Hơn 500 người chung sức cứu 2 cánh rừng bị cháy ở An Giang

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hơn 500 người tham gia khắc phục hỏa hoạn tại khu vực Núi Tô và Núi Dài huyện Tri Tôn (An Giang) dốc toàn lực, huy động toàn bộ trang thiết bị, phương tiện với quyết tâm khống chế bằng được đám cháy, chống cháy lan, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản...
Đại tá Nguyễn Thế Hải – Phó Giám đốc Công an tỉnh An Giang báo cáo nhanh về công tác triển khai lực lượng hỗ trợ địa phương tham gia chữa cháy.
Đại tá Nguyễn Thế Hải – Phó Giám đốc Công an tỉnh An Giang báo cáo nhanh về công tác triển khai lực lượng hỗ trợ địa phương tham gia chữa cháy.

Các lực lượng chung sức cứu rừng đến từ Ban Quản lý rừng, Kiểm Lâm, Quân sự, Công an, chính quyền và người dân địa phương.

Trao đổi với phóng viên tại hiện trường, ông Nguyễn Văn Bé Tám - Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang cho biết, do khu vực xảy ra cháy có địa hình dốc cao, đá lớn, nhiều lò ảng nên công tác tiếp cận đám cháy hết sức khó khăn và phức tạp. Đặc biệt, trong đám cháy có nhiều tiếng nổ lớn, khả năng do bom đạn còn sót lại từ thời chiến tranh nên rất nguy hiểm, có thể gây sát thương cho cho lực lượng chữa cháy nếu tiếp cận ở cự ly gần.

Máy phun nông nghiệp đã được huy động tham gia chữa cháy.

Máy phun nông nghiệp đã được huy động tham gia chữa cháy.

Các máy phun nông nghiệp đã được huy động hoạt động hết công suất để hỗ trợ lực lượng chức năng phun nước trực tiếp vào đám cháy. Cảnh sát PCCC và CNCH túc trực để tiếp nước cho các máy.

Ở những đoạn dốc đứng, đường nước không đến được, cán bộ, chiến sĩ của các lực lượng phải thay nhau xách từng can nước lên núi để tiếp viện kịp thời cho các bình phun xịt nhằm khống chế và ngăn chặn cháy lan.

Cán bộ chiến sĩ vận chuyển nước lên núi để chữa cháy.

Cán bộ chiến sĩ vận chuyển nước lên núi để chữa cháy.

Hạ sĩ Trình Văn Hên, chiến sĩ Phòng Cảnh Cảnh sát PCCC và CNCH Công an An Giang chia sẻ: “Đường nước lên quá cao, áp suất lớn gây bể nhiều đường vòi nhưng anh em đã cố gắng khắc phục. Đến 11h ngày 27/4, chúng tôi đã nỗ lực hết công suất để di chuyển đường vòi tiếp cận đám cháy ở cự ly gần hơn, hỗ trợ anh em dập lửa. Các lực lượng rất đồng lòng, phối hợp chặt chẽ với quyết tâm khống chế bằng được đám cháy”.

Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH dẫn nước lên chi viện cho các lực lượng chữa cháy.

Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH dẫn nước lên chi viện cho các lực lượng chữa cháy.

Ngày 28/4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh An Giang ban hành Công văn yêu cầu Sở NN&PTNT và UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường và thực hiện nghiêm các chỉ đạo về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) trên địa bàn tỉnh An Giang.

Thời tiết nắng nóng, khô hanh tiếp tục kéo dài làm cho cây khô héo, rụng lá, lớp thực bì tăng dầy, cùng với việc bất cẩn trong việc sử dụng lửa dẫn đến hỏa hoạn tại khu vực núi Tô và núi Dài của huyện Tri Tôn trong những ngày qua.

Nhằm tránh các trường hợp đáng tiếc tương tự xảy ra, Sở NN&PTNT, UBND huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan cần thực hiện nghiêm các chỉ đạo tại Công văn 263/UBND-KTN, ngày 8/3/2024 về tăng cường công tác PCCCR trên địa bàn tỉnh; Công văn 422/UBND-KTN, ngày 8/4/2024 về việc chủ động, tăng cường các biện pháp cấp bách PCCCR.

Đến ngày 28/4, các lực lượng đã cơ bản khoanh vùng cô lập được đám cháy tại khu vực Núi Tô và Núi Dài, không để lửa lây lan, không gây thiệt hại về người.

Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh An Giang đã có mặt tại hiện trường để nắm tình hình, động viên các lực lượng tham gia chữa cháy. Đồng thời, chỉ đạo các ngành chức năng tuyệt đối không chủ quan, cần tiếp tục tập trung huy động lực lượng và các phương tiện dập tắt triệt để đám cháy, không để bùng phát trở lại và lan rộng. Trong quá trình chữa cháy, cần khoanh khu vực cháy không cho người dân hiếu kỳ vào hiện trường, nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các lực lượng tham gia chữa cháy và Nhân dân.

Huyện Tri Tôn có địa hình đa phần là đồi núi, năm nay mùa khô khắc nghiệt kéo dài nên nguy cơ cháy, đặc biệt là cháy rừng đang ở mức báo động. Bên cạnh sự nỗ lực của các lực lượng, cháy cháy thì công tác tuyên truyền vận động người dân địa phương cần được đặc biệt quan tâm. Người dân cần được tuyên truyền nâng cao ý thức trong công tác phòng cháy và chữa cháy, trang bị kỹ năng xử lý hiệu quả đám cháy ngay từ khi mới phát sinh, để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

Đọc thêm