Hy sinh lợi ích quốc gia vì lợi ích người đóng thuế?

Tuy có thời lượng khá eo hẹp, nhưng phiên thảo luận về Dự luật sửa đổi, bổ sung luật Thuế thu nhập cá nhân tại hội trường sáng nay, 15/11, rất sôi nổi, khi bên cạnh những ý kiến phát biểu theo chiều hướng “bổ sung”, có đại biểu bày tỏ quan điểm không nên nâng mức thu nhập phải chịu thuế và giảm trừ gia cảnh trong thời điểm này.

Tuy có thời lượng khá eo hẹp, nhưng phiên thảo luận về Dự luật sửa đổi, bổ sung luật Thuế thu nhập cá nhân tại hội trường sáng nay, 15/11, rất sôi nổi, khi bên cạnh những ý kiến phát biểu theo chiều hướng “bổ sung”, có đại biểu bày tỏ quan điểm không nên nâng mức thu nhập phải chịu thuế và giảm trừ gia cảnh trong thời điểm này.

Đại biểu tỉnh Hòa Bình băn khoăn về những đối tượng sẽ chịu ảnh hưởng gián tiếp nếu quy định về thuế thay đổi chưa được lấy ý kiến.
Nâng mức giảm trừ, ngân sách sẽ giảm thu
Ngay lời mở đầu, đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình) đã khẳng định quan điểm của mình trái ngược với ý kiến của đa số các đại biểu phát biểu trước đó. 
“Tôi không đồng tình vào thời điểm hiện nay chúng ta nâng mức giảm trừ gia cảnh. Tôi đề nghị chúng ta không nâng mức giảm trừ gia cảnh. Bắt đầu từ năm 2014 chúng ta sẽ hạ tỷ lệ nộp thuế thu nhập cá nhân", ông nói.
Theo lý giải của đại biểu Thường, việc nâng mức giảm trừ gia cảnh có nghĩa là số người nộp thuế sẽ giảm từ 3,87 triệu xuống còn 1 triệu. Như vậy, mục tiêu của Luật không đạt được. Bên cạnh đó, mức giảm trừ gia cảnh của Việt Nam hiện cao gấp 5 lần mức giảm trừ gia cảnh của Malaysia, mức này là hợp lý và chưa cần thiết phải hạ xuống.
Hơn nữa, hiện có 3,87 triệu người nộp thuế và chủ yếu có mức thu nhập 5 - 7 triệu đồng, như vậy, mỗi tháng họ nộp khoảng 50.000 - 150.000. “Chúng ta đã quyết định tăng lương từ 1/7/2013 như vậy mỗi người sẽ tăng lên được khoảng từ 500.000 - 800.000 và nếu như có nộp thì cũng không ảnh hưởng gì nhiều đến cuộc sống của người nộp thuế. Nếu nâng mức giảm trừ gia cảnh lên thì chúng ta sẽ giảm thu ngân sách”, ông Thường nhấn mạnh. 
Ở góc nhìn khác, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) phân tích: “Thuế thu nhập cá nhân đánh vào thu nhập riêng của cá nhân nhằm mục đích trích một phần tài sản của mỗi cá nhân để phục vụ lợi ích chung của toàn xã hội, các mục đích an sinh xã hội...
Với quan điểm người nào thu nhập càng nhiều của cải từ xã hội thì người đó càng phải trích nhiều của cải để phục vụ lại cho xã hội, do vậy, thu nhập càng cao thì thuế phải nộp càng nhiều. Vậy, mức giảm trừ gia cảnh càng cao thì số người phải nộp thuế vào nguồn thu ngân sách sẽ càng bị giảm. Nếu áp dụng vào ngày 1/7/2013 sẽ giảm thu ngân sách 6 tháng cuối năm 2013 là 5.200 tỷ đồng theo báo cáo của Chính phủ. Do đó các nguồn kinh phí phục vụ cho mục đích an sinh xã hội sẽ bị cắt giảm.
