Kế hoạch sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường

Trước những thay đổi nhanh chóng của đời sống kinh tế, xã hội, khoa học, công nghệ, biến đổi khí hậu và những yêu cầu chất lượng cuộc sống ngày cao hơn, Luật Bảo vệ môi trường 2005 đã bộc lộ một số hạn chế cần sớm được khắc phục.

Trước những thay đổi nhanh chóng của đời sống kinh tế, xã hội, khoa học, công nghệ, biến đổi khí hậu và những yêu cầu chất lượng cuộc sống ngày cao hơn, Luật Bảo vệ môi trường 2005 đã bộc lộ một số hạn chế cần sớm được khắc phục.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tại Nghị quyết số 20/NQ-QH13 về chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh đã được Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII, kỳ họp thứ 2 được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2011 và Quyết định số 207/QĐ-TTg ngày 17/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phân công cơ quan chủ trì soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh thuộc chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức triển khai dự án xây dựng Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi.

Ngày 17/02/2012 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 207/QĐ-TTg về việc phân công cơ quan chủ trì soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII giao Bộ Tài nguyên và Môi trường đầu mối thực hiện dự án xây dựng Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi. Theo đó, ngày 28/6/2012, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ký Quyết định số 950/QĐ-BTNMT phê duyệt Kế hoạch triển khai xây dựng Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Về mục tiêu, Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) sẽ kế thừa thành tựu đạt được của Luật Bảo vệ môi trường năm 1993 và Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, khắc phục những khiếm khuyết của Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, bổ sung và làm cụ thể hơn một số điều khoản cần thiết nhằm đáp ứng cao hơn các yêu cầu về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững trong thời gian tới.

Việc xây dựng Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi phải đáp ứng được các yêu cầu thực tiễn về công tác bảo vệ môi trường trong giai đoạn hiện nay (theo hướng thống nhất chức năng quản lý, tránh tình trạng chồng chéo, phân tán như hiện nay, tăng cường hiêu quả công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường), cũng như các yêu cầu của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, trên cơ sở đánh giá toàn diện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường hiện nay và tình hình thực thi Luật Bảo vệ môi trường năm 2005.

Về nguyên tắc, Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) phải bảo đảm phù hợp với Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đường lối, chính sách của Đảng; phù hợp với luật pháp và các điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia; đồng thời, kế thừa những thành công và những bài học thu được trong quá trình thực hiện Luật Bảo vệ môi trường 2005; tiếp thu có chọn lọc một số kinh nghiệm của các nước trên thế giới trong việc sửa đổi và từng bước hoàn thiện bộ luật về môi trường.

Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) cũng nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, các chiến lược, chương trình lớn của Nhà nước về bảo vệ môi trường trong thời gian từ 2005 đến nay và tính đến năm 2020; bảo đảm tính khoa học, rõ ràng, thống nhất, toàn diện và khả thi, phù hợp với thực tiễn Việt Nam trong tất cả các điều khoản của Luật; chấp hành các quy định về ban hành văn bản quy phạm pháp luật; nghiên cứu và tiếp thu ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp và các nhà khoa học có liên quan.

Về kế hoạch triển khai, ngày 28/6/2012, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang đã ký Quyết định số 950/QĐ-BTNMT thành lập Ban soạn thảo và tổ biên tập. Các kế hoạch thực hiện đã được triển khai là họp Ban soạn thảo; họp để tổng kết, đánh giá thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2005; tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm hoặc gửi xin ý kiến chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý, đồng thời tổ chức lấy ý kiến góp ý Bộ, ngành, địa phương và đăng tải toàn văn Dự thảo lần thứ hai Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi và Báo cáo đánh giá tác động lên Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường để lấy ý kiến nhân dân.

Các bước tiếp theo là: Thẩm định tư pháp và xây dựng giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định tư pháp; Chỉnh lý hồ sơ dự thảo luật; Xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi; Trình Chính phủ xem xét, cho ý kiến, tiếp thu ý kiến của thành viên Chính phủ; trình Chính phủ xem xét, trình các cơ quan Quốc hội.

Sau khi hoàn thiện Dự án Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi, sẽ trình các cơ quan của Quốc hội để cho ý kiến, thẩm tra; phối hợp với cơ quan của Quốc hội khi có đề nghị tổ chức hội thảo, khảo sát thực tế địa phương, thực hiện tiếp thu ý kiến của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, chỉnh lý dự thảo luật và hồ sơ kèm theo. Dự kiến, Dự án Luật sẽ trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII và trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII.

Vũ Ngọc Sáng

Đọc thêm