Huy động nguồn lực xã hội trong phòng chống thiên tai

(PLVN) - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học chung tay hiến kế, gợi ý mô hình hay để công tác phòng chống thiên tai (PCTT) thực sự hiệu quả, từ đó định hướng được hướng đi ngắn hạn và dài hạn.
Công nghệ lắp ghép đê di động đã có cách đây 50 năm ở các nước, nhưng ở Việt Nam vẫn hộ đê bằng những bao cát như thế này
Công nghệ lắp ghép đê di động đã có cách đây 50 năm ở các nước, nhưng ở Việt Nam vẫn hộ đê bằng những bao cát như thế này

Vẫn hộ đê thủ công

Bà Đoàn Thị Tuyết Nga - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ NN&PTNN) cho hay, hiện đã cung cấp bản đồ ngập lụt, nước biển dâng cho 28 tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang. Đồng thời xây dựng 5 kịch bản điển hình cho các cấp bão từ 13 - 16 kết hợp triều cường là những kết quả trong công tác ứng dụng khoa học trong PCTT. Bên cạnh đó, các kỹ thuật mới về đê điều; phòng, chống sạt lở của các nước tiên tiến... cũng đã được áp dụng và có thể triển khai rộng rãi.

Tuy nhiên, việc xử lý xói mòn, bồi lấp bờ biển, vùng cửa sông miền Trung hiện nay vẫn chưa được giải quyết thấu đáo, căn cơ. Bên cạnh đó, việc xử lý bờ biển, bờ sông tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vẫn còn những hạn chế do thiếu cát, thiếu nước dẫn đến việc sạt lở vẫn diễn ra liên tục hàng năm. Các giải pháp công nghệ mới tuy đã được áp dụng song vẫn chưa có các tiêu chuẩn và đặc biệt là cơ chế huy động nguồn lực tư nhân, xã hội hóa trong PCTT vẫn còn nhiều hạn chế. 

Bộ trưởng Bộ NN&PTNN Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: “Dù nguồn lực quốc gia còn hạn chế, nhưng trong nhiều năm qua, Chính phủ vẫn luôn nỗ lực đảm bảo cung cấp khoảng 1,5 % cho khoa học công nghệ trên tổng chi ngân sách nhà nước, nhưng kết quả nghiên cứu ứng dụng của chúng ta đã hỗ trợ tích cực và hiệu quả đến đâu? Đặc biệt trong lĩnh vực PCTT?”. Lý giải điều này, ông Cường cho biết, nhiều quốc gia có khoa học kỹ thuật hiện đại, cảnh báo sớm nhưng khi thiên tai xảy ra vẫn thiệt hại rất lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc...

“Đến thời điểm này, chúng ta chưa hề có một hệ thống cảnh báo đa thiên tai hiện đại nào cả. Thậm chí, đơn cử như hệ thống cảnh báo lũ quét sạt lở đất, chúng ta cũng chưa thực sự có một hệ thống nào với công nghệ hiện đại được đưa vào sử dụng? Hay đơn giản như các nước châu Âu, hệ thống đê di động, lắp ghép đã có từ hơn 50 năm trước, còn chúng ta việc hàn khẩu đê sông Hồng tại các cửa khẩu của Hà Nội, hay nâng cao trình đỉnh đê sông Bùi năm 2018 vẫn hết sức thủ công”, Bộ trưởng Cường nêu thực trạng và mong muốn các các chuyên gia, các nhà khoa học giúp đào tạo bài bản và góp ý cho Tổng cục PCTT nói riêng, lĩnh vực PCTT nói chung những ý tưởng, hướng đi ngắn hạn và dài hạn để khoa học công nghệ trong lĩnh vực PCTT thực sự có hiệu quả.

Cần sự hợp lực của xã hội 

Trao đổi với PLVN, ông Văn Phú Chính - nguyên Cục trưởng Cục PCTT cho biết, với nhiều năm công tác trong ngành nên ông rất hiểu về những thiệt hại mà thiên tai gây ra hằng năm đối với nước ta. Ông nói: “Làm sao phát triển hệ thống cảnh báo ngày càng sâu rộng tới đông đảo người dân, hệ thống đồng bộ, đầy đủ và hiệu quả sẽ giảm thiểu tối đa thiệt hại”.

Ông Chính cho rằng, đang có “khoảng trống” lớn đối với hệ thống quan trắc, nhất là hệ thống đo mưa. Vì thế, ông đã quyết tâm thực hiện ý tưởng của mình khi triển khai 950 trạm đo mưa trên toàn quốc. Hệ thống cảnh báo thông minh mà ông hướng đến nhằm cảnh báo người dân khi có ngập lụt; cảnh báo nguy hiểm qua hầm tràn; cảnh báo tại hạ du khi các hồ chứa xả nước; cảnh báo lũ quét bất ngờ xuất hiện.

Hiện, công nghệ mà ông Chính cùng các đồng sự đang triển khai đã nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo Bộ NN&PTNN, UBND TP.Đà Nẵng đã nghiệm thu đề tài và tiến hành thí điểm tại địa phương này. Theo đó, hệ thống được kết nối bằng công nghệ Nora không dây, không phụ thuộc vào mạng viễn thông để đảm bảo không bị ngắt kết nối khi có thiên tai. Từ đây hệ thống cảnh báo thông minh ra đời và nếu thành công, ông Chính tin tưởng sẽ giảm thiểu tối đa thiệt hại đối với người và tài sản.

Được biết, 950 trạm đo mưa đã được lắp đặt trên cả nước, với phần mềm được ứng dụng trên điện thoại có thể cập nhật hằng ngày. “Có 700 trạm chúng tôi tiến hành cung cấp thông tin cho địa phương, 250 trạm đã được chuyển giao. Trong đợt mưa lớn vừa qua tại Thanh Hóa, hệ thống này đã hoạt động tốt, tuy nhiên sự phối hợp trong việc cảnh báo chưa được tốt nên vẫn có thiệt hại xảy ra”, ông Chính nói. 

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, cần tập trung đẩy mạnh việc xã hội hóa trong lĩnh vực PCTT và phải kịp thời nhân rộng những mô hình như cách làm của chuyên gia Văn Phú Chính.