Thủ tướng Chính phủ mới đây đã ký ban hành Quyết định số 1334/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Phát huy nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài (NVNƠNN) phục vụ phát triển đất nước trong tình hình mới” (sau đây gọi tắt là Đề án). Báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Đông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNƠNN, Bộ Ngoại giao về một số nội dung liên quan đến việc triển khai Đề án quan trọng này.
Thiết lập cơ chế triển khai đồng bộ các nhiệm vụ
Xin ông cho biết bối cảnh ra đời, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc ban hành Đề án?
- Trong thời gian qua, cộng đồng NVNƠNN không ngừng phát triển cả về số lượng, vị thế trong xã hội sở tại ngày càng được củng cố và tiềm lực kinh tế, tri thức, khoa học kĩ thuật tiếp tục được gia tăng. Đứng trước bước phát triển mới này, thực hiện chủ trương xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta là “cộng đồng NVNƠNN là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam” và đường lối Đại hội Đảng lần thứ XIII về thúc đẩy toàn diện công tác đối với NVNƠNN, Kết luận số 12-KL/TW ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị về công tác NVNƠNN trong tình hình mới, Ủy ban Nhà nước về NVNƠNN đã cùng các Bộ, ngành liên quan xây dựng và trình Thủ tướng phê duyệt Đề án “Phát huy nguồn lực của NVNƠNN phục vụ phát triển đất nước trong tình hình mới”.
Đây là Đề án có ý nghĩa tổng thể đề ra các quan điểm chỉ đạo, phương châm, mục tiêu của việc huy động nguồn lực NVNƠNN tham gia phát triển đất nước trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, gắn với mục tiêu phát triển của Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045 như Đại hội XIII của Đảng đề ra. Điều này thể hiện ở một số điểm:
Trước hết, về nhận thức, Đề án khẳng định nguồn lực kiều bào là nguồn lực quan trọng trong tổng thể các nguồn lực bên ngoài và việc tranh thủ huy động nguồn lực này là một bộ phận có tính chiến lược trong công tác đại đoàn kết dân tộc nhằm tăng cường thống nhất nhận thức về tầm quan trọng của nguồn lực NNVƠNN đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc, từ đó xây dựng các định hướng, chủ trương, biện pháp mang tính tổng thể, cơ bản, dài lâu nhằm thu hút và phát huy tối đa nguồn lực này.
Về triển khai, Đề án xác định rõ nhiệm vụ của các Bộ, ngành, địa phương trong công tác phát huy nguồn lực NVNƠNN. Đó là tạo môi trường thuận lợi để NVNƠNN yên tâm gắn bó và đóng góp cho đất nước. Rà soát tổng thể, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật hướng tới việc NVNƠNN cơ bản được hưởng môi trường pháp lý tương đương với người trong nước khi tiến hành các hoạt động đầu tư, kinh doanh, khoa học - công nghệ, văn hóa… Tạo khuôn khổ, cơ chế bền vững nhằm khuyến khích NVNƠNN tham gia phát triển đất nước trên các lĩnh vực phù hợp với nguồn lực của cộng đồng.
Đặc biệt, Đề án cũng đã thiết lập cơ chế triển khai, phối hợp đồng bộ các nhiệm vụ nêu trên từ Trung ương đến cơ sở và trên phạm vi toàn quốc, trong và ngoài nước. Về lâu dài, Đề án sẽ góp phần củng cố mạng lưới NVNƠNN trên toàn thế giới, bồi dưỡng và phát triển nguồn lực của cộng đồng, bảo đảm sự phát triển của nguồn lực thông qua việc đẩy mạnh triển khai các biện pháp nhằm chăm lo, hỗ trợ cộng đồng có địa vị pháp lý vững chắc, ổn định, phát triển và hội nhập vào sở tại, đặc biệt tại các địa bàn khó khăn…
Đề án nêu rõ phương châm xác định vấn đề cần sửa đổi (nếu có) hoặc ban hành chính sách mới nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho kiều bào về thăm quê hương, thân nhân, đầu tư, kinh doanh, hợp tác khoa học - công nghệ, hoạt động văn hóa - nghệ thuật, từ thiện, xã hội, du học sinh, lao động trở về lập nghiệp… Qua tổng hợp của Ủy ban, ông có thể chỉ ra một số vấn đề trọng tâm cần sửa đổi hoặc ban hành mới theo phương châm này?
- Tôi cho rằng cần có sự phân biệt 2 nhóm vấn đề, thứ nhất là nhóm các biện pháp nhằm tạo thuận lợi để bà con yên tâm trở về nước, thăm thân, bảo đảm quyền lợi, tài sản của bản thân và gia đình…; và thứ hai là nhóm các biện pháp tạo môi trường thuận lợi để bà con đầu tư, kinh doanh, làm việc, hoạt động văn hóa - xã hội và hoạt động từ thiện.
Liên quan đến nhóm vấn đề thứ nhất, Ủy ban Nhà nước về NVNƠNN sẽ phối hợp với các cơ quan, ban, ngành rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các chính sách, pháp luật tạo điều kiện cho NVNƠNN yên tâm về nước sinh sống, làm việc. Qua tổng hợp cho thấy, hiện nay, vấn đề nhập và trở lại quốc tịch Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng nhằm gắn kết kiều bào với trong nước. Đây cũng là nội dung thường xuyên nổi lên trong số các nguyện vọng của kiều bào. Chúng ta sẽ phải nghiên cứu mở rộng hơn các khả năng liên quan đến vấn đề quốc tịch, vừa bảo đảm nguyên tắc luật pháp, vừa tạo điều kiện thuận lợi để giải quyết nhanh chóng và thỏa đáng mong muốn của NVNƠNN.
