IOC phát đơn kiện VNT về khoản nợ 210 tỷ đồng

(PLVN) - Ngày 3/1/2020, Công ty Cổ phần Dịch vụ hỗ trợ và Phát triển đầu tư (IOC) đã chính thức khởi kiện Công ty TNHH VNT (VNT). 

Vụ kiện này liên quan đến việc VNT chuyển nhượng 21 triệu cổ phần OJB (cổ phần của Ngân hàng TMCP Đại Dương, nay là Ngân hàng TM TNHH MTV Đại Dương – OceanBank) tương đương 210 tỷ đồng cho IOC.

Vụ kiện được TAND quận Ba Đình, TP Hà Nội thụ lý. IOC yêu cầu Tòa án giải quyết, buộc VNT trả lại cho IOC số tiền này.

Phát sinh nợ do không hoàn tất việc sang tên cổ phiếu

Ngày 05/9/2011, VNT và IOC ký Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần số 09/2011/HĐ và phụ lục đính kèm hợp đồng với nội dung IOC mua cổ phần của OceanBank do VNT nắm giữ, tổng giá trị điều chỉnh là 210 tỷ, tương ứng 10.000đ/cổ phần, chưa bao gồm thuế, phí; trong vòng 3 ngày, kể từ ngày ký hợp đồng, VNT phải thực hiện xong thủ tục để phong toả cổ phần, thời hạn phong toả là 90 ngày kể từ ngày chuyển tiền; hoàn tất việc sang tên cổ phiếu trong 90 ngày kể từ ngày IOC chuyển tiền. Quá thời hạn mà không hoàn thành, VNT phải trả lại cho IOC toàn bộ tiền đã nhận cùng lãi suất 15%/năm kể từ ngày IOC chuyển tiền là ngày 6/9/2011. 

Tuy nhiên, VNT đã vi phạm hợp đồng và đã không hoàn trả lại số tiền nêu trên cho IOC sau gần 7 năm vi phạm. 

Khoản tiền 210 tỷ đồng mua cổ phiếu trên đến từ đâu?

Theo đơn khởi kiện, số tiền 210 tỷ đồng nêu trên được lấy từ gói giải ngân 500 tỷ đồng thông qua Hợp đồng mua bán trái phiếu giữa IOC và một Ngân hàng TMCP (ngân hàng) ký ngày 01/09/2011. Đây là hợp đồng mua bán trái phiếu có mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu, quy mô của hợp đồng tương ứng với 500 trái phiếu. 

Phía IOC cho rằng, nội dung của bản hợp đồng có nhiều sai phạm nghiêm trọng về Luật Tín dụng và đã trực tiếp gây thiệt hại nặng nề cho IOC. Nguyên nhân sai phạm xuất phát từ việc IOC tại thời điểm phát hành trái phiếu chưa có văn bản chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông; Hồ sơ không đủ điều kiện pháp lý để phát hành bán trái phiếu cho ngân hàng; ngân hàng ký hợp đồng mua trái phiếu vi phạm nghiêm trọng về Luật của các tổ chức tín dụng, biết rõ các sai phạm trong hợp đồng nhưng vẫn ký mua; Phương thức phát hành trái phiếu sai nhưng ngân hàng vẫn nhận đầu tư vào trái phiếu không có tài sản đảm bảo; Không thẩm tra/thẩm định hồ sơ giao dịch mua bán trái phiếu;…

Hiện tại, việc tranh chấp Hợp đồng mua bán trái phiếu giữa IOC và ngân hàng cũng đang nằm trong một vụ án kinh tế lớn và đang được thụ lý bởi TAND TP Hội An, tỉnh Quảng Nam. 

Có thể nói, đây là một trong những hệ lụy to lớn tiếp theo từ sau biến cố ông Hà Văn Thắm bị khởi tố. Các đơn vị có pháp nhân liên quan tới ông Hà Văn Thắm vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi khủng hoảng, vẫn loay hoay với những khó khăn chưa thể giải quyết./.

Đọc thêm