Khắc phục tình trạng 'đánh trống ghi tên' trong đăng ký TGPL

(PLO) - Dự thảo Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) được Hội Luật gia Việt Nam phối hợp với Dự án Quản trị Nhà nước nhằm Tăng trưởng toàn diện thuộc Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID/GIG) tham vấn sáng nay (12/5) được đề nghị bổ sung thêm nhiều quy định nhằm tăng tính xã hội hóa để phát huy hiệu quả của hoạt động trợ giúp pháp lý (TGPL) .
Hội thảo tham vấn dự thảo Luật TGPL (sửa đổi)

TGPL là chính sách tiến bộ, trách nhiệm của Nhà nước để đảm bảo cho mọi người dân, nhất là những đối tượng yếu thế trong xã hội, được tiếp cận các trợ giúp cần thiết về pháp lý, bảo đảm quyền con người và quyền công dân.

Không để “đánh trống, ghi tên” trong đăng ký TGPL

Mặc dù, Luật TGPL năm 2006 có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện, đóng góp, hỗ trợ hoạt động TGPL nhưng trong thực tế, số lượng các tổ chức đăng ký tham gia TGPL còn rất hạn chế.

Hiện các tổ chức, cá nhân tham gia TGPL chỉ chiếm 3,3% tổ chức đang thực hiện hoạt động tư vấn pháp luật, tổ chức hành nghề LS (LS).

GS.Lê Minh Tâm – Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam nhận xét, như vậy, “Luật TGPL chưa thực sự huy động được các nguồn lực xã hội tham gia thực hiện TGPL và hỗ trợ pháp triển hoạt động TGPL”.

Để phát huy hiệu quả TGPL, thông qua phỏng vấn 9 Trung tâm tư vấn pháp luật, viện nghiên cứu, nhóm tư vấn của GIG  đề nghị “tăng cường xã hội hóa TGPL, huy động  mọi cá nhân, tổ chức có điều kiện tham gia TGPL và các nguồn lực để từng bước xóa bỏ cơ chế xin cho trong TGPL” – ông Đặng Đình Luyến – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH, chuyên gia nhóm tư vấn cho biết.

So với Luật TGPL năm 2006,  dự thảo Luật đã quy định các tổ chức đăng ký tham gia thực hiện TGPL bằng nguồn lực của họ và tổ chức ký hợp đồng thực hiện TGPL được Nhà nước hỗ trợ kinh phí thực hiện vụ việc TGPL.

Bà Phan Thị Thu Hà (Cục TGPL – Bộ Tư pháp) khẳng định, đây là một cơ chế huy động khuyến khích các tổ chức xã hội tham gia thực hiện TGPL tích cực hơn.

Thông qua cơ chế ký hợp đồng, các nghĩa vụ được thỏa thuận thì các tổ chức tham gia TGPL cũng sẽ có trách nhiệm hơn trong việc cung cấp dịch vụ TGPL.

Đồng thời với các quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng, vì quyền lợi của bên thứ ba, Nhà nước có thể đặt ra các yêu cầu về chất lượng, số lượng vụ việc tham gia tố tụng…

Cơ chế ký hợp đồng cũng nhằm tạo ra sự linh hoạt, tăng cường khả năng đáp ứng nhu cầu TGPL, tránh việc bỏ sót người được TGPL khi họ cần được TGPL do không có đủ nguồn lực thực hiện, tránh việc ban hành pháp luật nhưng lại không đủ các biện pháp bảo đảm quyền được TGPL cho người dân.

TGPL lưu động không phải là hình thức TGPL mà là cách thức tổ chức thực hiện TGPL ngoài trụ sở Trung tâm TGPL

Đặc biệt, theo bà Phan Thị Thu Hà, để khắc phục tình trạng “đánh trống ghi tên” trong đăng ký TGPL ảnh hưởng đến chất lượng TGPL, dự thảo Luật đã chọn lọc, kế thừa yếu tố hợp lý từ quy định hiện hành, quy định những điều kiện cần thiết nhằm bảo đảm các tổ chức này có đủ điều kiện có nguồn lực để cung cấp dịch vụ TGPL có chất lượng.