Cùng với đó, cần tiếp tục thúc đẩy việc sửa đổi các luật liên quan đến quyền lợi thiết thân của kiều bào như xuất nhập cảnh, cư trú, đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản, đầu tư… theo hướng cởi mở, thuận lợi hơn, phù hợp với quy định của Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và tinh thần của Nghị quyết 36-NQ/TW, Chỉ thị 45-CT/TW và Kết luận 12-KL/TW về công tác đối với NVNƠNN. Trong đó, vấn đề đất đai, Ủy ban Nhà nước về NVNƠNN đã và đang tích cực thúc đẩy việc mở rộng quyền sử dụng đất của người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Đối với nhóm vấn đề thứ hai, cần phải tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thương mại. Để làm được việc này, cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính; tạo môi trường, thị trường, sân chơi bình đẳng, thuận lợi, minh bạch, phù hợp với thông lệ quốc tế cho doanh nghiệp kiều bào như các thành phần kinh tế khác. Bên cạnh đó, cần rất chú trọng đến giới trẻ kiều bào, có những biện pháp để tạo điều kiện về việc làm, khởi nghiệp cho kiều bào trẻ, lao động Việt Nam ở nước ngoài sau khi trở về; tranh thủ vai trò kết nối kinh tế, hiểu biết của người lao động trong kết nối địa phương với địa phương, doanh nghiệp người lao động của địa phương đang hoặc đã từng làm việc.
Cần có chính sách đặc thù để phát huy nguồn lực kiều bào
Phó Chủ nhiệm Nguyễn Mạnh Đông phát biểu tại Hội thảo về Hỗ trợ pháp lý cho người Việt Nam ở nước ngoài, diễn ra mới đây. (Ảnh: Dương Tiêu). |
Đề án đặt ra yêu cầu các chính sách, quy định, biện pháp nhằm phát huy nguồn lực của NVNƠNN cần mạnh dạn, có đột phá, phù hợp với nguyện vọng và lợi ích chính đáng của đông đảo NVNƠNN. Ông có thể gợi mở một số chính sách đáp ứng yêu cầu này?
- Tôi cho rằng, việc phát huy nguồn lực của NVNƠNN phục vụ phát triển đất nước cần được nhìn nhận từ cả hai khía cạnh.
Trước hết, cần lan tỏa rộng rãi, sâu sắc hơn nữa phương châm “cộng đồng NVNƠNN mạnh sẽ góp phần củng cố vị thế của đất nước và vị thế của đất nước sẽ giúp cộng đồng NVNƠNN củng cố địa vị tại sở tại”. Tạo chuyển biến trong nhận thức của cả trong nước với cộng đồng bà con NVNƠNN về mối quan hệ hữu cơ này. Điều này cũng đồng nghĩa là chúng ta bên cạnh việc phát huy cũng cần quan tâm, đầu tư vào việc phát triển nguồn lực kiều bào.
Thứ hai, chúng ta cần phát huy mạnh mẽ nội lực, xây dựng nền kinh tế, khoa học công nghệ của Việt Nam ngày càng năng động, tiệm cận trình độ phát triển của thế giới, từ đó tạo sức hút tự nhiên thu hút các nguồn lực kinh tế và trí tuệ của NVNƠNN. Khi nền kinh tế, khoa học công nghệ của đất nước phát triển sẽ mở ra nhiều cơ hội, tạo động lực để NVNƠNN trở về xây dựng, phát triển sự nghiệp cho bản thân, sau đó là đóng góp xây dựng đất nước.
Song song với đó, chúng ta cũng cần có những chính sách đặc thù để có thể phát huy nguồn lực to lớn của kiều bào. Ở khía cạnh này, chúng ta có thể thấy rằng nguồn kiều hối gửi về nước những năm qua rất lớn, tuy nhiên hầu như chưa được định hướng, phát huy hiệu quả trong đầu tư, sản xuất. Do đó, cần xây dựng chính sách khuyến khích nguồn kiều hối đi vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, các khu vực, dự án ưu tiên theo đúng định hướng phát triển của đất nước, địa phương và doanh nghiệp.
Về phát huy nguồn lực chất xám của kiều bào, để tăng hiệu quả cho vấn đề mà chúng ta đã đề cập nhiều trong thời gian vừa qua, chúng tôi cho rằng cần tập trung vào một số giải pháp như xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể, tháo gỡ những vấn đề vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các văn bản pháp luật hiện hành về thu hút chuyên gia, nhà khoa học NVNƠNN tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam; mở rộng phân cấp và tăng tính tự chủ cho các đơn vị trực tiếp có nhu cầu trong việc tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm chuyên gia, trí thức NVNƠNN.
Ngoài ra, cũng cần xây dựng chính sách, chế độ đãi ngộ đặc biệt đối với chuyên gia, trí thức NVNƠNN có trình độ chuyên môn cao, có khả năng tư vấn về quản lý, điều hành, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật cao về nước tham gia các đề án, chương trình ưu tiên, đặc biệt quan trọng của quốc gia, ngành, địa phương, đặc cách lựa chọn, tuyển dụng những cá nhân thực sự có tài năng.
Xin trân trọng cảm ơn ông!