Đi lên chùa Châu Thới, ở bậc thang thứ 170 du khách bắt gặp hòn đá to, lúc nào cũng nhang khói nghi ngút nằm ngay giữa lối đi. Người dân gọi hòn đá là “ông Tà”, vị thần giữ cửa chùa. Một người sống gần đó bắt chúng tôi phải gọi hòn đá là “ông Tà” chứ không được gọi hòn đá, thì mới đồng ý tiếp chuyện. Bà giải thích, núi Châu Thới là núi đá nên khi làm đường xây bậc thang lên chùa, người ta phải đào bỏ rất nhiều đá chắn ngang, không hiểu tại sao duy nhất hòn đá này lại không thể đục bỏ.
Người ta cho rằng năm 1971, sư trụ trì cho mở rộng lối đi, đổ bê tông con đường trước cổng tam quan, những hòn đá vướng víu đều được đục, đào bỏ. Bằng chứng là hai bên đường đá được phá ra sắp thành hàng ngay ngắn. Nhưng khi đụng vào “ông Tà”, không ai làm gì được. Có người nổi giận dùng búa đập liên tục đến toé lửa nhưng vẫn không làm rơi mẩu đá nào. Sau đó, nhóm thợ chuyên nổ mìn phá đá được mời đến dọn “ông Tà”. Nhóm thợ đào sâu xuống lòng đất để nhét thuốc nổ vào, ý định dùng sức nổ đánh bật gốc hòn đá cho lăn xuống chân núi. Nhưng đào mãi nhóm thợ mới biết hòn đá dính liền với cả khối đá khổng lồ bên dưới lòng đất.
Nghe chuyện, sư trụ trì yêu cầu mọi người giữ nguyên hòn đá vì cho rằng có thể đây là “vị thần” giữ cửa chùa. “Người ta không làm đường tránh mà để nguyên hòn đá ở giữa đường như thế. Sư trụ trì dùng sơn viết lên đó mấy chữ Hán có nghĩa “Tà lão trung sơn” tức ông Tà giữa núi”, một người kể.
Điều khá thú vị ít ai lý giải được, mỗi lần đi qua vị trí hòn đá “thần”, điện thoại đều bị mất sóng. Từ bậc thang này trở lên không có sóng điện thoại di động. Nhà chùa phải sử dụng điện thoại bàn, kéo dây từ dưới chân núi lên để liên lạc. Nhiều người cho rằng việc mất sóng điện thoại do “ông Tà” không muốn bị làm phiền.
Bên cạnh hòn đá lạ, chùa Châu Thới còn gắn liền với lời đồn chuyên “sát” tình duyên. Theo đó những cặp đôi yêu nhau tới đây sẽ bị tan vỡ. Lời đồn này bắt nguồn từ câu chuyện được những người già trong vùng kể lại. Vốn xa xưa trên núi Châu Thới có đôi vợ chồng đốn củi. Cuộc sống nghèo khó, họ thường xảy ra mâu thuẫn. Trong một lần lời qua tiếng lại, người chồng lỡ tay xô vợ xuống vực sâu khiến vợ chết oan. Linh hồn người vợ không siêu thoát, cứ lởn vởn trên núi chờ cặp nào yêu nhau đến đây lại xui khiến chia tay người yêu bởi lòng thù hận đàn ông quá lớn. Còn người chồng sau khi lỡ tay xô vợ xuống vực rất ăn năn, đi tìm kiếm suốt mấy năm nhưng không thấy thi thể vợ đâu. Cư dân địa phương truyền tai nhau, trong vùng đã có mấy cặp đôi yêu nhau chia tay liên quan đến cổ tự Châu Thới.
