Hồn phố qua những bước chân đi về

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Nếu Bùi Xuân Phái thành danh với danh xưng “phố Phái” thì họa sỹ Tạ Tỵ mang một nỗi hoài niệm khi ông không đứng cùng đoàn quân tiến về Hà Nội cùng Văn Cao, mà ở vị thế cách biệt trùng trùng khi đã di cư vào Nam, như những câu thơ ông viết năm 1955: Tôi đứng bên này vĩ tuyến/ Thương về năm cửa ô xưa/ Quan Chưởng đêm tàn dẫn lối/ Đê cao hun hút chợ Dừa”…
Hà Nội xưa không chỉ trong ký ức. (Ảnh Ban QL Phố cổ)
Hà Nội xưa không chỉ trong ký ức. (Ảnh Ban QL Phố cổ)

Thương về năm cửa ô xưa

Cầu Dền mưa dầm lầy lội/ Gió về đã buốt lòng chưa?/ Yên Phụ đôi bờ sóng vỗ/ Nhị Hà lấp lánh sao thưa/ Cầu Giấy đường hoa phượng vĩ/ Nhớ nhung biết mấy cho vừa… Cửa ô ơi, cửa ô/ Năm ngả đường đất nước/ Trôi từ vạn nẻo sông hồ/ Nắng mưa bốn hướng đổ vào lòng Hà Nội/ Gục đầu nhớ tiếng võng đưa!… (Thương về năm cửa ô xưa, trích - Tạ Tỵ, 1955).

Theo khảo cứu của kiến trúc sư (KTS), nhà văn Nguyễn Trương Quý qua “Triệu bước chân qua những cửa ô”, các cửa ô mà Tạ Tỵ gọi tên được bố trí cân xứng như hình một ngôi sao năm cánh trên bản đồ, chính là năm hướng của thời xưa: Yên Phụ phía Bắc, Cầu Giấy phía Tây, Quan Chưởng phía Đông, Chợ Dừa - Tây Nam và Cầu Dền - Đông Nam. Dẫu Tạ Tỵ không nói đến hình ảnh ngôi sao nào, nhưng sự định vị năm nẻo đường từ Hà Nội tỏa đi là một gợi nhớ bố cục không gian trong bài ca của Văn Cao. Bài thơ này cũng được một nhạc sĩ di cư là Y Vân phổ nhạc và năm cửa ô còn xuất hiện trong bài hát Mưa Sài Gòn, mưa Hà Nội của Phạm Đình Chương với ca từ của Hoàng Anh Tuấn, đều là những người đã để lại Hà Nội sau lưng và không nguôi thương nhớ.

KTS Nguyễn Trương Quý bày tỏ, những lời thơ hay bài ca chung một cảm thức không gian Hà Nội đã lấy lại hình tượng năm cửa ô nhiều lần, đến độ tựa như một mỹ danh tuyên truyền: “Ta còn em năm cửa ô năm cửa gió” (Em ơi Hà Nội phố, thơ Phan Vũ), “Đường lộng gió thênh thang năm cửa ô” (Hà Nội niềm tin và hy vọng, nhạc Phan Nhân), “Hà Nội ngàn xưa, năm cửa ô mỗi ngày thêm mới” (Tình yêu Hà Nội, nhạc Hoàng Vân).

Xuân Diệu đã từng viết: “ Ở đâu năm cửa ô chàng ơi/ Sông Nhĩ Hà mấy khúc nước chảy xuôi một dòng!” để nói về ngôi sao vàng “năm cánh xòe trên năm ô cửa”. Ðó là ô Cầu Giấy, ô Cầu Dền, ô Chợ Dừa, ô Ðống Mác và ô Quan Chưởng. Ngày nay hầu hết các cửa ô chỉ còn lưu lại địa danh rồi trở thành tên gọi của phường phố, chứ không còn một kiến trúc nào có thể gợi lại vết tích xưa. Thậm chí có những cái tên chỉ còn được gọi lên trong miền ký ức.

Tuy nhiên, Hà Nội vẫn còn một cửa ô gần như nguyên vẹn, vẫn mang nét rêu phong ngàn năm xưa, vẫn là một chứng nhân lịch sử sừng sững giữa đời. Đó là ô Quan Chưởng - cửa ô duy nhất còn sót lại của thành Thăng Long xưa.

Theo sử sách ghi lại, vào đời vua Lê Hiến Tông (1740 - 1786, niên hiệu Cảnh Hưng), kinh thành Thăng Long có mười sáu cửa ô. Mỗi cửa ô đều được xây dựng như một chiếc cổng, ngày mở, đêm đóng và có rào, có tuần đi canh phòng nhằm ngăn ngừa đạo chích, canh chừng hỏa hoạn.