Tuy nhiên, bà Trịnh Thị Lê Trâm – Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật và chính sách về y tế, HIV/AIDS mong muốn có điều kiện “nhẹ nhàng, thông thoáng hơn” để các tổ chức xã hội tham gia TGPL.

Theo đó, bà kiến nghị, dự thảo Luật nên quy định để các tổ chức có nguyện vọng và đủ điều kiện của Luật TGPL tiến hành ký hợp đồng thực hiện TGPL mà không cần “chờ” Trung tâm TGPL Nhà nước “không bảo đảm được nhu cầu TGPL tại địa phương”.

Khó chỉ trông chờ vào LS công

Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, LS.David Anderson – Giám đốc USAID/GIG, khẳng định, LS công có vai trò quan trọng trong hoạt động TGPL. Tuy nhiên nếu số lượng LS công nhiều thì hệ thống TGPL sẽ trở nên tốn kém, nhất là khi nhu cầu TGPL tăng.

Vì vậy nhiều quốc gia lựa chọn mô hình hỗn hợp để đảm bảo được tính hợp lý về tài chính và hiệu quả. Theo đó, các LS công và các đối tượng khác (như tổ chức xã hội, hỗ trợ tư pháp, nhân viên pháp lý, người tốt nghiệp chuyên ngành luật nhưng chưa đáp ứng đầy đủ năng lực để thành LS, sinh viên ngành luật/văn phòng luật, tình nguyện viên…) có thể gia TGPL.

Kinh nghiệm dựa vào nguồn lực xã hội cho công tác TGPL của Indonesia cho thấy, với hơn 400 tổ chức xã hội được công nhận cung cấp các dịch vụ TGPL, không có LS công nhưng mỗi tòa án cấp sơ thẩm đều có nhân viên TGPL – rất có ích đối với những vụ án nhỏ; hoặc chỉ định LS cho các vụ án hình sự.

Gợi ý cho Việt Nam, LS. David Anderson cho rằng, trong điều kiện còn khó khăn về tài chính và số lượng LS công chưa nhiều thì mô hình hỗn hợp là rất phù hợp để để mọi người đều có thể tiếp cận và cung cấp dịch vụ TGPL.

Đó cũng là cơ sở để tăng cường xã hội hóa hoạt động TGPL, khai thác các nguồn lực tài chính và “chất xám” pháp lý của xã hội cho hoạt động TGPL cho các đối tượng yếu thế của xã hội, góp phần bảo đảm tính pháp lý của quá trình tố tụng.

Cùng với đó, nhóm tư vấn của USAID/GIG khuyến nghị dự án Luật cần quy định trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong tăng cường thanh kiểm tra, giám sát để bảo đảm pháp luật về TGPL được thi hành nghiêm và thống nhất, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả TGPL, bảo đảm nguồn kinh phí không bị thất thoát, lãng phí.

TGPL qua tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng

Thời gian qua, các địa phương tập trung nhiều nguồn lực cho TGPL lưu động, sinh hoạt câu lạc bộ TGPL. Như vậy gây lãng phí nguồn lực mà không đáp ứng được nhu cầu giải quyết các vụ việc cụ thể, gắn với việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp khác của người dân.

Theo đánh giá sơ bộ, một số hình thức TGPL khác (như sinh hoạt câu lạc bộ TGPL, sinh hoạt chuyên đề…) chỉ chiếm tỷ lệ không đáng kể (khoảng 1%) trong tổng số vụ việc TGPL và thực tế cũng cho thấy không hiệu quả.

Vì vậy dự thảo Luật quy định cụ thể 3 hình thức TGPL: tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng để khắc phục sự tùy tiện trong hướng dẫn thi hành cũng như triển khai Luật TGPL.

Đọc thêm