Huế: Bộ trưởng Cao Đức Phát làm việc và tặng quà cho ngư dân

(PLO) - Ngày 10/5, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã đi kiểm tra và làm việc với lãnh đạo các sở, ban ngành tỉnh Thừa Thiên – Huế về tình hình cá chết thời gian qua tại địa bàn tỉnh này. 
Bộ trưởng Cao Đức Phát làm việc tại cảng cá Thuận An

Tại cảng cá Thuận An, các ngư dân đã trình bày đến Bộ trưởng các tâm tư nguyện vọng về hiện tượng cá chết hàng loạt. Đại diện Cảng cá Thuận An (Thừa Thiên – Huế) cho biết, do ảnh hưởng tình hình cá chết bất thường nên sản lượng đánh bắt của ngư dân trên biển thời gian qua đã giảm khoảng 31% so với cùng kỳ.

Về nguyên nhân cá chết, đại diện cảng cá cho biết thêm, hiện chưa rõ nguyên nhân khiến cá chết nên hải sản tiêu thụ giảm, ngư dân ngại ra khơi. Cùng với đó, cơ sở vật chất cảng cá xuống cấp, hệ thống xử lý nước thải và môi trường không đảm  bảo, trong khi số lượng tàu công suất lớn, đánh bắt xa bờ ngày càng tăng.

Báo cáo  với Bộ trưởng, đại diện tỉnh TT. Huế cho biết, hiện sản lượng thủy sản khai thác giảm nhiều so với trước, ước thiệt hại từ tình hình khó khăn do tiêu thụ hải sản trên địa bàn khoảng 135 tỷ đồng.

Sau khi kiểm tra tình hình, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh, ngư dân cần yên tâm vươn khơi, bám biển, người dân yên tâm sử dụng, tiêu thụ hải sản an toàn. Hải sản đánh bắt trên biển từ 20 hải lý trở ra đều ăn được, người dân không nên lo ngại. Các bộ, ngành đã quan trắc môi trường nước biển và mẫu cá đều cho kết quả an toàn. Đồng thời đánh giá cao sáng kiến của Thừa Thiên – Huế là đã cấp giấy chứng nhận hải sản an toàn làm cơ sở, điều kiện để người dân yên tâm sử dụng.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cho biết: “Chính phủ đã có chủ trương, chỉ đạo hệ thống ngân hàng khoanh nợ, giãn nợ, hỗ trợ lãi suất… cho ngư dân. Thủ tướng Chính phủ cũng có Quyết định về việc hỗ trợ khẩn cấp cho người dân bị ảnh hưởng do hiện tượng hải sản chết bất thường. Theo đó, hỗ trợ 15 kg gạo/người/tháng trong thời gian 1,5 tháng đối với các nhân khẩu thuộc hộ gia đình là chủ tàu, hộ gia đình có lao động trên tàu khai thác hải sản ở vùng ven bờ, vùng lộng không lắp máy, hoặc lắp máy dưới 90 CV và các hộ làm dịch vụ hậu cần nghề cá bị ảnh hưởng. Chính phủ hỗ trợ một lần tối đa 5 triệu đồng/tàu không lắp máy, hoặc lắp máy có công suất dưới 90 CV đánh bắt ven bờ, vùng lộng do tạm ngừng ra khơi đánh bắt. Hải sản khai thác trong vùng biển từ 20 hải lý trở vào thuộc vùng biển từ các tỉnh Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế, khi cơ quan chức năng xác nhận không an toàn buộc phải tiêu hủy thì được hỗ trợ không quá 70% giá trị sản lượng; đồng thời hỗ trợ khắc phục hậu quả môi trường…”.

Sau khi làm việc tại cảng cá Thuận An, đoàn công tác đã kiểm tra vùng nuôi cá lồng bị thiệt hại nặng tại đầm Lập An, thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh TT. Huế.

Dịp này, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đã đến thăm và tặng quà cho các hộ gia đình ngư dân và nuôi trồng thủy hải sản ở thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế bị thiệt hại nặng do ảnh hưởng hiện tượng cá chết thời gian qua. 

Đọc thêm