Vốn dĩ cửa ô này có tên là ô Quan Chưởng là để ghi nhớ công lao và sự hy sinh của viên quan Chưởng Cơ, chỉ huy vệ binh, người đã cùng với khoảng 100 binh lính nhà Nguyễn anh dũng chiến đấu chống quân Pháp khi chúng đánh vào thành Hà Nội lần thứ nhất (1873) qua cửa ô Đông Hà.

Tiến sỹ Phạm Xuân Thạch cho rằng, “thay vì dựng lên một huyền thoại của đô thị, Nguyễn Trương Quý tìm cách giải thích, cắt nghĩa về huyền thoại…”. Chẳng hạn với huyền thoại 5 cửa ô, Nguyễn Trương Quý cho biết: “Chúng ta vốn đã rất quen thuộc về hình ảnh 5 cửa ô của Hà Nội, nhất là qua bài hát “Tiến về Hà Nội” của Văn Cao. “Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về/ Như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào/ Chảy dòng sương sớm long lanh…”. Tuy nhiên, theo khảo cứu của tôi, trước năm 1945, Hà Nội đã từng có đến 21 cửa ô, trong đó thống kê trên các văn có tên của 18 cửa ô, nhiều cửa ô hiện nay cũng đã mất dấu”.

Nguyễn Trương Quý cũng cho thấy, có những người khi rời xa thành phố vẫn giữ những ý niệm huyền thoại về Hà Nội, từ cuộc cách mạng đã qua cho đến những ký ức đẹp đẽ khác. Câu chuyện về 5 cửa ô Hà Nội chỉ là một trong rất nhiều “huyền thoại” thú vị khác mà cuốn sách này nhắc nhớ…

Thực tế, năm cửa ô hay nhiều hơn thế, ngày nay đã nằm lọt giữa một vùng đô thị rộng lớn của Hà Nội thế kỷ XXI. Chúng chỉ còn lại những cái tên được dùng lại ở một vài tuyến phố hay tên phường hành chính làm kỷ niệm. Ngoại trừ ô Quan Chưởng mỗi ngày một bé nhỏ giữa những ngôi nhà nhiều tầng xung quanh. “Tôi bồi hồi khi chạm bóng cửa ô, như ngày xưa chạm vai gầy áo mẹ” (nhạc Phú Quang, thơ Thanh Tùng)?

KTS Nguyễn Trương Quý bày tỏ, cửa ô cũng như vai trò nguyên thủy của chúng là những cánh cổng ra vào thành phố, năm cửa ô dẫn đến năm ngả đường đất nước. Một lý giải khác cho con số năm có thể tìm thấy ở sự phân bố các tuyến tàu điện lập từ thời Pháp, tỏa đi 5 ngả trước khi hoàn thành tuyến cuối cùng vào năm 1943. Sự giản lược thành năm cửa ô giúp cho tính biểu tượng dễ nhập tâm hơn nhiều so với 21 hay 18. Con số năm đã thành số đếm hợp lý.

Và đời người, đời phố

Nhà văn Nguyễn Trương Quý chia sẻ: “Tôi thấy sự vận động của thành phố với một khối cộng đồng người thích ứng rất nhanh và năng động. Sự năng động ở đây bao hàm việc người ta biết cách dịch chuyển trên thực địa bằng phương tiện nào. Có vô số câu chuyện về phương tiện. Nào là một thời “Một yêu anh có Pơ-giô (peugeot)”, xe đạp như một gia tài khủng khiếp. Nào là những câu chuyện về xe Simson, xe “kim vàng giọt lệ”,… cho đến xe Dream Thái như một sự khẳng định “thương hiệu” của những anh trai phố. Và nhiều câu chuyện khác cho tới nay để thấy phương tiện thay đổi, nhưng cách nhìn vào sự chuyển động vẫn theo một quy luật”.

Đó là sự dịch chuyển của con người trong tâm tưởng, mà hiện nay người Hà Nội vẫn thường gọi là “nhảy số”. Họ biết cách thích ứng và dịch chuyển mau lẹ với thời cuộc, với không gian sống. Chính điều này khiến những câu chuyện về Hà Nội không bao giờ bị cũ. Viết về cái cũ, khảo về cái xưa, nhưng thực chất đều là những câu chuyện đương thời.

Tiến sĩ văn học Phạm Xuân Thạch cho rằng, tập du khảo “Triệu dấu chân qua những cửa ô” là một bức chân dung về Hà Nội với tất cả dáng vẻ của nó. Đó còn là không gian cây cối, cảnh quan núi non, sông hồ quanh Hà Nội. Tất cả những hình dung về không gian như vậy, làm cho chúng ta gần Hà Nội hơn bao giờ hết.

