“Chết yểu” kế hoạch “xê dịch” Cổ thành
Biết là sắp đến ngày họp lại ở Hội nghị Paris, chính quyền Sài Gòn lệnh cho Ngô Quang Trưởng tập trung binh lực chiếm Thành cổ, cắm cờ khẳng định vị thế trong đàm phán. Được yểm trợ hỏa lực không hạn chế của Mỹ, quân ngụy liên tiếp mở nhiều mũi, hướng và các đợt tiến công ồ ạt vào nhiều địa điểm xung quanh Thành cổ nhưng đã vấp phải sự ngăn chặn hết sức quyết liệt của cán bộ, chiến sĩ các đơn vị bảo vệ Thành cổ.
Đại tá Nguyễn Hải Như - nguyên Tham mưu trưởng Trung đoàn 48 thuộc Sư đoàn 320B - kể lại trong một bài viết về ký ức 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ: “Đến ngày 12/7, địch chiếm nhà thờ Tri Bưu ở phía bắc, cách Thành cổ khoảng 1km, chỉ còn cách ta có 500-600m. Khi nắm được thời cơ này, Tư lệnh Quân đoàn 1 quân đội Việt Nam Cộng hòa Ngô Quang Trưởng hạ lệnh cho quân dù bằng mọi giá phải cắm được cờ lên Thành cổ ngay trong đêm đó vì sáng hôm sau - 13/7 diễn ra phiên họp của Hội nghị Paris.
Ngay tối ấy, Tư lệnh chiến dịch hạ lệnh cho các đơn vị, đêm nay không được để tên địch nào lọt được vào Thành cổ. Điện của Quân ủy Trung ương cũng chỉ thị cho Trung đoàn 48, Tiểu đoàn địa phương 3 Quảng Trị là lực lượng trực tiếp giữ Thành, phía sau có Trung đoàn 95 của Sư đoàn 325 đóng ở bờ sông phía bên kia từ Nhan Biều đến Ái Tử, sẵn sàng vượt sông sang để chi viện cho Trung đoàn 48.
3 giờ sáng ngày 13/7, ta pháo kích vào hướng Bắc, làm chậm thời gian tiến công của địch. Địch dùng bom dù thả vào Thành cổ. Các bức tường thành bị bom dù bóc từng mảng, rất nhanh. Địch cho trực thăng vũ trang yểm hộ cho bộ binh.
Trong những trận đánh bảo vệ đội hình chiến đấu, đại đội 12,7 ly của Trung đoàn 48 đã bắn hạ được một chiếc trực thăng, trong đó có tư lệnh phó, tham mưu trưởng sư đoàn dù của ngụy cùng 8 sĩ quan pháo binh. Sau những đợt tiến công không hiệu quả, quá trưa ngày 13, địch lui quân về tuyến xuất phát. Một lần nữa, ta giữ vững trận địa, làm cho kế hoạch cắm cờ của địch trên Thành cổ thất bại”.
Bị thất bại, sáng 14, địch cho một lực lượng biệt kích vào cắm cờ ở phía đông Thành cổ, quãng 3-4 giờ sáng, chủ yếu để chụp ảnh, nhưng lại bị Đại đội 14 hỏa lực của Trung đoàn 48 phát hiện và đánh trả quyết liệt khiến địch phải bỏ cờ lại đấy.
“Tôi nhớ hôm đó phóng viên ảnh Đoàn Công Tính vào, tôi còn điện xuống hỏi cờ địch còn không để chụp ảnh, nhưng không thấy, có thể đã rơi xuống hào nước xung quanh” -Đại tá Nguyễn Hải Như khẳng định trong bài viết.
Tiếp đó, ông kể: Địch củng cố quân dù, chết bao nhiêu bổ sung đầy đủ ngay. Mỗi sư đoàn như thế bổ sung 500 tên. Qua ngày 18, không đạt được mục đích, chúng mở cuộc tấn công quyết liệt nhất từ ngày 23 đến ngày 26, cố gắng đánh hủy diệt Thành để vào. Trong khi đó quân ta cố gắng giữ vững vị trí, đào công sự, nhanh chóng củng cố, làm thất bại kế hoạch của địch.
Đại tá Nguyễn Hải Như đưa ra thông tin đắt giá: “Không chiếm được Thành cổ nhằm mục đích tuyên truyền, địch tổ chức cắm cờ giả ở đình làng Trầm Lý, phía đông bắc, cách thị xã 3km. Tối ngày 25, đài phát thanh Sài Gòn tuyên bố quân mũ nồi đỏ đã vào Thành cổ, chuẩn bị sáng mai làm lễ chào cờ.
Sáng hôm sau, địch đốt hỏa mù lên, cho quân leo qua tường giả làm tường Thành. Địch dự định tổ chức họp báo có cả cố vấn Mỹ và phóng viên phương Tây đến quay phim chụp ảnh nhưng ta đã phát hiện, nên khi địch đưa bộ binh vào diễn thì pháo của ta bắn cấp tập vào đội hình của địch và cuộc cắm cờ giả không thành. Sau đó địch thay quân dù bằng thủy quân lục chiến ở khu vực này”.
Điều này cho thấy, chiến thuật tấn công ồ ạt của địch đã bị quân giải phóng ngăn chặn hiệu quả. Địch “khát” chiến thắng đến nỗi phải tìm nơi khác để cắm cờ, khẳng định chiến thắng mà mọi người vẫn gọi là kế hoạch “xê dịch” Thành cổ:
“Đưa” Thành cổ ra nơi khác để tuyên truyền, khuyếch trương “chiến thắng” với nhân dân miền Nam và các nước đồng minh. Song, cái kế hoạch ấy cũng chết yểu từ trong trứng nước. Ngày 27/7, Ngô Quang Trưởng thay quân nhảy dù bằng thủy quân lục chiến gồm lữ đoàn 147 và 258 do Thiếu tướng Bùi Thế Lân chỉ huy, quyết chiếm được Thành cổ.
