Hy Lạp xây bức tường biên giới 40 km với Thổ Nhĩ Kì

(PLVN) - Hy Lạp đã hoàn thành việc xây dựng bức tường dài 40 km dọc theo biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, trong bối cảnh các nước châu Âu lo ngại rằng việc Taliban tiếp quản Afghanistan có thể khiến một dòng người tị nạn đổ xô đến châu lục này.
Bức tường được Hy Lạp xây dựng ở biên giới với Thổ Nhĩ Kì để ngăn dòng người nhập cư bất hợp pháp. Ảnh: CNN

Các bộ trưởng của Chính phủ Hy Lạp đã đi thăm bức tường biên giới mà họ hy vọng giảm bớt dòng người di cư qua biên giới nước này. Phát biểu sau chuyến đi, Bộ trưởng Bộ Bảo vệ Công dân Hy Lạp Michalis Chrisochoidis cho biết, “Cuộc khủng hoảng Afghanistan đang tạo ra những thực tế mới trong lĩnh vực địa chính trị và đồng thời tạo ra khả năng cho dòng người di cư. Là một quốc gia, chúng ta không thể thụ động trước những hậu quả có thể xảy ra".

Ông Chrisochoidis khẳng định, bức tường biên giới là để bảo vệ và đảm bảo biên giới của chúng tôi. Biên giới của chúng tôi sẽ vẫn an toàn và bất khả xâm phạm. Chúng tôi sẽ không cho phép các chuyển động mất kiểm soát và thất thường và chúng tôi sẽ không cho phép bất kỳ nỗ lực nào xâm phạm đến biên giới".

Bức tường thể hiện lập trường cứng rắn của Hy Lạp trước đề nghị từ Thổ Nhĩ Kỳ và các tổ chức quốc tế để cho phép nhiều người di cư vào lãnh thổ. Hy Lạp từng là trung tâm trong cuộc khủng hoảng di cư của châu Âu vào giữa những năm 2010, khi hàng triệu người tị nạn từ Syria, Afghanistan và Iraq đến châu lục này.

Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình hôm 19/8, một ngày trước cuộc trao đổi với Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis về vấn đề Afghanistan, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã kêu gọi Liên minh châu Âu hỗ trợ những người tị nạn từ Afghanistan.

Ông Erdogan nói: “Nếu một giai đoạn chuyển tiếp không thể được thiết lập ở Afghanistan, áp lực về di cư, vốn đã lên đến mức cao, sẽ còn gia tăng hơn nữa và tình trạng này sẽ đặt ra một thách thức nghiêm trọng đối với tất cả mọi người”.

Hiện các nhà lãnh đạo ở châu Âu đang phải chuẩn bị cho tình huống khẩn cấp về người tị nạn khi hàng nghìn người Afghanistan đã cố gắng rời khỏi đất nước trong tuần qua trên các chuyến bay quân sự của Mỹ và các nước phương Tây.

Ngay cả trước khi Taliban kiểm soát được Afghanistan thì đại dịch COVID-19 cũng đã khiến cuộc khủng hoảng người di cư trở nên tồi tệ hơn. Một thỏa thuận đã được ký kết giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Liên minh châu Âu vào năm 2016 nhằm ngăn chặn người di cư từ Trung Đông đến châu Âu, nhưng năm ngoái, Thổ Nhĩ Kỳ đã chấp thuận việc đưa người di cư vào châu lục này, nói rằng họ đã "đạt đến khả năng" tiếp nhận.

Đọc thêm