Theo Reuters, tính đến ngày 24/12, tổng số người thiệt mạng do sóng thần tại Indonesia đã tăng lên thành 281 người. Ít nhất 1.000 người đã bị thương và gần 12.000 người sống ở khu vực ven biển đã buộc phải sơ tán đến những khu vực cao hơn do thảm kịch.
Người phát ngôn cơ quan giảm nhẹ thiên tai Indonesia Sutopo Purwo Nugroho cho biết số nạn nhân và thiệt hại về tài sản dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng. Cùng ngày, lực lượng cứu hộ Indonesia vẫn đang tiếp tục sử dụng các loại máy hạng nặng và cả tay không để đào bới trong những đống đổ nát với hy vọng có thể tìm được những người còn sống sót.
Cũng trong ngày 24/12, cơ quan khí tượng Indonesia xác nhận một mảng có diện tích 0,64km2, tương đương diện tích của 90 sân bóng, ở phía tây nam của núi lửa Anak Krakatau đã đổ sập xuống biển vào tối 22/12. “Việc này đã gây ra một trận lở đất dưới đáy biển và cuối cùng gây ra sóng thần”, ông Dwikorita Karnawati – người đứng đầu cơ quan khí tượng Indonesia xác nhận. Theo giới chức Indonesia, những cơn sóng cao từ 2 đến 3m đã đổ ập xuống khu vực Eo biển Sunda, gây ra thiệt hại lớn về người và tài sản.
Về lý do không dự báo được sóng thần, Người phát ngôn cơ quan giảm nhẹ thiên tai Indonesia Nugroho xác nhận hệ thống phao cảnh báo sóng thần của Indonesia đã không hoạt động từ năm 2012. “Tình trạng phá hoại, thiếu kinh phí và những lỗi kỹ thuật đã khiến hệ thống phao cảnh báo sóng thần hiện không hoạt động”, ông này cho biết. Vẫn theo ông này, trong đêm xảy ra thiên tai, Indonesia không có bất cứ hệ thống cảnh báo sớm sóng sóng thần nào hoạt động. “Sự thiếu vắng hệ thống này đã dẫn tới việc không phát hiện được sớm sóng thần”, ông Nugroho nói.
Theo ông Nugroho, Indonesia hiện không có bất cứ hệ thống cảnh báo sớm sóng thần có thể phát hiện những đợt lở đất và phun trào núi lửa dưới đáy biển như vụ việc sóng thần xảy ra do động đất gây sạt lở dưới đáy biển tại thành phố Palu hồi cuối tháng 9 vừa qua.
Hiện, Indonesia mới có duy nhất hệ thống cảnh báo sóng thần do động đất được xây dựng từ năm 2008, vài năm sau khi trận động đất mạnh 9,3 độ gây ra sóng thần tại thành phố Banda Aceh, đảo Sumatra khiến 168.000 người Indonesia thiệt mạng năm 2004.
“127 ngọn núi lửa, chiếm 13% số núi lửa trên thế giới, là ở Indonesia. Một số nằm dưới đáy biển hoặc là các đảo nhỏ, khi phun trào có thể tạo ra sóng thần”, ông Nugroho nói về thách thức đối với chính phủ và các viện nghiên cứu của Indonesia trong việc phát triển các hệ thống cảnh báo.
Thị sát hiện trường ngày 24/12, Tổng thống Indonesia Widodo đã yêu cầu các cơ quan chức năng của nước này thiết lập các hệ thống cảnh báo sớm động đất và sóng thần. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng những đợt sóng thần do núi lửa phun trào sẽ khó có thể cảnh báo sớm được như sóng thần do động đất.
Đợt sóng thần hôm 22/12 đã đổ ập xuống khu vực ven biển tại Indonesia mà gần như không có dấu hiệu cảnh báo trước. Thời gian để lở đất và những cột sóng ập từ khu vực núi lửa tới bờ biển chỉ là 24 phút. Trước mắt, các chuyên gia đang cảnh báo một trận sóng thần khác có thể sẽ tấn công Indonesia khi núi lửa Anak Krakatoa tiếp tục hoạt động.