Từng bước xã hội hóa công tác PBGDPL
Thống kê, rà soát nguồn nhân lực trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) toàn quốc, phân loại và xác định cơ cấu hợp lý giữa các vùng miền, địa bàn là việc làm được Bộ Tư pháp, Ban chỉ đạo Đề án quan tâm trong triển khai thực hiện. Trên cơ sở rà soát đã kiện toàn đội ngũ cán bộ quản lý theo hướng chuyên nghiệp hơn.
Báo cáo của Ban chỉ đạo cho biết, đã củng cố tổ chức, bộ máy và cán bộ của Vụ PBGDPL của Bộ Tư pháp, đồng thời nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; đã bố trí được cán bộ chuyên trách làm công tác PBGDPL tại 100% tổ chức pháp chế thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; củng cố Phòng PBGDPL của các Sở Tư pháp nhằm tăng cường vai trò là cơ quan đầu mối và tham mưu chủ yếu của Sở Tư pháp và Hội đồng PBGDPL cấp tỉnh.
Bên cạnh đó, cũng theo Ban chỉ đạo Đề án, lực lượng làm công tác PBGDPL đã có sự phát triển về số và chất lượng. Tính đến hết năm 2016, số lượng báo cáo viên pháp luật trung ương là 1163 báo cáo viên, 6543 báo cáo viên cấp tỉnh, gần 17 ngàn báo cáo viên cấp huyện và hơn 151 ngàn tuyên truyền viên pháp luật cấp xã.
Ngoài lực lượng nói trên, đáng chú ý nhiều địa phương đã bố trí đủ số người thực hiện nhiệm vụ PBGDPL. Đơn cử tại An Giang, cấp huyện, mỗi phòng Tư pháp đã có từ 5-6 người, đa số các xã, phường, thị trấn bố trí 2 cán bộ tư pháp hộ tịch. Ở Tiền Giang, 100% đơn vị, trường học, Phòng Giáo dục đào tạo đều bố trí công chức, viên chức giáo viên phụ trách công tác PBGDPL.
Cùng với việc kiện toàn đội ngũ làm công tác PBGDPL, việc bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cũng được chú trọng. Hơn 60 lớp tập huấn, bồi dưỡng đã được tổ chức cho đội ngũ nguồn luật sư, thẩm phán, công chứng viên, chấp hành viên. Giai đoạn 2013-2016 các tỉnh, thành phố trên cả nước đã tập huấn, bồi dưỡng gần 35 ngàn lớp về kiến thức pháp luật mới, trên 65 ngàn lớp về kỹ năng, nghiệp vụ PBGDPL.
Ngoài việc cập nhật các nội dung văn bản pháp luật mới, các lớp bồi dưỡng cũng trang bị thêm các kỹ năng, phương pháp, nghiệp vụ tuyên truyền; nâng cao năng lực vận dụng kỹ năng trong thực tiễn. Ngoài ra, các địa phương, các ngành còn phối hợp trong việc đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị giữa các cơ quan quản lý nhà nước về PBGDPL với các trường chính trị tỉnh.
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo, Đề án đã được thực hiện nghiêm túc từ TW đến địa phương với tiến độ đồng đều trên cả nước, hoạt động chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời và cụ thể hơn. Đề án đã đạt nhiều kết quả. Trong đó, góp phần khắc phục được những hạn chế, bất cập hiện nay trong tổ chức và hoạt động của đội ngũ làm công tác PBGDPL; củng cố, kiện toàn một bước căn bản đội ngũ làm công tác này theo hướng vừa đảm bảo số lượng và chất lượng.
Mạng lưới báo cáo viên của các bộ, ngành , đoàn thể từ TW đến cơ sở đã được kiện toàn. Đã thực hiện từng bước xã hội hóa công tác PBGDPL, thu hút đội ngũ luật gia, luật sư, trợ giúp viên pháp lý, tư vấn viên pháp luật, cán bộ, công chức ngành tư pháp và các cơ quan thi hành pháp luật tham gia vào các hoạt động PBGDPL.
Phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của các cấp, ngành
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, phải thẳng thắn nhìn nhận, lượng cán bộ tham gia PBGDPL mặc dù đã được quan tâm xây dựng nhưng so với nhu cầu thực tế vẫn còn mỏng, thiếu về số lượng và yếu về chất lượng; chưa thực sự đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác này. Năng lực, trình độ của đội ngũ này còn nhiều hạn chế và chưa đồng đều. Thực tế hiện nay có sự chênh lệch trình độ rất lớn giữa các vùng, miền, đặc biệt là miền núi và đồng bằng, thành thị và nông thôn.
Số cán bộ có trình độ chuyên môn về pháp luật, nhất là pháp luật chuyên ngành còn thiếu, cán bộ có kinh nghiệm và nghiệp vụ tập trung chủ yếu tại các thành phố lớn. Số cán bộ biết tiếng dân tộc thiểu số rất ít nên khó khăn cho công tác tuyên truyền, PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiếu số.
Tại các trường học, đội ngũ giáo viên dạy môn giáo dục công dân, pháp luật còn thiếu về số lượng và nhiều người trong số đó chưa được đào tạo về pháp luật nên hiệu quả chưa cao. Bên cạnh đó, việc kiện toàn, bổ sung đội ngũ cán bộ tham gia PBGDPL của các cấp cũng chưa được tiến hành liên tục, thường xuyên.
Phát huy những kết quả sau thời gian 4 năm triển khai Đề án, Ban chỉ đạo kiến nghị các cơ quan chức năng ở TW và địa phương tiếp tục hướng dẫn, chỉ đạo và triển khai sâu rộng các nội dung, giải pháp của Đề án gắn với việc thực hiện Kết luận 04 ngày 19/4/2011 của Ban Bí thư TW Đảng về kết quả thực hiện Chỉ thị 32-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân; Luật PBGDPL và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Đồng thời, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của các cấp, ngành trong củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện công tác PBGDPL nhằm hoàn thành mục tiêu của Đề án xây dựng nguồn nhân lực phục vụ công tác PBGDPL vững mạnh, đáp ứng yêu cầu đổi mới và phát triển của đất nước.
Tập trung tham mưu, chỉ đạo củng cố, kiện toàn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hiệu quả hoạt động của Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp theo hướng thống nhất, đồng bộ hoạt động hiệu quả, thực sự phát huy vai trò là cơ quan tư vấn cho Chính phủ, UBND các cấp về công tác PBGDPL và huy động nguồn lực cho công tác PBGDPL, bố trí kinh phí, thù lao kiêm nhiệm hợp lý với các thành viên hội đồng.
Ban chỉ đạo cũng đề nghị bố trí cán bộ để bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ PBGDPL tại đơn vị quản lý về công tác PBGDPL các cấp; tại các tổ chức pháp chế ở Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TW; định kỳ tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ này.
Cạnh đó, tiếp tục rà soát kiện toàn và phát triển lực lượng báo cáo viên pháp luật theo hướng chuyên sâu về lĩnh vực pháp luật được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ PBGDPL; tiếp tục quan tâm đầu tư, bố trí các điều kiện cần thiết về kinh phí, cơ sở vật chất, nguồn lực khác nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện công tác PBGDPL. Trong quá trình thực hiện, cần nhân rộng những mô hình điểm nhằm phát huy những kết quả đạt được của Đề án.