Xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Khắc phục tình trạng cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm: Cần một cơ chế minh bạch, ranh giới đúng - sai rõ ràng

(PLVN) -  Tình trạng một bộ phận cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, dẫn tới không dám làm, “vo tròn” vì sự an toàn của cá nhân, dẫn tới công việc chung bị đình trệ sẽ làm cản trở động lực phát triển của đất nước. Vì vậy, cần sớm có những giải pháp mạnh mẽ để khắc phục.

Có năng lực nhưng thiếu động lực

Phát biểu tại phiên thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV vừa diễn ra, Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) nhấn mạnh bài học về yếu tố con người. Đại biểu khẳng định, con người là trung tâm, là nhân tố quyết định của mọi sự thành công cũng như sự thất bại, nhất là cán bộ lãnh đạo.

Để tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 đã đề ra, Đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm, giải quyết có hiệu quả tình trạng bất an, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, kể cả cán bộ lãnh đạo, quản lý. “Có cán bộ tâm sự rằng thà đứng trước Hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước Hội đồng xét xử”, Đại biểu cho hay.

Đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) cho rằng, tiến độ giải ngân chi đầu tư phát triển cho các công trình, dự án trọng điểm quốc gia, công trình dự án quan trọng của địa phương; các chương trình mục tiêu quốc gia; giải ngân gói hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch COVID-19 chậm là “điểm nghẽn” mới trong tăng trưởng. Đại biểu nhận định, đúng là có việc giải ngân chậm do vướng mắc về quy trình, thủ tục khi triển khai các kế hoạch, chương trình dự án, do phân bổ vốn chậm, chuẩn bị đầu tư chưa kỹ... Tuy nhiên, yếu tố chủ quan của con người, bộ máy vẫn là khâu quyết định.

Đại biểu Tạ Thị Yên.

Đại biểu Tạ Thị Yên.

Đại biểu Tạ Thị Yên cũng bày tỏ không đồng tình với suy nghĩ của cán bộ về việc “thà đứng trước Hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước Hội đồng xét xử”. Bởi, từ chủ trương, chính sách hết sức đúng đắn của Đảng, Quốc hội đã thể chế hóa, luật hóa, Chính phủ đã điều hành rất quyết liệt nhưng cấp cơ sở lại có tâm lý e ngại, sợ sai, đùn đẩy, sợ trách nhiệm.

“Như vậy làm sao có thể thúc đẩy xã hội phát triển? Trong khi Quốc hội khẩn trương làm ngày, làm đêm để các chủ trương, chính sách mới sớm đi vào cuộc sống, góp phần tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, vậy mà kết quả đạt được còn rất xa so với kỳ vọng, mục tiêu, nhiệm vụ được thiết kế trong chính sách kèm theo nguồn lực tài chính công. Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần phê bình hiện tượng này và đã từng nói thẳng “ai không làm thì đứng sang một bên””, Đại biểu nêu rõ.

Đại biểu Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam) cũng nhấn mạnh về tình trạng một số cán bộ, công chức sợ sai, đùn đẩy trách nhiệm. “Thực tế hiện nay có một số bộ phận không nhỏ công chức rất có năng lực nhưng lại thiếu động lực. Họ giống như một số cầu thủ bóng đá, còn “cá độ” hoặc đi lững thững trong những trận đấu quyết liệt, có tính sống còn hay chủ động bỏ ra ngoài sân khi trận đấu vẫn đang cần họ”, Đại biểu ví von.

Nguyên nhân chính vẫn là do con người

Theo Đại biểu Nguyễn Hữu Thông, tình trạng bất an, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức có hai nguyên nhân chính. Một là, chưa có sự đồng bộ của hệ thống pháp luật. Thứ hai, cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung đã được Bộ Chính trị ban hành tại Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 nhưng chưa được cụ thể hóa bằng các văn bản quy phạm pháp luật, dẫn đến việc cán bộ trong quá trình công tác còn e ngại, làm cầm chừng, không dám đột phá.

Nghị quyết số 68/2022/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 vừa được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ký ban hành nêu rõ một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra, trong đó, “triển khai các giải pháp để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; xây dựng cơ chế, chính sách cải thiện điều kiện và môi trường làm việc, sớm khắc phục tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức và tình trạng công chức, viên chức xin nghỉ việc”.

Do vậy, Đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương một mặt thường xuyên rà soát các cơ chế, chính sách nhằm điều chỉnh cho đồng bộ, phù hợp với thực tế; mặt khác sớm cụ thể hóa các chủ trương của Đảng bằng các văn bản quy phạm pháp luật để áp dụng vào thực tiễn cuộc sống.

Trong khi đó, Đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) bày tỏ tán thành với nhận định về tình trạng cán bộ, công chức đùn đẩy, né tránh, ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai thực hiện nhiệm vụ và phục vụ nhân dân. Tuy nhiên, theo Đại biểu, nói vướng mắc do chính sách, pháp luật là chưa đủ, mà nguyên nhân chính là do con người, do khâu công tác tổ chức thực hiện, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Đại biểu Tạ Văn Hạ phân thành ba loại đối tượng. Thứ nhất là cán bộ có năng lực hạn chế thì đúng là có tình trạng sợ, không dám làm. Đối tượng thứ hai là cán bộ có năng lực nhưng ý thức, tinh thần cũng còn hạn chế, “có chuyện nghe ngóng, né tránh”. Đối tượng thứ ba là một số người “trước làm đã không đúng, làm ẩu, làm thiếu trách nhiệm, nên nếu bây giờ làm đúng như vậy sẽ phát sinh ra những vấn đề trước đây đã làm nên bây giờ làm cầm chừng, hạn chế và không dám làm”.