Với nhà văn Nguyễn Trương Quý, nói về kỷ niệm gắn bó nhất là những con đường thời đi học của một Hà Nội luôn hiện ra với sự quang đãng, dù trời nắng chói chang hay mùa đông giá rét. Con đường anh rất hay đi để đến trường là đê La Thành. Con đường nhỏ đi qua ô Chợ Dừa với những làng xóm hồi đó còn lúp xúp chân đê.

Ở đó, anh từng cắt tóc, ăn quà sáng là món bún bung do một bà cụ bán, có lẽ giờ bà cũng mất rồi. Sau này, anh mới biết đó chính là một đoạn bức tường lũy thành Đại La và Thăng Long xưa.

Và như thế, Nguyễn Trương Quý chọn vẽ chân dung Hà Nội qua những dấu chân đi về. Như anh chia sẻ trong lời nói đầu cuốn sách: “Hà Nội có nhiều cửa ô, tôi chọn biểu tượng này vì lẽ chúng là tên gọi gợi nhớ ngay đến Hà Nội và cửa ô trong tâm tưởng là những lối nhập thành, tìm hiểu những câu chuyện của đời phố”.

Giải thích lý do tại sao lại chọn khảo cứu trong khoảng 100 năm, trong khi Hà Nội có tới hơn 1.000 lịch sử, Nguyễn Trương Quý bày tỏ: “Tôi lấy khoảng thời gian ước định một trăm năm là vì có ý tìm một sự đối chiếu giữa hôm nay, thập niên thứ hai của thế kỷ 21 với những năm đầu thế kỷ 20.

Theo nhà văn Nguyễn Trương Quý, sự bảo lưu các giá trị thuộc về nếp sống đúng là một thứ giúp làm nên căn tính của một nơi như Hà Nội: Nhưng trong thời đại chính những “thương hiệu” lại là thứ giúp cho mỗi nơi chốn có được sức hút, thì cũng rất cần tìm cách lọc lấy những điều đẹp đẽ đã có, nhất là từng thành nền nếp. Chẳng phải ngẫu nhiên mà người ta có xu hướng lưu luyến cái đã qua, là bởi có những giai đoạn đáng ghi nhận trong việc sản sinh ra những sản phẩm văn hóa nghệ thuật giá trị của lịch sử nước nhà”.

Anh tâm sự: “Hà Nội đối với những diễn biến đó thực sự là một chiến địa văn hóa nhiều ẩn số nhưng cũng rất thú vị đối với một người tiến hành du khảo”… Đấy có thể là sự phôi pha của những cửa ô trước sự phát triển của đô thị mới: “Nhưng rồi người Việt cũng mau chóng hấp thụ những hình thái mới, với họ ngã tư và cột đèn trở thành cặp bài trùng mới cho đô thị, thay cho những bến sông và cửa ô. Ngay chính những cửa ô cũng trở thành các ngã tư, ngã năm khi những đoạn tường lũy bị bạt thấp dần trở thành đường đi. Người Hà Nội đã quen với những ngã năm Chợ Dừa, ngã tư Đại Cồ Việt, ngã tư Cầu Dền mà dần quên hình ảnh các cửa ô từng hiện diện cho đến cuối thế kỷ 19. Phạm vi của những khu phố lan dần ra xa hơn những cửa ô, theo những tuyến đường tàu điện về các ngả”.

Hay là nỗi hoài nhớ đượm màu lãng mạn của con người dành cho những chiếc tàu điện đã biến mất vì không còn sự thực dụng: “Tiếng leng keng không thay đổi qua năm tháng đã giúp việc hồi cố chồng lấn hai thời Pháp thuộc và bao cấp. Nó khiến người thời bao cấp và cả hậu bao cấp vẫn như được đồng hội đồng thuyền với người thời Pháp thuộc. Nó mỹ hóa ký ức của họ. Họ nhớ tàu điện là nhớ năm tháng nhọc nhằn, để rồi bồi đắp một ý niệm về vẻ đẹp khổ hạnh mà giờ đây lại thành của hiếm”.

Có rất nhiều thứ rất nhỏ mà ngoảnh lại nhìn trăm năm qua, sự biến mất hoặc biến đổi của chúng làm cho Hà Nội hôm nay rất khác đầu thế kỷ 20. Có những thứ đã từng là tập quán tưởng như ăn sâu vào tâm thức cộng đồng như nghĩa trang, vậy mà đến lúc đã phải thay đổi nghi thức. Viết về sự hiện diện của chúng có lẽ cũng là ghi lại sự hiện diện của chính chúng ta, với đủ vui buồn”...

Đọc thêm