Bằng uy tín cá nhân, từ tháng 9/2015 đến tháng 10/2016, Nguyễn Hùng (SN 1972, ngụ TP Huế) nguyên là trưởng phòng kế toán, tài chính kiêm kế toán trưởng của công ty gạch men đã mượn thủ quỹ tiền tồn quỹ của công ty 64 lần, chiếm đoạt 2,5 tỷ đồng. Hùng đã “phù phép” lại sổ sách, sửa số liệu quyết toán hòng thoát tội, nhưng “chạy trời vẫn không khỏi nắng”.
Hủy phiếu thu, nâng khống công nợ
Phiên tòa “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” do TAND tỉnh Thừa Thiên Huế tiến hành xét xử diễn ra vào một chiều cuối tháng 12/2017. Bị cáo trong vụ án là Nguyễn Hùng – Nguyên Trưởng phòng kế toán - Tài chính kiêm kế toán trưởng của công ty TNHH Gạch Tuynen 2 Thừa Thiên Huế.
Theo cáo trạng truy tố, từ tháng 9/2015, bị cáo Hùng đã lợi dụng uy tín của bản thân nói với Trần Thị Kim Chi (32 tuổi) và Lương Thị Thanh Thủy (30 tuổi, đều là nhân viên thủ quỹ của công ty) lấy tiền tồn quỹ trong ngày của công ty để đưa cho Hùng mượn sử dụng vào mục đích cá nhân và hứa sẽ trả lại sau.
Mỗi lần cần tiền tiêu xài, bị cáo liền đến gặp Chi, Thủy, nói với 2 người này kiễm tra quỹ tồn có bao nhiêu rồi lấy cho Hùng mượn. Những khi Hùng ở ngoài công ty thì nhắn tin số tiền cần mượn. Hùng hứa trả lại đầy đủ và hứa không làm ảnh hưởng đến công việc của hai thủ quỹ.
Trong thời gian Trần Thị Kim Chi làm thủ quỹ, đã cho bị cáo mượn tiền 30 lần với tổng số tiền là 1,3 tỷ đồng. Bị cáo Hùng 2 lần hoàn trả lại 350 triệu đồng, còn lại chiếm đoạt 950 triệu đồng.
Sau khi Chi nghỉ sinh con, Thủy được công ty giao làm thủ quỹ. Trong thời gian từ tháng 3/2016 đến tháng 10/2016, Thủy đã cho Hùng mượn tổng cộng 34 lần với tổng số tiền là 1,79 tỷ đồng. Cứ dăm ngày Thủy lại cho “sếp” mượn tiền, ít thì chục triệu, nhiều thì hơn trăm triệu đồng. Hùng 2 lần hoàn trả cho Thủy 225 triệu đồng, còn lại chiếm đoạt 1,567 tỷ đồng.
Như vậy, thông qua hai thủ quỹ của công ty, Hùng đã chiếm đoạt tổng cộng hơn 2,5 tỷ đồng. Sau khi thấy mình không có khả năng chi trả số tiền trên, bị cáo lợi dụng chức vụ kế toán trưởng của mình, đã có thủ đoạn gian dối trong việc cân đối sổ sách kế toán. Hùng chỉnh sửa lại số liệu công nợ của khách hàng trên báo cáo quyết toán quý 3 của năm 2016, hủy 65 phiếu thu của 31 khách hàng, nâng khống công nợ chưa trả của 31 khách hàng lên với số tiền 2,7 tỷ đồng nhằm chiếm đoạt số tiền trên của công ty. Khi Hùng trình Báo cáo quyết toán, giám đốc công ty nghi ngờ việc làm sai phạm của Hùng nên đã báo cáo với hội đồng quản trị thành lập ban kiểm soát, từ đó, vụ việc dần dần được phanh phui.
“Sếp nói đưa tiền thì đưa thôi”
Liên quan đến vụ án, Chi và Thủy đã có hành vi cho Hùng mượn tiền của công ty dẫn đến Hùng lạm dụng, chiếm đoạt tiền. Tuy nhiên do cả hai tin tưởng Hùng, không biết Hùng có thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản. Đồng thời cả hai không được ăn chia, hưởng lợi gì trong số tiền mà Hùng chiếm đoạt. Vì vậy không có cơ sở để xác định Chi và Thủy là đồng phạm.
