Khác biệt trong cách bày biện mâm ngũ quả dịp Tết Nguyên đán ở ba miền

0:00 / 0:00
0:00

(PLVN) -  Trong quan niệm của người Việt từ xưa đến nay, mâm ngũ quả là một phần quan trọng không thể thiếu trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc. Tùy vào quan niệm văn hóa và đặc trưng vùng miền mà mỗi nơi lại có cách lựa chọn và bày trí khác nhau. Tuy nhiên, tựu chung lại mâm ngũ quả mang ý nghĩa là sự đoàn viên, sung túc cũng như gửi gắm những ước nguyện tốt đẹp trong năm mới.

Khác biệt trong cách bày biện mâm ngũ quả dịp Tết Nguyên đán ở ba miền

Mâm ngũ quả ở miền Bắc

Đối với các gia đình ở miền Bắc, mâm ngũ quả thường được bày biện với 5 màu dựa theo quan niệm "ngũ hành" .Trong đó: màu trắng hoặc xám, ghi - tượng trưng cho mệnh Kim; màu vàng - tượng trưng cho mệnh Thổ; màu xanh lá - tượng trưng cho mệnh Mộc; màu đen - tượng trưng cho mệnh Thủy và màu đỏ - tượng trưng cho mệnh Hỏa. Các loại hoa quả, trái cây bày trong mâm ngũ quả được chọn theo số lẻ, xếp đan xen và so le với nhau.

Mâm ngũ quả của miền Bắc

Mâm ngũ quả của miền Bắc

Chuối xanh là loại hoa quả phổ biến trong mâm ngũ quả của người miền Bắc, chuối xanh tượng trưng cho hành Mộc. Nải chuối xanh đặt dưới cùng ví như bàn tay nâng đỡ, che chở cho gia chủ.

Với hành Thổ thì Bưởi vàng tượng trưng cho sự giàu sang, may mắn. Có thể thay bưởi bằng quả phật thủ bởi dân gian quan niệm loại quả này có tác dụng lưu giữ thần, Phật và gia tiên lưu lại trong nhà lâu hơn để phù hộ cho gia chủ.

Ngoài ra còn các loại quả khác như đào, lê, hồng, quýt, táo thì đặt ở xung quanh, ở chỗ trống thì có thể xen kẽ ớt, quất một cách hài hòa.

Một điểm đáng lưu ý trong cách bày trí mâm ngũ quả của người miền Bắc là kiêng kị dùng các loại hoa quả có gai nhọn, xù xì vì cho rằng điều này không mang lại may mắn, thậm chí là đem lại vận xấu cho gia đình.

Mâm ngũ quả ở miền Trung

Xuất phát từ vùng miền có tính chất khí hậu, vị trí địa lý không mấy thuận lợi để trồng các loại hoa quả nên mâm ngũ quả trong ngày Tết của người miền Trung đơn giản hơn so với miền Bắc.

Mâm ngũ quả của người miền Trung đơn giản, không cầu kỳ

Mâm ngũ quả của người miền Trung đơn giản, không cầu kỳ

Người miền Trung không quá khắt khe trong việc lựa chọn trái cây chưng trên mâm ngũ quả mà họ thường dùng "cây nhà lá vườn", "có gì dùng nấy", điều quan trọng là "lễ có thể bạc nhưng lòng phải thành". Một số loại hoa quả có thể kể đến như: chuối, táo, quýt, cam, xoài, hồng xiêm... Trong đó, những loại quả to thường được xếp dưới cùng, quả nhỏ xếp xen lẫn vào nhau.

Mâm ngũ quả ở miền Nam

Trong quan niệm quả người miền Nam, mâm ngũ quả thường được chưng theo mong muốn của họ sẽ được "Cầu - sung - vừa - đủ - xài". Mâm ngũ quả gói gọn mong muốn của họ về một cuộc sống sung túc, no đủ trong năm mới nên người miền Nam sẽ lựa chọn 5 loại của tương ứng với ý nghĩa trên gồm: Mãng cầu (Cầu), sung (sung), dừa (vừa), đu đủ (đủ), xoài (xài).

Mâm ngũ quả theo mong muốn "Cầu, sung, vừa, đủ, xài" của người miền Nam

Mâm ngũ quả theo mong muốn "Cầu, sung, vừa, đủ, xài" của người miền Nam

Khác với người miền Bắc và miền Trung, Mâm ngũ quả của người miền Nam không chưng Chuối vì cách phát âm mang ý nghĩa không tốt (Chuối - người miền Nam phát âm là "Chúi" ám chỉ việc đi xuống, không phất lên được hoặc quả lê theo hàm nghĩa lê lết, bết bát, lựu (“lựu đạn”), cam (“cam chịu”)…

Đọc thêm