Đề cập đến thực trạng đáng buồn nêu trên, nhiều ý kiến cho rằng, cán bộ biết sợ sai là tốt, như vậy họ sẽ “không dám làm liều”, từ đó tránh được những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra. Tuy nhiên, việc họ sợ sai, sợ trách nhiệm đến mức né tránh, không dám làm, hay làm cầm chừng, đùn đẩy việc lên trên với tư tưởng “làm ít, sai ít” lại là việc không thể chấp nhận được. Nhiều ý kiến nêu rõ, không thể để tình trạng cán bộ vì sợ mà không dám làm, cán bộ được giao vị trí, nhiệm vụ nhưng lại không làm gì, ngồi im, “vo tròn” vì sự an toàn của cá nhân mà để công việc của cơ quan bị đình trệ, làm cản trở động lực phát triển của đất nước.

“Thủ tướng rất quyết liệt triển khai, họp ngày, họp đêm, trong khi đó ở dưới với tư tưởng này cần phải chấn chỉnh lại và càng sớm càng tốt để làm sao không được ảnh hưởng đến chất lượng thực hiện nhiệm vụ và công tác phục vụ nhân dân”, Đại biểu Tạ Văn Hạ nhấn mạnh.

Hoàn thiện thể chế, vạch rõ ranh giới đúng - sai

Để chấm dứt được tình trạng cán bộ sợ sai, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, Đại biểu Trần Văn Khải cho rằng, việc cấp bách hiện nay là phải xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, chế độ ưu đãi để tuyển chọn và xây dựng những đội ngũ công chức, lãnh đạo ưu tú, dấn thân vì Tổ quốc mình.

Đại biểu Trần Văn Khải phát biểu tại Hội trường Quốc hội.

Đại biểu Trần Văn Khải phát biểu tại Hội trường Quốc hội.

“Tôi tin rằng họ rất cần xã hội cổ vũ, ủng hộ hết mình để làm những kỳ tích mà cả dân tộc có thể tự hào, không chỉ cho thế hệ hôm nay và cho thế hệ mai sau. Một thể chế mạnh mẽ, minh bạch, rõ ràng và hiệu lực cao sẽ tạo môi trường làm việc tối ưu, giúp cho công chức yên tâm làm việc, thu nhập chính đáng từ lương đủ để nuôi mình và giúp đỡ gia đình, quan trọng hơn, họ được pháp luật bảo vệ và khi đó, tôi tin rằng người bình thường sẽ trở thành anh hùng khi đảm nhiệm những nhiệm vụ gian khó”, Đại biểu nói.

Đại biểu Tạ Thị Yên lại nhận định, nếu làm đúng quy định của pháp luật, trong sáng, vì nước, vì dân thì “có gì phải ngại, vì đứng đằng sau chúng ta vẫn còn có cả một tập thể lãnh đạo, có cơ chế để bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”. Từ đó, Đại biểu này đề nghị Chính phủ cần siết chặt hơn nữa kỷ luật hành chính, kỷ cương công vụ, đánh giá cán bộ theo kết quả công việc cụ thể. Nếu cán bộ không đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, thực hiện không hiệu quả thì cần xem xét lại việc bố trí cán bộ; thuyên chuyển, bố trí công việc khác phù hợp hơn với năng lực sở trường.

Trong khi đó, Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn TP Hà Nội) nhấn mạnh về vấn đề trách nhiệm và đề nghị xử lý nghiêm đối với lối tư duy nhiệm kỳ. “Cần đề cao trách nhiệm nhưng cũng rất cần một cơ chế minh bạch, ranh giới giữa đúng - sai phải rõ ràng để tạo công cụ bảo vệ những người trong bộ máy công quyền, để không tạo một tâm lý e dè, lo lắng, khơi thông tư tưởng. Có như vậy thì hiệu quả quản lý Nhà nước mới không đi xuống”, Đại biểu nêu quan điểm.

Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương chỉ rõ, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 vẫn còn hạn chế, khuyết điểm là một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, thiếu gương mẫu, phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, sa vào chủ nghĩa cá nhân, nói chưa đi đôi với làm, vi phạm kỷ luật đảng, vi phạm pháp luật. Nguyên nhân chủ yếu của hạn chế, khuyết điểm là do một số cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu chưa nhận diện đầy đủ mức độ suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” tại địa phương, cơ quan, đơn vị mình; chưa quyết tâm và có biện pháp chỉ đạo đủ mạnh, còn thụ động, trông chờ vào sự chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên…

Kết luận xác định một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, trong đó có “tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có lý tưởng cách mạng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, có năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Cán bộ dù ở vị trí nào cũng phải luôn ý thức đầy đủ về trách nhiệm, “đúng vai, thuộc bài”, thật sự chuyên nghiệp, làm tốt nhiệm vụ được giao, phải gắn bó mật thiết với nhân dân, được nhân dân tín nhiệm. Thực hiện tốt chủ trương khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, luôn nỗ lực hành động vì lợi ích chung.

Đọc thêm