Gian chánh điện chùa |
Bác bỏ thông tin trên, sư trụ trì cho hay: “Tôi có nghe lời đồn nhưng thấy vô lý bởi lúc mới lập tự, khu vực quanh núi Châu Thới không có bất cứ gia đình nào sinh sống. Người dân trước kia đều sống cách chùa vài km, đường lên chùa vô cùng khó khăn. Nếu thế liệu có đôi vợ chồng sinh sống trên núi như chuyện kể hay không”. Thực tế hằng ngày vẫn có nhiều đôi trai gái đến chùa cầu duyên lạy phật. Hiện nhà chùa đang xây thêm nhiều hạng mục khác phục vụ du khách đến vãn cảnh.
Sử sách chép lại, chùa Châu Thới thành lập năm 1612 bởi thiền sư Khánh Long thuộc thiền phái Bắc Tông. Trước kia, cổ tự chỉ là am thờ nhỏ đơn sơ, sau đó được trùng tu thành chùa Hội Sơn trước khi có tên Châu Thới. Ngôi chùa gắn liền với lịch sử di dân lập ấp của người dân Nam Bộ. Tương truyền thiền sư Khánh Long đắc đạo phật pháp từ nhỏ. Vì thương những người dân phiêu bạt nơi rừng thiên nước độc xứ Nam Bộ, ông tự nguyện đi theo, ngày ngày tụng niệm kinh phật cầu an cho chúng sinh. Ngài chọn núi Châu Thới lập chùa bởi địa thế nơi đây nơi cao nhất của cả vùng đất rộng lớn.
Ngôi chùa nhìn từ xa |
Quay trở lại với hòn đá. Lý giải về việc điện thoại mất sóng khi đứng gần hòn đá “ông Tà”, mất sóng từ bậc thang có “ông Tà” án ngữ trở lên, một giảng viên khoa vật lý trường ĐH Sư phạm TP.HCM giải thích: Sóng điện thoại là loại sóng thẳng, phạm vi truyền tải hẹp và không phụ thuộc vào độ cao. Bởi vậy người ta thường xây dựng các cột phát sóng rất cao. Mặt khác, sóng điện thoại khi gặp vật cản như núi đá, cây cối sẽ không thể truyền qua hoặc giảm cường độ gây nên hiện tượng sóng yếu, mất sóng. Hiện tượng này thường gặp khi ở trong các rừng có cây lớn, nhiều đá và dưới lòng đất. Có thể vì những nguyên nhân này mà khu vực không có sóng điện thoại.
Còn một giả thiết khác, rất có thể hòn đá có từ tính do lẫn tạp chất bên trong. Tuy nhiên muốn biết chính xác cần phải dùng dụng cụ đo từ tính mới khẳng định được: “Nhiều khả năng ngọn núi nằm xa cột phát sóng và có nhiều vật chắn trên đường đi gây ra hiện tượng mất điện thoại chứ không hề có chuyện thần thánh hiển linh như người dân đồn đại”, chuyên gia này nói.
Đứng từ xa đã thấy rõ cổ tự với hai bức tượng phật Quan Âm cao 22,5m, nặng 100 tấn đặt trên đỉnh núi cao. Với 220 bậc thang được xây dựng vào năm 1971 đã tạo nên con đường quanh co uốn lượn lên chùa. Đỉnh mái chùa có chín con rồng lớn nhìn ra nhiều hướng với những họa tiết chạm trổ sinh động. Hiện cổ tự Châu Thới đang lưu giữ nhiều pho tượng quý đúc bằng đồng và đá cẩm thạch được các nghệ nhân xứ Huế vào chế tác. Ngoài ra nhà chùa còn thờ bộ Thập Bát La Hán và Thập Điện Diêm Vương bằng đất nung, là hai bộ tượng xưa và độc đáo cho thấy nghề gốm ở địa phương phát triển khá sớm. Vào năm 1988, nhà chùa đúc đại hồng chung theo mẫu chuông ở chùa Thiên Mụ (Thừa Thiên - Huế) nặng 1,5 tấn, cao 2m. Trong các năm từ 1996 đến 1998, cổ tự được trùng tu quy mô. Từ năm 1989 chùa được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia.