Mở đầu cuộc trao đổi với Pháp luật Việt Nam, ông Nguyễn Hoàng Mai - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội (UBCVĐXH) của Quốc hội đã nói như vậy khi đề cập đến việc các cơ quan chức năng hiện đang khó khăn trong vấn đề chứng minh những di chứng CĐDC truyền từ cha sang con và từ ông sang cháu.
Cũng vì còn băn khoăn không biết hậu quả của di chứng CĐDC sẽ dừng lại ở thế hệ bao nhiêu, do việc biến đổi gen là rất khó xác định, vì vậy vị Phó Chủ nhiệm UBCVĐXH của Quốc hội “rất chia sẻ với các cơ quan chức năng trong đánh giá vấn đề này.
Trên thực tế, có thể cả ba thế hệ (ông, cha, cháu) đều bị ảnh hưởng của CĐHH; nhưng cũng có trường hợp thế hệ thứ 2 an toàn, còn thế hệ thứ 3 lại bị ảnh hưởng. Do đó, để làm sáng tỏ vấn đề, đòi hỏi các nhà khoa học phải vào cuộc, vì những nguyên nhân gây ra dị dạng, dị tật có rất nhiều.
Ông Mai cho biết, qua công tác tiếp xúc cử tri và giám sát tại các địa phương, UBCVĐXH của Quốc hội cũng chỉ ghi nhận những thực chứng và các kiến nghị phải ban hành chính sách, chế độ phù hợp đối với các nạn nhân CĐDC thế hệ thứ 3.
“Các bộ, ngành liên quan cũng biết tâm tư, nguyện vọng của Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin và nhân dân. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là cơ sở khoa học và tiêu chí để xác định. Một khi đã rõ ràng mọi thứ thì chắc chắn các cơ quan chức năng sẽ đề xuất lên và lúc đó phải sửa đổi Pháp lệnh Ưu đãi người có công nhằm đưa chính sách vào thực hiện”- ông Nguyễn Hoàng Mai khẳng định./.