Tiểu đội thông tin Trung đoàn 27, mặt trận B5 Trị Thiên - Huế theo sát đơn vị truy kích địch tại Quảng Trị. |
Những ngày đỏ lửa
Tính đến 20/8/1972, địch mở 4 đợt tiến công vào các hướng mũi phòng thủ thị xã Quảng Trị, nhưng đều bị ta đẩy lùi. Đến ngày 20/8, địch mở đợt tiến công thứ 5 nhưng cũng thất bại.
Từ ngày 3/8, khi mưa vừa tạnh, địch bắt đầu tấn công và kéo dài cho đến ngày 10, song chúng gặp phải sự kháng cự kiên cường của quân ta. Với tinh thần “bộ đội mình còn, trận địa còn”, các lực lượng bảo vệ Thành cổ đã gây cho địch rất nhiều thiệt hại.
Địch lại chuyển sang chiến thuật mới là “dũi” dần từng bước, đánh chiếm từng công sự một; chiếm xong mang dây thép gai và công sự lắp sẵn phía sau lên trận địa. Cho đến hết tháng 8, hai bên giằng co nhau: Địch chiếm, ta phản kích; địch đánh ban ngày, ta chuyển đánh ban đêm, tập kích giành lại. Lúc này Thị xã và Thành cổ hầu như bị phá hủy hoàn toàn.
Trong tháng 9, địch quyết định tăng hỏa lực, thực hiện kế hoạch “sóng thần 9”, thêm các liên đoàn biệt động xe tăng và dù, lợi dụng mùa mưa bão, tập trung đánh vòng ngoài hỗ trợ đánh dứt điểm các vị trí trong Thị xã. Có chỗ địch chỉ cách cổng Thành chừng 400-500m. Có hướng xa hơn như Cầu Sắt, nhưng ở hướng làng Thạch Hãn đi lên cửa nam chỉ còn cách 500-600m. Hai bên áp nhau, các trận đánh trở nên vô cùng ác liệt.
Ngày 7/9, địch tiến công đợt 6, mở đầu bằng đòn tập kích hỏa lực “Phong lôi 2”. Không quân, hải quân Hoa Kỳ, pháo binh bắn suốt 48 giờ liền vào tất cả các trận địa trong khu Thành cổ, các bến vượt sông, đường cơ động lực lượng và vận chuyển. B-52 rải thảm tả ngạn sông Thạch Hãn, tập trung vào khu Nhan Biều - Ai Tử và các trận địa pháo của ta.
Chỉ tính từ ngày 9/9 đến ngày 16/9, Mỹ sử dụng pháo hạm bắn 123.725 viên đại bác vào thị xã (trong đó có 52.573 viên vào Thành cổ); sử dụng 2.244 lần chiếc máy bay ném bom, trong đó có ngày huy động tới 100 lần chiếc máy bay ném bom chiến lược B52.
Trong những trận chiến đấu ác liệt ấy, đã xuất hiện những tấm gương mưu trí, dũng cảm, chỉ huy sáng tạo, điển hình là Trung đội trưởng Nguyễn Đức Khả. Được xe tăng và pháo binh đơn vị bạn chi viện, Khả đã chỉ huy trung đội tập kích, diệt và bắt gọn một đại đội lính dù ngụy, làm chủ trận địa.
Khi được lệnh cho xe tăng rút ra, Khả dùng hỏa lực của mình bắn chế áp địch ở khu chợ, đồng thời gọi pháo bắn chế áp trận địa pháo địch, tạo điều kiện cho xe tăng rút về an toàn, sau đó mới cho trung đội quay lại làm công sự chốt giữ nhà thờ La Vang.
Đại tá, Anh hùng LLVTND Đỗ Văn Mến, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3 (K3- Tam Đảo) đã kể về thời điểm này: Đầu tháng 9/1972 là giai đoạn ác liệt nhất. Đỉnh điểm là trận đánh ngày 12/9, lúc này lực lượng của K3 - Tam Đảo chỉ còn hơn hai chục cán bộ, chiến sĩ phải đương đầu với 2 đại đội lính thủy đánh bộ ngụy.
Trong trận chiến ác liệt này, chiến sỹ Hán Duy Long đã bắn liền 9 quả B40 vào đội hình địch, đến nỗi ngất gục tại công sự, bình thường sức người chỉ có thể chịu được khi vác súng trên vai và bắn ra 3 viên đạn B40.
Trong bài viết “Xứng với người đã khuất”, CCB Lê Văn Tánh viết: Theo lời trung tá ngụy Trần Văn Hiển - Trưởng phòng 3, Bộ Tư lệnh sư đoàn thủy quân lục chiến - thì từ tháng 6/1972 đến ngày kết thúc chiến dịch, chỉ riêng các đơn vị thủy quân lục chiến của địch đã tổn thất hơn 5.000 tên.
Cũng trong bài viết này, ông dẫn lời tướng ngụy Ngô Quang Trưởng, trong 10 ngày cuối chiến trận, phía địch có 2.757 lính bị chết, 43 tên bị bắt sống; trung bình mỗi ngày có 150 binh sĩ “cọp biển” chết trận...
(Mời xem tiếp trên Pháp luật 4 phương số 62, ngày 18/7/2016)