Theo các nhà bảo vệ môi trường, chính sách kiểm dịch của Hong Kong đang làm tổn hại đến môi trường vì tạo ra rác thải dư thừa.
"Tất cả các nhân viên tại khách sạn đều mặc đồ bảo hộ (PPE). Điều khiển từ xa hay tất cả mọi thứ đều được bọc trong giấy bóng kính", bà Clemetine Vaughan, một chuyên viên về chăm sóc da đến Hồng Kông từ ngày 4/4, nhận xét.
Số liệu thống kê cho thấy Hong Kong phải xử lý hơn 2.300 tấn rác thải nhựa mỗi ngày, trong đó tỷ lệ tái chế chỉ là 11%, số còn lại sẽ được chôn lấp.
Trước tình hình này, chuyên gia môi trường Edwin Lau khuyến nghị chính quyền Hong Kong nên có biện pháp xỷ lý nhựa ở các cơ sở cách ly, cân nhắc tới yếu tố nhiều người sống trong các khu cách ly không phải bệnh nhân COVID-19 đã được xác nhận. Đồng thời thúc giục chính phủ cho phép tái chế hoặc tái sử dụng đồ nhựa từ các cơ sở kiểm dịch.
Hồng Kông là một trong số ít những nơi tuân thủ chính sách "không COVID-19". Được biết, đặc khu hành chính này đã cách ly hàng chục nghìn trường hợp dương tính hoặc có tiếp xúc gần.
Các cơ sở này làm tăng thêm vấn đề rác thải khi nhiều người xác nhận với hãng tin Reuters rằng các bữa ăn đều được bọc trong túi nhựa.
Ông Paul Zimmerman, một ủy viên hội đồng quận, cho biết các cơ sở này cũng là sự lãng phí vì không thể được sử dụng lâu dài. "Chúng được xây rất vội vàng và không tuân thủ bất kỳ tiêu chuẩn xây dựng cụ thể nào ở Hồng Kông", ông Zimmerman nói.