực tiếp ra hiện trường cùng các lực lượng chức năng khắc phục hậu quả nhanh nhất.
Trước thông tin về số lượng cây đổ khá lớn,  Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo chỉ đạo Sở Xây dựng nghiên cứu, tham khảo ý kiến các nhà khoa học để đưa ra những chủng loại cây xanh đô thị thích hợp trồng trên đường phố Thủ đô.
Nói về hiện tượng giống lốc chiều 13/6, ông Lê Thanh Hải -  ông Lê Thanh Hải, Phó tổng giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết. Cơn giông này khi đi vào khu vực nội thành Hà Nội có sức mạnh tương đương như cơn bão cấp 8 - 9 lướt qua, gây ra thiệt hại nặng về người và tài sản. Các nghiên cứu đã chứng minh các cơn giông nhiệt càng đi vào khu vực đô thị càng mạnh hơn so với khu vực nông thôn miền núi, bởi thấp thụ thêm lượng nhiệt lớn từ khu vực này.
Ông Hải cũng cho biết rất khó để đưa ra dự báo về các cơn giông mà chỉ có thể đưa ra cảnh báo trong thời gian ngắn. Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương cũng  đã có cảnh báo về cơn giông lúc 16 giờ 20 phút ngày 13/6. Trên thế giới việc cảnh báo các cơn giông dạng này cũng chỉ có thể trước khoảng 30 phút đến 3 tiếng. Thậm chí chỉ có thể ảnh báo sớm trong khoảng 7 - 14 phú đối với các cơn lốc xoáy../.

Đọc thêm