Thực tế trên đã được tiết lộ sau quá trình điều tra của ủy ban này về thiết bị ghi âm dữ liệu máy bay (FDR). Theo kết quả điều tra sơ bộ của KNKT, chiếc máy bay xấu số đã gặp trục trặc trong hai chuyến bay ngày 28/10 và 29/10.
“Trong suốt chuyến bay từ Denpasar tới Jakarta, chiếc máy bay đã gặp một trục trặc kỹ thuật, nhưng phi công vẫn quyết định tiếp tục chuyến bay”, điều tra viên Nurcahyo Utomo – người đứng đầu KNKT ngày 28/11 cho biết. “Theo quan điểm của chúng tôi, chiếc máy bay không có đủ khả năng bay và không nên bay”, ông nói.
Tuy nhiên, chiếc máy bay này không chỉ thực hiện hành trình đến Jakarta vào đêm 28/10 mà còn tiếp tục được đưa phục vụ trở lại vào 7 giờ sau đó sau khi được bảo dưỡng, và trong chuyến bay định mệnh ngày 29/10, nó đã gặp một trục trặc kỹ thuật tương tự. JT610 đã rơi chỉ ít phút sau khi cất cánh khi thực hiện hành trình bay từ Jakarta đến Pangkal Pinang, làm toàn bộ 189 người trên máy bay thiệt mạng.
Ông Nurcahyo cho biết, nhật ký bảo dưỡng máy bay cũng cho thấy, kể từ ngày 26/10, đã có 6 báo cáo về các vấn đề, bao gồm các chỉ số cảm biến bị lỗi. Nhưng mỗi lần, các vấn đề này đều được cho là đã sửa chữa và máy bay có thể bay.
Các chi tiết mới về những khoảnh khắc cuối cùng của máy bay JT610 cũng được đưa ra trong báo cáo điều tra sơ bộ. Báo cáo nói rằng, chỉ 90 giây sau khi máy bay cất cánh, các phi công đã đề nghị đài kiểm soát không lưu xác nhận độ cao của máy bay, sau đó nói thêm rằng đã có “một vấn đề kiểm soát máy bay”.
Phút thứ 11 của chuyến bay, cơ trưởng nói với đài kiểm soát không lưu rằng độ cao của máy bay không thể xác định được do các thiết bị đo đạc cho các kết quả khác nhau. Những từ cuối cùng của ông là “5 nghìn” khi ông đề nghị làm rõ độ cao 5.000 ft (tương đương 1.500m). Vài giây sau, thiết bị ghi dữ liệu chuyến bay ngừng ghi âm.
Theo những dữ liệu khai thác được từ hộp đen, trong chuyến bay hôm 29/10, máy bay Lion Air đã chúi mũi khoảng 20 lần. Sau mỗi lần máy bay chúi mũi, phi công đã cố gắng tìm cách đưa máy bay trở về trạng thái cân bằng nhưng đến phút thứ 13, chiếc máy bay đã rơi xuống với vận tốc hơn 645 km/ giờ.
Các nhà điều tra khẳng định Lion Air đã cố cho chiếc máy bay này hoạt động, mặc dù chưa khắc phục được lỗi kỹ thuật với đồng hồ đo vận tốc không khí đã phát hiện vài ngày trước khi xảy vụ tai nạn. KNKT nhấn mạnh Lion Air phải đảm bảo rằng phi công có thể đưa ra quyết định đúng đắn về tiếp tục chuyến bay, ngoài ra, toàn bộ hồ sơ sửa chữa máy bay phải được cập nhật và lưu giữ đầy đủ.
Những thông tin sơ bộ nói trên được đưa ra sau 1 tháng xảy ra vụ tai nạn máy bay làm 189 người thiệt mạng ở Indonesia. Sáng 29/10, chiếc máy bay Boeing 737 MAX 8 mang số hiệu JT 610, chở 189 người trên chuyến bay nội địa từ thủ đô Jakarta đến Pangkal Pinang đã mất liên lạc với đài kiểm soát không lưu chỉ 13 phút sau khi cất cánh./.