Có thể nói việc thay đổi mức giảm trừ gia cảnh này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới những đối tượng có các khoản thu hay nguồn thu phải chịu thuế chiếm 4,4% theo báo cáo của Chính phủ. Đây là những người phải chịu tác động trực tiếp nhưng nó sẽ gián tiếp ảnh hưởng tới các đối tượng nghèo và kinh phí để thực hiện các công trình an sinh xã hội sẽ bị cắt giảm. Đề nghị cần phải có những đóng góp từ nhiều phía để làm sao cân bằng được lợi ích giữa các tầng lớp nhân dân trong xã hội, đảm bảo quyền, lợi ích cơ bản của mỗi người dân và công bằng xã hội.”
Băn khoăn của đại biểu Nguyễn Thanh Hải là khi nghiên cứu toàn bộ các tài liệu được cung cấp của dự án luật như báo cáo tổng kết 3 năm thi hành luật, báo cáo đánh giá tác động của dự án luật, bà nhận thấy đối tượng được lấy ý kiến phần lớn ở các bộ, ban, ngành hay các cơ quan quản lý thuế, các nhà khoa học. Còn đối tượng là những người nghèo, những người có thu nhập thấp, người cần được xã hội bảo trợ…, những đối tượng sẽ chịu ảnh hưởng gián tiếp nếu quy định về thuế thay đổi, lại chưa được lấy ý kiến. 
Do đó, bà Hải đề nghị Ban soạn thảo nên trình bày thêm các cơ sở khoa học. Hiện tại trong báo cáo chỉ trình bày tham chiếu sự biến động của các yếu tố nhưng không trình bày các cơ sở khoa học đối với việc quy định mức giảm trừ gia cảnh và sự tương quan với các nước lân cận. Mức giảm trừ gia cảnh của Việt Nam là 2,5 lần GDP, trong khi Trung Quốc là 1,23 lần, Indonesia là 0,527 lần, Malaysia là 0,312 lần...
Cần sớm áp dụng quy định mới
Tuy nhiên, bên cạnh hai ý kiến khá găy gắt theo hướng phản biện lại việc nâng mức thu nhập phải chịu thuế và giảm trừ gia cảnh, đa số các ý kiến đồng tình với quy định mà ban soạn thảo đã đưa ra trong Dự Luật. Tuy nhiên, cũng nên tính toán đến các biện pháp để bảo đảm an sinh xã hội.
Đại biểu Cao Sĩ Kiêm (Thái Bình) nói: "Mức điều chỉnh 9 triệu, 3,6 triệu, là hợp lý. Sự điều chỉnh này bù đắp một cách khiêm tốn khó khăn của những người làm công, ăn lương bị trượt giá... Tuy nhiên,  đề nghị Chính phủ trong điều hành thực hiện việc này cố gắng tạo ra mọi biện pháp, tạo ra nhiều chính sách an sinh xã hội khác để đảm bảo thu nhập, giúp những người không thuộc đối tượng phải chịu thuế đỡ thiệt thòi.  Đồng thời có biện pháp quản lý kiểm tra một cách hiệu lực các khoản thu nhập cá nhân của những người có thu nhập. Hiện nay nhiều khoản thu nhập không được đưa vào, không được kiểm soát, không được đánh giá".
Đại biểu Trần Thanh Hải (TP Hồ Chí Minh) có ý kiến: Đề nghị bỏ toàn bộ Mục b, Khoản 2, Điều 3 chứ không chỉ bỏ một phần. “Hiện nay nhà nước đang thực hiện rất nhiều chính sách phụ cấp đối với người lao động, trong đó có một số chính sách phụ cấp đã được miễn trừ khi tính thuế thu nhập cá nhân nhưng một số chính sách khác nếu chúng ta tiếp tục để tính thuế thì thực sự đau lòng”, ông Hải lý giải. 
Đa số các ý kiến đồng tình với việc nâng mức thu nhập phải chịu thuế và giảm trừ gia cảnh cho rằng trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, nên nhanh chóng áp dụng quy định này từ ngày 1/1/2013, không nên để đến 1/7/2013. 
Nhật Thanh

Đọc thêm