Tại phiên tòa, cả Chi và Thủy đều khai, do Hùng là cấp trên, nên khi Hùng yêu cầu: “Em kiểm tra két sắt, có bao nhiêu tiền thì đưa anh đi giải quyết việc của công ty”, cả hai đều răm rắp nghe lệnh.
Mỗi lần đưa tiền cho Hùng, cả 2 có yêu cầu Hùng ký giấy, nhưng lần nào Hùng cũng viện đủ lý do để từ chối. “Khi đưa tiền cho bị cáo, 2 chị có được bị cáo cho tiền không?”, tòa chất vấn. Cả Thủy và Chi đều khai Hùng không hề cho mình tiền. “Không cho tiền, không được hưởng lợi gì, tại sao lại dễ dàng cho bị cáo mượn tiền thế?”. “Vì bị cáo là sếp. Sếp nói đưa tiền thì đưa thôi”, Thủy nói. “Vì sao không ký giấy, mà các chị lại đưa tiền?”. “Vì trong công ty, anh Hùng nắm quyền lực, nên phải nghe lời”, Chi nói.
Tòa hỏi Thủy: “Chị học gì ra? Trước khi làm thủ quỹ của cơ quan, có được đào tạo về chuyên môn không?”. Thủy cho biết mình tốt nghiệp ngành kế toán. Cô vào công ty làm kế toán tổng hợp. Sau khi Chi nghỉ sinh, thì được điều động qua làm thủ quỹ, nhưng không được đào tạo gì về nghiệp vụ. “Chị có biết, trong quá trình mượn tiền, bị cáo không hề ký bất kỳ giấy tờ gì, nếu bị cáo không thừa nhận hành vi phạm tội của mình, thì người đứng ở vành móng ngựa hôm nay là hai chị hay không?. Chuyên môn các chị quá non kém không những khiến công ty thất thoát tài sản, mà suýt chút nữa còn đẩy cả chính bản thân vào vòng tù tội”, chủ tọa nhắc nhở.
Giám đốc công ty gạch “than thở” trước tòa, mỗi lần công nhân tạm ứng tiền, dù chỉ 500 ngàn đồng, cũng phải ký không biết bao nhiêu giấy tờ, cuối cùng phải qua tay ông ký, tiền mới được xuất. Nhưng ông không ngờ, thủ quỷ của công ty lại dễ dàng đưa tiền cho Hùng như thế, đến một tờ giấy cũng không cần ký.
Sau khi gây ra sai lầm, cả hai đều bị công ty cho nghỉ việc. Tòa hỏi Thủy: “Giờ chị làm gì?”. “Đang thất nghiệp ở nhà”. “Chị có chồng chưa?”. “Có”. “Có con chưa?”. “Có”. “Vậy giờ không việc làm thì làm sao?”. “Chồng nuôi”. Những câu trả lời tưng tửng của Thủy khiến nhiều người dự khán phải trố mắt nhìn. Cũng chung hoàn cảnh như Thủy, hơn 1 năm qua, Chi cũng ngồi nhà.
Dấu hiệu tẩu tán tài sản
Tại phiên tòa, HĐXX liên tục “truy” việc bị cáo đã sử dụng 2,5 tỷ đồng vào việc gì, nhưng bị cáo liên tục khai vòng vo. Bị cáo khai mình đã tiêu xài hết, nhưng vào việc gì thì không còn nhớ rõ. Nhưng trước sức ép của HĐXX, cuối cùng Hùng cũng khai nhận, 2,5 tỷ đồng đều được mình ném hết vào cờ bạc, cá độ. Ngay cả ngôi nhà của vợ chồng Hùng cũng được bị cáo bán cho anh trai để trả nợ ngân hàng và trả nợ cờ bạc.
Tòa: “Hiện tại vợ con bị cáo ở đâu?”.
“Bị cáo không biết. Hình như là đi ở trọ”.
