Kế hoạch này được chia sẻ bởi ông Wu Chunfeng, chủ tịch nhà thầu xây dựng tư nhân mang tên Viện nghiên cứu Khoa học Hàng không và Hệ thống Công nghệ Vi điện tử Thành Đô (Casc), tại một sự kiện kinh doanh và sáng tạo mới đây.
Ông Wu cho biết thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, đang ấp ủ một kế hoạch tham vọng nhằm thay thế hệ thống đèn đường: phóng mặt trăng nhân tạo "được thiết kế để bổ sung nguồn sáng cho Mặt Trăng" vào năm 2020.
Vệ tinh nhân tạo "sáng như ánh hoàng hôn" dự kiến có cường độ chiếu sáng mạnh hơn Mặt Trăng thật 8 lần, có thể bao phủ khu vực đường kính rộng từ 10-80 km, phạm vi chiếu sáng chính xác được điều khiển trong vòng vài chục mét.
Ông Wu cho biết các cuộc thử nghiệm xoay quanh dự án phóng mặt trăng nhân tạo đã diễn ra trong nhiều năm, và công nghệ hiện nay đã đủ phát triển để thực hiện dự án vào năm 2020.
Chưa rõ liệu kế hoạch có được chính quyền thành phố hoặc cơ quan trung ương phê duyệt hay chưa, dù công ty Casc là nhà thầu chính cho chương trình phát triển hàng không của Trung Quốc.
Theo ông Wu, ý tưởng của thiết kế mặt trăng nhân tạo đến từ "một họa sĩ người Pháp, người đã tưởng tượng việc treo một sợi dây chuyền được làm từ gương phía trên Trái Đất, có thể phản chiếu ánh sáng Mặt Trời lên các con đường của thành phố Paris suốt năm".
Khả năng thực hiện dự án phóng mặt trăng nhân tạo còn cần được xem xét. Tuy nhiên, từng có nhiều ý tưởng tương tự trước đây, bắt nguồn từ khoa học, dù mục tiêu và công nghệ thực hiện khác nhau. Vào những năm 1990, một nhóm các kỹ sư và nhà thiên văn học người Nga đã thực hiện dự án Znamya: phóng vệ tinh nhân tạo lên không gian để phản chiếu ánh sáng Mặt Trời xuống Trái Đất. Trong thời gian ngắn, vệ tinh này đã chiếu sáng một phần bán cầu về đêm.
Ông Kang Weimin, giám đốc Viện Quang học thuộc Trường Hàng không Vũ trụ, người cho rằng vệ tinh chiếu sáng của tỉnh Thành Đô "sẽ có ánh sáng tương tự hoàng hôn, vì vậy không ảnh hưởng đến cuộc sống của các loài động vật".