Hơn 700 hồ sơ kiện Vedan

Ông Trần Văn Cường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, kiêm Trưởng ban Chỉ huy thống kê thiệt hại kinh tế và môi trường vụ kiện Vedan cho biết: Tính đến cuối ngày 2/8, đã có hơn 700/1.225 đơn kiện Vedan đòi bồi thường thiệt hại của nông dân đã được TAND huyện Tân Thành tiếp nhận.

Hôm qua (2/8), ông Trần Văn Cường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, kiêm Trưởng ban Chỉ huy thống kê thiệt hại kinh tế và môi trường vụ kiện Vedan cho biết: Tính đến cuối ngày 2/8, đã có hơn 700/1.225 đơn kiện Vedan đòi bồi thường thiệt hại của nông dân đã được TAND huyện Tân Thành tiếp nhận. 

vv
Hàng chồng đơn kiện nhưng vẫn chưa biết rồi Vedan sẽ phải gánh chịu hậu quả pháp lý như thế nào

Theo dự kiến trong tuần này những hồ sơ còn lại sẽ được chuyển hết sang tòa án. Về vấn đề án phí khởi kiện Vedan, ông Cường cho biết, cũng ngay trong ngày 2/8 UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có văn bản gửu Bộ TN-MT đề nghị Bộ này xuất tiền từ quỹ Bảo vệ môi trường cho nông dân Bà Rịa – Vũng Tàu tạm ứng đóng tiền dự phí khởi kiện Vedan.

Bên cạnh đó, theo chỉ đạo của UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Ban chỉ huy và Hội nông dân tỉnh đã có buổi làm việc với tất cả các hộ dân trong vụ kiện Vedan để phổ biến việc hình thành những nhóm đại diện cho nông dân như: Nhóm đánh bắt, nhóm nuôi trồng… từ chính những người đi kiện.

 Cụ thể, những người đại diện này sẽ cùng song hành với Ban chỉ huy, Hội nông dân và các luật sư sẽ đưa ra quyết định thương thảo hay tranh tụng tại tòa với Vedan.

Mặt khác, nhóm đại diện này cũng sẽ là người đứng ra phân chia theo tỷ lệ kết quả đạt được mà Tòa án phán quyết cho các hộ dân; Đồng thời chính là người đứng ra giải quyết mọi thắc mắc, khiếu nại nếu có phát sinh.

Bởi trong vụ kiện Vedan này, chính quyền có thể hỗ trợ, giúp đỡ người dân chuẩn bị các thủ tục, chứng lý để làm sao đạt hiệu quả cao nhất khi quyết kiện Vedan chứ không bao biện, làm thay dân.

Được biết, trong cuộc tiếp xúc với dân, Ban chỉ huy và Hội nông dân tỉnh đã thông báo cho người dân biết những khó khăn sẽ gặp phải trong quá trình khởi kiện Vedan ra tòa như: Thời gian vụ kiện sẽ kéo dài; mức độ thiệt hại của mỗi hộ dân là khác nhau nên mức bồi thường mà tòa buộc Vedan bồi thường cho từng hộ cũng sẽ khác nhau; vấn đề hợp tác chặt chẽ, nhịp nhàng với luật sư trong quá trình tranh tụng, thương lượng… để người dân có sự chuẩn bị về mặt tâm lý.

Về câu chuyện có thông tin cho rằng, Vedan đề nghị có cuộc gặp với lãnh đạo các tỉnh (TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu) tiếp tục thương lượng mức hỗ trợ nông dân bị thiệt hại, ông Cường khẳng định bản thân ông cũng như tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chưa nhận được bất kỳ văn bản hay cuộc điện thoại nào của Vedan xin tiếp tục thương lượng.

Quan điểm của Bà Rịa - Vũng Tàu là chỉ ngồi vào đàm phán với Vedan khi họ đồng ý bồi thường bằng con số mà tỉnh đòi – 53 tỉ đồng.

Liên quan đến chuyện giúp nông dân kiện Vedan. Tính đến nay, sau ba ngày thực hiện trợ giúp pháp lý cho nông dân, Đoàn Luật sư Đồng Nai đã phát mẫu đơn và hướng dẫn thủ tục pháp lý kiện Công ty Vedan cho khoảng 1.700 hộ dân thuộc các xã Phước Thái, Long Phước (huyện Long Thành) và xã Long Thọ (huyện Nhơn Trạch).

 Đoàn luật sư Đồng Nai đã huy động 70 luật sư, luật gia tham gia công tác hướng dẫn người dân viết đơn trong những ngày qua và sẽ tiếp tục hướng dẫn cho khoảng 1.000 hộ dân nữa. Luật sư Nguyễn Đức, Chủ tịch Hội luật gia Đồng Nai chia sẻ: Công việc hướng dẫn người dân làm đơn kiện của chúng tôi gặp nhiều khó khăn do lượng người đến yêu cầu trợ giúp pháp lý đông; Không ít nông dân không biết chữ.

Chính vì vậy, ông Đức lo ngại sẽ không kịp tiến độ khi thời hiệu hết hạn khởi kiện Công ty Vedan đã cận kề. Trong khi đó, sau khi phát mẫu đơn, hướng dẫn người dân làm đơn kiện, các luật sư tiếp tục hướng dẫn người dân hoàn chỉnh hồ sơ.

Được biết, một ngày, mỗi luật sư chỉ có thể hướng dẫn hoàn chỉnh hồ sơ cho khoảng 4 - 5 người. Đáng ngại nhất là thủ tục công chứng, UBND xã phải công chứng 4 loại giấy tờ là giấy ủy quyền, chứng minh nhân dân, xác nhận hộ khó khăn và chứng đơn miễn giảm án phí cho dân.

Phong Trần

Đọc thêm