“Bị cáo là một người có công ăn việc làm, từng có địa vị trong xã hội. Bị cáo phải có trách nhiệm của một người làm chồng, làm cha chứ. Sao có thể bán căn nhà vợ con đang ở để trả nợ cờ bạc, lấy tiền công ty để chơi cờ bạc, bị cáo không có suy nghĩ à?”.
“Bị cáo rất hối hận. Giờ bị cáo không có tiền, không có tài sản gì, sau khi ra tù, bị cáo hứa sẽ làm lụng, kiếm tiền bồi thường lại cho công ty.”.
“Năm nay bị cáo đã gần 50 tuổi. Khung hình phạt của bị cáo, cao thì 20 năm hoặc chung thân, thấp nhất cũng 12 năm tù. Ra tù cũng đã ngót nghét 60 tuổi. Tuổi đó người ta đã nghỉ hưu, bị cáo làm được gì nữa để bồi thường?”. Bị cáo im lặng.
Vợ bị cáo ngồi bên dưới nhìn chồng rồi lặng lẽ chảy nước mắt. Vợ chồng chị có ba đứa con, đứa lớn hãy còn đang học đại học, đứa nhỏ nhất chỉ mới 5 tuổi. Giờ chị không nhà không cửa, đang ở trọ, một mình phải nuôi 3 đứa con. Chạy vạy hết sức, chị mới kiếm được 20 triệu giúp chồng bồi thường. Hiện tại, chị không có khả năng thay chồng bồi thường tiếp. Trong suốt phiên tòa, chị cứ ngồi đờ đẫn nhìn chồng, nước mắt chảy ướt mặt.
Về ngôi nhà vợ chồng chị đã chuyển nhượng cho vợ chồng chị gái và anh rể bị cáo vào tháng 8/2016 đã được kê biên. Bị cáo khai trước đó 1 năm, do bị cáo nợ ngân hàng và mất khả năng chi trả, nên đã bán căn nhà trên cho chị gái, một nửa bị cáo trả ngân hàng số tiền vay để xây nhà, số còn lại thì trả nợ cờ bạc bên ngoài. “Bị cáo bán nhà trước hay sau khi xảy ra vụ án?”. “Bán trước”. “Tại sao không làm giấy tờ tại cơ quan chức năng mà làm giấy tờ tay?”. Bị cáo khai, do hai vợ chồng bị cáo có ý định chuộc lại nhà, nên mới không ra công chứng. Nhưng 1 năm sau khi bán nhà, thấy không có khả năng chuộc lại nhà, nên hai bên mới ra công chứng giấy tờ vào tháng 8/2016. Có mặt tại tòa, chị gái và anh rể bị cáo cũng yêu cầu tòa bãi bỏ lệnh kê biên, vì căn nhà này được cả hai mua bán trước khi vụ án xảy ra. Do đó, đây là tài sản của họ, không liên quan đến bị cáo và vụ án.
Tuy nhiên, theo nhận định của tòa án, hợp đồng chuyển nhượng căn nhà trên vào tháng 8/2016 (có công chứng) - trong thời gian bị cáo gây án, do đó có dấu hiệu tẩu tán tài sản. Vì vậy tòa quyết định tiếp tục kê biên tài sản trên để đảm bảo thi hành án. Riêng hành vi “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” của bị cáo, tòa tuyên phạt 12 năm tù và phải bồi thường 2,5 tỷ đồng bị cáo đã lấy của công ty.
Về ngôi nhà vợ chồng bị cái đã chuyển nhượng cho vợ chồng chị gái và anh rể vào tháng 8/2016 đã được kê biên. Bị cáo khai trước đó 1 năm, do bị cáo nợ ngân hàng và mất khả năng chi trả, nên đã bán căn nhà trên cho chị gái, một nửa bị cáo trả ngân hàng số tiền vay để xây nhà, số còn lại thì trả nợ cờ bạc bên ngoài. “Bị cáo bán nhà trước hay sau khi xảy ra vụ án?”. “Bán trước”. Theo nhận định của tòa án, hợp đồng chuyển nhượng căn nhà trên vào tháng 8/2016 (có công chứng) - trong thời gian bị cáo gây án, do đó có dấu hiệu tẩu tán tài sản. Vì vậy tòa quyết định tiếp tục kê biên tài sản trên để đảm bảo thi hành án.