JICA tiếp tục hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực về thúc đẩy hiệu quả thị trường chứng khoán

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sau 4 năm triển khai dự án “Nâng cao năng lực về cải thiện tính công bằng và minh bạch của thị trường cổ phiếu Việt Nam”, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong dự án “Nâng cao năng lực về thúc đẩy hiệu quả thị trường chứng khoán…”.
JICA tiếp tục hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực về thúc đẩy hiệu quả thị trường chứng khoán

Ngày 21/3/2023, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã phối hợp tổ chức hội thảo kết thúc dự án “Nâng cao năng lực về cải thiện tính công bằng và minh bạch của thị trường cổ phiếu Việt Nam”.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch UBCKNN Phạm Hồng Sơn cho biết, dự án “Nâng cao năng lực về cải thiện tính công bằng và minh bạch của thị trường cổ phiếu Việt Nam” đã được triển khai trong vòng 4 năm, từ tháng 4/2019 đến tháng 3/2023.

Với bề dày kinh nghiệm trong việc xây dựng và phát triển TTCK Nhật Bản, JICA đã cam kết hỗ trợ thị trường cổ phiếu Việt Nam, giúp UBCKNN tăng cường năng lực quản lý, giám sát, hướng tới thực hiện mục tiêu “bảo đảm tính công khai, minh bạch, tăng cường năng lực quản lý, giám sát, thanh tra và cưỡng chế thực thi, bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư và lòng tin của thị trường” trong dự án này.

“Dự án đã đáp ứng nhu cầu cấp thiết đang đặt ra của việc nâng cao năng lực trong công tác quản lý, giám sát và vận hành TTCK của ngành Chứng khoán Việt Nam” - Phó Chủ tịch UBCKNN Phạm Hồng Sơn thông tin.

Phát biểu tại hội thảo, ông Shimizu Akira - Trưởng đại diện Văn phòng JICA Việt Nam, cũng cho biết thị trường cổ phiếu của Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ sau khi Việt Nam mở cửa. Giá trị vốn hóa của thị trường cuối năm 2020 đã vượt hơn 180 tỷ USD; đồng thời, sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có nhà đầu tư Nhật Bản ngày càng gia tăng.

Mặt khác, để thị trường cổ phiếu Việt Nam trở thành kênh huy động vốn hấp dẫn, thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, Chính phủ Việt Nam cũng đã nhận thấy việc cần phải cải thiện tính công bằng, minh bạch của thị trường là một vấn đề cấp bách.

Nhờ đó, Chính phủ đã nỗ lực và đẩy nhanh các giải pháp để thúc đẩy vấn đề này như: ban hành Luật Chứng khoán sửa đổi, thành lập Sở GDCK Việt Nam…

“Trên cơ sở đề nghị của Chính phủ Việt Nam, JICA đã triển khai dự án hỗ trợ kỹ thuật nhằm tăng cường năng lực cho UBCKNN và Sở GDCK với mục đích nâng cao tính công bằng, minh bạch cho thị trường cổ phiếu Việt Nam” - ông Shimizu Akira nói.

Thông tin tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBCKNN Phạm Hồng Sơn cũng cho biết, tiếp nối những thành công đã đạt được, Việt Nam đã bắt đầu bước vào giai đoạn phát triển mới của TTCK, hướng tới các mục tiêu tiếp theo trong Chiến lược phát triển TTCK giai đoạn 2021 - 2030.

“Dưới sự hỗ trợ của JICA, đang chuẩn bị bước vào dự án tiếp theo - “Nâng cao năng lực về thúc đẩy hiệu quả TTCK Việt Nam”. Dự kiến dự án mới sẽ bắt đầu vào tháng 4/2024…” - Phó Chủ tịch UBCKNN Phạm Hồng Sơn thông tin.

Lãnh đạo UBCKNN cùng bày tỏ, sau khi kết thúc dự án “Nâng cao năng lực về cải thiện tính công bằng và minh bạch của thị trường cổ phiếu Việt Nam” và tiến tới triển khai dự án tiếp theo, cùng với nền tảng hợp tác đang phát triển tích cực giữa hai chính phủ, UBCKNN, Cơ quan Dịch vụ tài chính Nhật Bản và JICA, quan hệ hợp tác hai nước sẽ ngày càng phát triển rực rỡ, toàn diện.

Đặc biệt, thể chế về TTCK được hoàn thiện; hiểu biết về quản lý và giám sát thị trường, thanh tra và xử lý vi phạm nhằm bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư; việc minh bạch hóa thông tin trên thị trường cũng như công tác quản trị công ty của các tổ chức niêm yết; việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước của các cán bộ ngành Chứng khoán Việt Nam được nâng cao…

Trong khuôn khổ Hội thảo, đại diện UBCKNN cũng giới thiệu Chiến lược phát triển TTCK Việt Nam giai đoạn 2021-2030.

Theo đó, Chiến lược đặt mục tiêu tăng quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu, tăng dư nợ thị trường trái phiếu; thị trường chứng khoán phái sinh tăng trưởng trung bình từ 20 - 30% mỗi năm.

Chiến lược cũng đặt mục tiêu tăng số lượng tài khoản nhà đầu tư, phát triển nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài; Nâng cao chất lượng quản trị công ty niêm yết; áp dụng tiêu chuẩn ESG (môi trường - xã hội - quản trị) tại các sở giao dịch chứng khoán và Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán, hướng tới phát triển bền vững.

Đọc thêm