Huy động nguồn lực đất đai cho đô thị vệ tinh

Kinh nghiệm các quốc gia trên thế giới cho thấy, một chiến lược tốt trong sử dụng có hiệu quả nguồn lực đất đai và bất động sản sẽ là cơ sở tốt phát huy nội lực phát triển bền vững các đô thị vệ tinh.

Tại Hàn Quốc, ngay từ những năm 1960, với mục tiêu giảm tải cho thủ đô Seoul, Chính phủ Hàn Quốc đã tiến hành thực hiện hàng loạt các đô thị vệ tinh thông qua việc phát triển các khu công nghiệp tạo việc làm và các khu nhà ở tại 02 thành phố vệ tinh Seongnam cách thủ đô 25km (năm 1960) và Gyeonggi (năm 1970).

Các đô thị vệ tinh tại Hàn Quốc

Tuy bài toán di dời dân cư từ đô thị trung tâm ra đô thị vệ tinh chưa hoàn toàn thành công nhưng rất nhiều nguồn lực từ bất động sản và đất đai đã được khai thác thành công. Khởi đầu từ việc Chính phủ đã đầu tư xây dựng hệ thống đường cao tốc và tàu điện ngầm kết nối giữa Seoul với các đô thị vệ tinh, giảm thời gian di chuyển của người dân khiến giá trị bất động sản ở các đô thị vệ tinh tăng cao, tạo nên sức hút đối với người dân.

Tính đến cuối năm 1980, hàng loạt các đô thị vệ tinh Incheon, Suwon, Anyang, Uejeongbu, Seongnam và Bucheon phát triển vượt mức phát triển trung bình của Hàn Quốc. Giữa năm 1970 và 1980, trong khi Soeul chỉ phát triển ở mức 3,4%/năm thì các đô thị vệ tinh đạt mốc tăng trường trung bình 6%/năm, thậm chí Anyang và Bucheon cán mốc 12%/năm.

Tại Ấn Độ, các đô thị vệ tinh Gaziabad và Faridabaf-Ballabgarh của thủ đô New Delhi đã được thực hiện thành công nhờ huy động tốt tiềm lực đất đai và bất động sản cho phát triển công nghiệp và tạo ra nhiều cơ hội phát triển khác.

Cùng với đó, 02 đô thị vệ tinh là Mohali và Panchkula, có vị trí ở ngoại thành của Chandigarh (Punjab) cũng đã phát triển thành công khi Mohali là vệ tinh công nghiệp và Panchkula là vệ tinh thương mại và dân cư với các nguồn lực đất đai và bất động sản được đánh thức.

Khu công nghệ cao Hoà Lạc

Theo ThS.KTS Nguyễn Khắc Hưng - Hội Kiến trúc sư Việt Nam, các bài học kinh nghiệm trên đã chỉ ra rằng, bất động sản và đất đai là nguồn lực chính đóng góp cho sự tăng trưởng chung của riêng đô thị vệ tinh cũng như của toàn vùng đô thị.

Đối với các nước công nghiệp, hoạt động của thị trường bất động sản thường chiếm khoảng 30% GDP. Cũng có rất nhiều quốc gia có nguồn thu thuế cho ngân sách Nhà nước từ đất đai và bất động sản chiếm 50% - 70% tổng thu. Sự ra đời và phát triển của loại hình thị trường này đã có những đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế xã hội bởi là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế.

Việc phát triển thị trường bất động sản tạo ra những kích thích cho đầu tư vào đất đai, sự chuyển dịch năng động về lao động giữa các ngành, các vùng lãnh thổ; biến bất động sản thành tài sản tài chính để tham gia vào hoạt động tài chính của nền kinh tế…

Những đô thị vệ tinh được xây dựng với tiềm lực kinh tế mạnh (đặc biệt là nguồn lực từ đất đai và bất động sản phục vụ phát triển nhà ở và công nghiệp) và có vị trí ở xa so với thành phố lõi sẽ hiệu quả hơn trong việc làm giảm tải dân số và tắc nghẽn đô thị vì nó kéo và làm giảm số lượng công việc và dịch vụ ở thành phố lõi.

Với các đô thị vệ tinh, phát triển công nghiệp sẽ mang đến nguồn lực nền tảng kinh tế chính. Tuy nhiên, dịch vụ thương mại, kinh tế và nhà ở cũng rất quan trọng, cần phải được phát triển song song với công nghiệp để tạo ra nguồn lực phát triển cho đô thị vệ tinh.

"Trong các giai đoạn ban đầu, tuy những yếu tố này không đóng góp trực tiếp ngay vào sự hình thành và phát triển của đô thị nhưng về lâu dài sẽ là nguồn lực lớn tham gia vào quá trình phát triển bền vững cho đô thị vệ tinh, cũng như hoàn thành các mục tiêu khác như giải nén dân số cho đô thị trung tâm, hỗ trợ phát triển cho đô thị trung tâm" - ThS.KTS. Nguyễn Khắc Hưng nhấn mạnh./.

Đọc thêm