Huyện Kỳ Anh: Đẩy lùi tình trạng ngư dân vi phạm pháp luật khi đánh bắt trên biển

(PLVN) - Mô hình "dân vận khéo" cấp huyện về phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) do UBND huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh chủ trì triển khai thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Bí thư Huyện ủy Kỳ Anh gặp gỡ, vận động ngư dân chấp hành tốt quy định của pháp luật về khai thác thủy hải sản trên biển.

Vùng biển huyện Kỳ Anh có nguồn hải sản phong phú, giúp ngư dân địa phương phát huy được nghề đánh bắt hải sản. Cùng với ngư dân sinh sống trên địa bàn, vùng biển của huyện Kỳ Anh còn thu hút nhiều tàu cá ở các tỉnh, thành phố khác đến hành nghề. Quá trình lao động trên biển, phần lớn chủ phương tiện, thuyền viên trên các tàu thuyền đều tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận ngư dân vì nhận thức đơn giản, để có nguồn lợi trước mắt vẫn sử dụng các hình thức khai thác hải sản "tận diệt", nhức nhối nhất là sử dụng kích điện, vật liệu nổ... Những hành vi nêu trên đã tác động tiêu cực đến môi trường, tài nguyên sinh vật biển và làm ảnh hưởng đến uy tín, giá trị của thủy sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Trước thực trạng này, huyện Kỳ Anh và các lực lượng chức năng đã triển khai nhiều biện pháp, quyết tâm từng bước đẩy lùi tình trạng ngư dân vi phạm pháp luật khi đánh bắt trên biển. Đặc biệt, trong năm 2024 UBND huyện Kỳ Anh tổ chức mô hình "dân vận khéo" cấp huyện về phòng, chống khai thác IUU.

Triển khai mô hình, UBND huyện Kỳ Anh đã huy động các tổ chức, đơn vị gồm: MTTQ, Ban Dân vận Huyện ủy, Ban Chỉ huy Quân sự, Công an huyện Kỳ Anh và Đồn Biên phòng Kỳ Khang cùng vào cuộc với những biện pháp rất cụ thể. Trong đó, lực lượng của địa phương, các đơn vị tập trung tuyên truyền để ngư dân hiểu rõ hành vi khai thác hải sản "tận diệt" là vi phạm pháp luật, làm cạn kiệt tài nguồn hải sản. Các tổ công tác cũng tuyên truyền, vận động nhân dân tự nguyện giao nộp những dụng cụ đánh bắt không đúng quy định như kích điện, chất nổ...

Lãnh đạo huyện Kỳ Anh trao kế hoạch phối hợp thực hiện cho các đơn vị, địa phương.

Trung tá Nguyễn Đức Thiện, Chính trị viên Đồn Biên phòng Kỳ Khang cho biết: Mô hình "dân vận khéo" cấp huyện ra mắt vào 21/6/2024, đến nay Đồn Biên phòng Kỳ Khang đã phối hợp tuyên truyền pháp luật tập trung hơn 15 buổi/4.000 lượt người theo dõi, xây dựng nội dung chương trình tuyên truyền được 20 buổi trên hệ thống loa phát thanh của các xã, phường.

Đơn vị tổ chức tặng 250 áo phao, 2.000 lá cờ Tổ quốc, gắn 45 pa nô, 750 biển tuyên truyền trên các tàu cá. Từ công tác tuyên truyền của chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng, đã có 27 hộ dân trên địa bàn huyện Kỳ Anh giao nộp hàng chục dụng cụ, ngư cụ đánh bắt trái phép như: Chất nổ, mô tơ kích điện, kíp nổ, súng điện, máy phát điện, lưới giã cào, hàng trăm mét dây điện...

Cùng với công tác tuyên truyền, vận động ngư dân chấp hành tốt quy định của pháp luật trong quá trình hành nghề, Đồn Biên phòng Kỳ Khang đã tăng cường công tác nắm tình hình, đồng thời triển khai các biện pháp đấu tranh bắt giữ, xử lý các phương tiện vi phạm. Cụ thể, trong thời gian qua, đơn vị đã điều động 630 lượt cán bộ, chiến sĩ phối hợp với lực lượng của chính quyền địa phương tổ chức 30 lượt tuần tra trên biển, ven bờ. Qua đó, đã kịp thời phát hiện, đấu tranh, bắt giữ, xử lý vi phạm hành chính 13 vụ/13 đối tượng có hành vi khai thác hải sản trái phép.

Ngư dân Nguyễn Văn Hùng ở xã Kỳ Xuân cho biết: “Ngư dân chúng tôi khai thác hải sản ở khu vực biển gần bờ, chúng tôi từng nghĩ đơn giản rằng, kích điện với công suất nhỏ không ảnh hưởng nhiều đến tài nguyên biển nên đã cố tình lén lút sử dụng kích điện để đánh bắt được nhiều tôm, cá hơn. Sau khi được địa phương và ngành chức năng, tuyên truyền, vận động, chúng tôi đã nhận thức rõ, muốn có ngư trường bền vững thì phải chung tay bảo vệ, gìn giữ. Từ đó, tôi đã tự nguyện giao nộp những dụng cụ đánh bắt không đúng quy định của pháp luật".

Sau khi được tuyên truyền nhiều hộ dân đã tự nguyện giao nộp máy kích điện.

Theo lãnh đạo các xã vùng ven biển huyện Kỳ Anh cho biết: Quá trình triển khai thực hiện mô hình, Ban Thường vụ Đảng ủy xã đã phân công các đồng chí cấp ủy phụ trách địa bàn và các cán bộ đoàn thể tập trung rà soát, thống kê các hộ ngư dân sử dụng ngư cụ bị cấm để tuyên truyền, vận động bà con tự nguyện giao nộp và ký kết không tái phạm.

Cùng với đó, xã lồng ghép các chính sách của Trung ương, của tỉnh, của huyện, xây dựng chính sách hỗ trợ, khuyến khích đào tạo nghề, vay vốn sản xuất, chuyển đổi sang nghề khai thác sử dụng ngư cụ hợp pháp giúp người dân ổn định cuộc sống, hướng đến khai thác bền vững nguồn lợi tự nhiên. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng, các hành vi khai thác hải sản trái phép trên vùng biển huyện Kỳ Anh từng bước được ngăn chặn.

Đọc thêm